Chạy chợ 5.000 km dưới chân núi Trường Sơn

Chàng trung úy tiếp phẩm Nguyễn Hữu Quý mỗi tháng chạy chợ 5.000 km ở lưng núi Trường Sơn. Ảnh: Lê Văn Chương.
Chàng trung úy tiếp phẩm Nguyễn Hữu Quý mỗi tháng chạy chợ 5.000 km ở lưng núi Trường Sơn. Ảnh: Lê Văn Chương.
TP - Trên cung đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế có chàng trung úy trẻ mỗi ngày đi chợ 160 km để mua thực phẩm cho Ðồn biên phòng Hương Nguyên nằm trong rừng sâu. Có hôm anh đi đến 2 lần trên cung đường sương mù, giá rét, mưa tuôn, núi sạt.

Một mình một ngựa giữa băng rét Trường Sơn

Tiếng gà gáy vang lên khắp bản A Roàng khi trận mưa rừng tạm ngớt xuống. Tiếng gà kéo tôi ra khỏi chăn bật dậy thật nhanh để vượt qua cảm giác ái ngại vì đã hứa với chàng Trung úy sẽ “dầm mình trong mưa”, cùng chạy chợ trên đường Hồ Chí Minh nằm ở độ cao hơn 800 mét, uốn khúc ngang lưng dãy Trường Sơn, trong nhiệt độ ở vùng núi huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế là 18 độ C, trên tuyến đường xuất hiện vô số bẫy tử thần là những mảng núi lớn trượt xuống đường, cuốn phăng mọi thứ ra mép vực thẳm.

“Trường Sơn Đông/Trường Sơn Tây/Bên nắng đốt/Bên mưa quay…”, đoạn bài hát trên là tả về khung cảnh mùa hè, còn vào mùa đông, Trường Sơn chỉ có mưa, mây mù, sương giá, khung cảnh cô đơn và những người lính biên phòng, hiện ra trên sườn núi. Đồn biên phòng Hương Nguyên nằm biệt lập giữa rừng già gần Trung tâm bảo tồn Sao La. Còn chợ A Lưới nằm ở trung tâm huyện. Hai địa điểm này rất xa nhau. Từ tháng 8/2013, Trung úy Quý được đồng đội đi trước chuyển giao công việc chạy chợ 160 km/ngày.  

Chiếc xe gắn máy mang biển số QB 886 A quét ánh đèn pha xuyên qua màn sương trắng đục. Núi rừng vun vút lùi lại phía sau lưng. Xóm làng thưa thớt thỉnh thoảng hiện ra vài ngôi nhà với ánh đèn le lói trong sương trắng. Gió rít át cả tiếng máy. Nền đường Hồ Chí Minh được đổ bằng bê tông có vài đoạn xanh rêu và trơn trượt vì không khí ẩm ướt nhiều ngày. Đường rừng hoang lạnh và sương giá, nên cảm giác thèm được nghe tiếng gà để cảm nhận về buôn làng, sự sống ở vùng đất có mật độ dân số khoảng 3 người/km2.

Mỗi sáng sớm, Trung úy Quý xuất phát từ đội công tác biên phòng ở xã A Roàng ra trung tâm huyện A Lưới để mua rau, thịt, cá rồi đi ngược vào. Có ngày đi 2 lần nếu có việc đột xuất. Những năm trước đây, tua đi chợ về đến đồn là 174 km và đường đi khó khăn hơn nhiều. Có một trận lở núi suýt đè cả đồn nên cả đơn vị phải rời bỏ đồn cũ và dịch chuyển ra nơi ở mới nên tua đi chợ rút xuống còn 160 km. Nếu ở miền xuôi, đoạn đường này xa hơn từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng (115 km), tương đương từ Quảng Ngãi vào Bình Định (170 km).

Nếu chạy từ tỉnh này sang trung tâm tỉnh kia để mua bó rau, con gà, kg thịt, có khi đi 2 lần/ngày thì đó là một câu chuyện kỳ lạ.

Chạy chợ 5.000 km dưới chân núi Trường Sơn ảnh 1 Chiếc xe QB 886 A băng băng trên đường Hồ Chí Minh, qua một gốc cây vừa lao từ sườn núi cắm xuống đường. Ảnh: Lê Văn Chương.

Bên núi trượt, bên vực thẳm

Chợ tạm của huyện miền núi A Lưới thưa thớt vào buổi sáng sớm, dưới bầu trời mưa đổ xám xịt. Buộc túi thịt, cá, rau vào xe, trung úy Quý vội vã trở về để anh nuôi kịp nấu bữa ăn cho bộ đội, vì trên bầu trời tiếp tục xuất hiện đầy mây đen sắp trút nước xuống.

Trước khi xe vào rừng và đi trên cung đường không có dân cư, Trung úy Quý ghé vào cây xăng 26 để đổ đầy bình nhiên liệu, rồi tạt vào tiệm xe Trọng Lượng ở xã Hương Lâm để tăng chỉnh lại dây sên. Anh chủ tiệm cho biết, “con xe ni chạy ác chiến nhất ở đường Hồ Chí Minh đó, xe mô chạy lại bằng hắn mô. Hắn thay nhớt liên tục, 2 tháng là thay luôn bộ lốp và xích”.

