Cháy nhà ra buông lỏng quản lý

TP - Vụ cháy nhà hàng karaoke tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 3 chiến sỹ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hy sinh để lại nỗi buồn, khoảng trống lớn trong lòng không chỉ người dân Hà Nội.

Bên cạnh niềm cảm phục về sự dũng cảm, hy sinh của các chiến sỹ, không ít người cũng đặt câu hỏi về vai trò quản lý của chính quyền địa phương như phường, quận trong lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm này.

Những bức ảnh do phóng viên ghi nhận tại hiện trường vụ cháy cho thấy, phần lớn diện tích tầng 6 xây dựng không phép, được ốp tôn, làm trần che chắn khá kiên cố khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận hơn để khống chế đám cháy. Khi những tấm tôn bung ra, bên trong có cả nhiều tấm vật liệu nhẹ, tấm ốp trần, xốp nhẹ... cũng rơi ra và bắt lửa cháy.

Vì sao nhà hàng kinh doanh dịch vụ gây nguy cơ cao về cháy nổ lại có thể cơi nới cả diện tích lớn như vậy trong nhiều năm. UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy có biết và nếu biết vì sao vẫn để cho tồn tại? Không chỉ xây dựng nâng thêm tầng 6, nhà hàng này còn không có thang thoát hiểm bên ngoài. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đó phần nào cũng làm cho việc khống chế đám cháy khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Trao đổi với PV Tiền Phong, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Trần Thị Phương Hoa cho biết, đã chỉ đạo rà soát các nhà hàng karaoke trên địa bàn. Về công trình, bà Hoa cho hay “chỉ được xây 5 tầng và 1 tum”.

Khi xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan vụ cháy quán karaoke tại 68 Trần Thái Tông năm 2016 làm 13 người chết, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh cho hay: Sau sự cố, quận đã kiểm tra toàn bộ 88 cơ sở kinh doanh karaoke có giấy phép trên địa bàn thì 3 nơi không hoạt động, 85 quán còn lại đều có vấn đề về phòng cháy, chữa cháy. Hai lãnh đạo quận và phường bị cách chức, nhiều người khác bị khiển trách liên quan vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Hà Nội).

Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh karaoke, nhiều loại hình kinh doanh khác cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ và cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý, thậm chí có biểu hiện nhắm mắt làm ngơ của cán bộ có trách nhiệm. Đơn cử như hàng trăm nhà xưởng mọc trên khu đất 11ha ngoài đê sông Hồng (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm). Mỗi nhà xưởng rộng trung bình khoảng 1.000m2, xây dựng trên đất nông nghiệp, không giấy phép, không đăng ký kinh doanh và không được nghiệm thu PCCC. Tương tự, hàng chục nhà xưởng mọc lên tại đường Phú Viên (phường Bồ Đề, quận Long Biên); phố Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm)... vẫn ngày đêm hoạt động bất chấp quy định của pháp luật. Thực tế, một số nhà xưởng ở đây đã xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về con người và tài sản, như vụ cháy xưởng ở ngõ 1 phố Đại Linh khiến 8 người tử vong cùng nhiều tài sản bị thiêu trụi.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, hiện nay quy định cấp giấy phép xây dựng chưa đề cập đến nội dung PCCC đối với nhà ở riêng lẻ. Trong khi nhiều nhà ở riêng lẻ sau khi xây dựng xong lại sử dụng để kinh doanh hoặc vừa ở vừa kinh doanh. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Công an để nghiên cứu quy chế phối hợp, lồng ghép thủ tục về PCCC với thủ tục cấp phép xây dựng.

Bên cạnh những bất cập về quy định, điều đáng nói sau mỗi vụ cháy, cán bộ chính quyền thường cùng lặp lại một điệp khúc “rà soát toàn bộ”, “xử lý nghiêm vi phạm”! Tuy nhiên, ở mỗi công trình xảy ra cháy nổ, không khó để nhận ra những vi phạm về trật tự xây dựng, phòng chống cháy nổ.

Cháy nhà đang... lộ ra quản lý lỏng lẻo, đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng và PCCC.