Từ Quốc lộ 49 rẽ qua đường Hồ Chí Minh, dốc núi đầu tiên là tại km 366. Đây là một trong những con dốc thường xảy ra tai nạn do tầm quan sát hạn chế và sương mù. Có lần, bão đổ vào Thừa Thiên Huế, khi lên đến A Lưới thì đã cuối bão. Nhưng con dốc này vẫn ngổn ngang cây đổ, dây điện sà sát đất, tréo vào nhau, căng khắp lối đi. Vậy là một mình trung úy Quý ì ạch khiêng xe, lôi cây, kéo dây. Trong cơn mưa tối tăm mù mịt, chàng Trung úy lầm lũi đi sâu vào rừng, mắt căng ra để đi giữa làn đường. Thỉnh thoảng, một tảng đá như quả bom trên đỉnh núi lăn “ầm” xuống đường rồi biến mất dưới vực sâu.

Đi lại trên đường Hồ Chí Minh và suýt bị cây ngã, đá đè thì nhiều anh em biên phòng đều từng bị. Đại úy Thái Ngọc Hùng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Hương Nguyên có lần vượt qua một khúc cua thì nghe tiếng núi đổ sau lưng. Khi anh quay lại thất kinh vì cả mảng núi đã chắn ngang đường như một bức tường thành. Một lần khác, một âm thanh lớn như tiếng sấm khi xe anh vừa đi qua một vách núi đang róc rách nước. Tảng đá khoảng 10 tấn toác ra từ vách núi và lăn xuống đường.

Chiếc xe QB 886 A băng băng đi sâu vào đường rừng, khi qua km 373, sương mù mỗi lúc một dày, vách núi bên đường phủ đầy cây dương xỉ, những dốc cua gấp khúc men theo sườn núi, vài người dân tần tảo với bó mây trên lưng. Cầu Cạn, cầu Cha Linh trơ những bãi đá sau những ngày lũ quét. Một thân cây mấy người ôm không xuể lao xuống cách đây vài hôm cắm bên lề đường. Khi xe qua hầm chui số 1 giống như đi vào hang không đáy, vì tối om như hũ nút, sương mù che kín không thể nhìn thấy được miệng hầm bên kia.

Qua khỏi 2 hầm chui, xe bắt đầu đi vào cung đường có bờ ta luy sạt lở. Anh Quý cho biết: “Bữa tê (bữa kia) đất sạt xuống, trôi qua mặt đường. Nên chừ trở đi là phải có anh em ra đón, cõng rau, thịt vô trong nớ”.

Chạy chợ 5.000 km dưới chân núi Trường Sơn ảnh 2 Trung úy Quý mua rau sớm tại chợ A Lưới để tranh thủ trở về đồn. Ảnh: Lê Văn Chương.

Ðồn trong rừng sâu

Trên bản đồ, xã Hương Nguyên có hình dáng giống như một cây chùy, cán cắm sâu vào rừng và giáp với Quảng Nam, còn đầu hướng ra phía Bắc giáp với các xã của huyện Bình Điền, Thừa Thiên – Huế. Đồn biên phòng Hương Nguyên nằm trên đường Hồ Chí Minh, khu vực giáp với Quảng Nam. Đường Hồ Chí Minh khi đi qua tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị tương đối thẳng, nhưng khi băng qua xã Hương Nguyên huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế thì trở thành cung đường gấp khúc như sợi dây thun xoắn với 19 đoạn quanh co bám theo sườn núi. Trong đó có những đoạn nhoi ra vực thẳm, gập 180 độ, chạy ngược lại phía sau lưng rồi mới rẽ về phía trước.  

Trung tá Lê Xuân Phương, đồn phó cho biết: “đơn vị muốn tích trữ thức ăn chi cũng rất khó. Vì nơi này vẫn chưa có điện, anh em chủ yếu dựa vào nguồn điện chạy máy nổ”. Thời tiết khắc nghiệt ở đồn biên phòng nên rau trồng lên rồi lại rụi. Nếu lên Đồn biên phòng Hương Nguyên vào mùa đông thì bạn được căn dặn “nhớ mang theo 9 chiếc quần đùi. Vì 2 ngày tắm một lần thì 9 ngày sau chiếc quần đầu tiên mới kịp khô ráo để mặc”. 

Tôi rời đội công tác biên phòng A Roàng để về xuôi nhưng không thể chào tạm biệt chàng Trung úy tiếp phẩm mỗi tháng chạy chợ 5.000 km ở lưng núi Trường Sơn ở độ cao 800 mét so với mực nước biển. Vì giờ đó, anh đang bon bon trên cung đường dẫn vào tận rừng sâu Hương Nguyên đầy sương trắng, trái tim ấm độc hành giữa cánh rừng hoang lạnh.

Trung úy Nguyễn Hữu Quý sinh năm 1984, quê ở xã Quảng Thái, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Anh cho biết, trên đường đi rất hay gặp rắn, mà mình thì sợ rắn hơn sợ súng đạn. Có hôm một con rắn hổ chúa bị bánh xe cán qua đuôi nên nó quăng người lên xe, cắn chặt vào túi thịt. Vậy là anh Quý phải ném bỏ thịt và nói anh em đơn vị mổ gà để bổ sung thức ăn thiếu.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.