Châu Âu, Mỹ vật vã đối phó khủng hoảng năng lượng

TPO - Trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ, khí đốt giảm khi mùa đông ở châu Âu, Bắc Mỹ đang đến gần, nhiều nước phải đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt để đối phó khủng hoảng năng lượng như áp giá trần khí đốt, cấm sạc xe điện, giảm chiếu sáng, tăng nợ công để giúp chi trả hóa đơn của hộ gia đình, doanh nghiệp…

Ở Anh, người dân đang phải đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt hơn 100%, chi phí cao đến mức tân Thủ tướng Liz Truss phải đang xem xét việc đóng băng giá năng lượng.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã cảnh báo các doanh nghiệp ở Pháp về nguy cơ phải “phân chia khẩu phần” năng lượng trong mùa đông này.

Ở bang California của Mỹ, người dân đang phải đối mặt với khả năng mất điện thường xuyên và lệnh cấm sạc xe điện do mạng điện đang quá tải, Inside Sources đưa tin ngày 11/9.

Nhà Trắng từng tuyên bố: “Các chính sách liên bang không hạn chế việc sản xuất dầu khí. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng, trong ngắn hạn, nguồn cung phải theo kịp nhu cầu, trong nước và trên toàn thế giới trong khi chúng ta chuyển sang một tương lai năng lượng sạch an toàn… Sản lượng khí đốt tự nhiên chưa bao giờ cao hơn và sản lượng dầu thô dự kiến ​​sẽ đạt mức cao mới trong năm tới”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Abdullah Hasan nói rằng, chính quyền đang “biến Mỹ trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch, đảm bảo tương lai năng lượng sạch của Mỹ và đưa chúng ta đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu khí hậu, trong khi vẫn sản xuất lượng dầu gần kỷ lục”, The Wall Street Journal đưa tin.

Châu Âu, Mỹ vật vã đối phó khủng hoảng năng lượng ảnh 1

Những người Anh cầm biểu ngữ (Sưởi ấm hay ăn/Tất cả chúng tôi cần sự ấm áp) trong một cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ giúp đỡ người dân chi trả hóa đơn năng lượng của họ. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, khi nhu cầu toàn cầu tăng lên và các lệnh trừng phạt đối với Nga có hiệu lực, những so sánh đó là vô nghĩa. Vấn đề không phải là Mỹ tăng sản lượng, mà là dòng dầu và khí đốt tự nhiên bị mất mà Mỹ có thể cung cấp cho người dân và các đồng minh của mình. Theo họ, chính quyền của Tổng thống Biden thời gian qua đã chậm chạp, thậm chí cản trở việc cấp phép thăm dò, khai thác dầu khí.

Thu hẹp sản xuất

Các đơn vị sử dụng năng lượng lớn nhất của châu Âu, từ nhà máy thép đến các công ty hóa chất, đang đẩy mạnh cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, Financial Times đưa tin ngày 11/9.

Một số nhà sản xuất thép, bao gồm ArcelorMittal (lớn nhất châu Âu), đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động một số lò cao từ cuối tháng 9 này. Các nhà máy của ArcelorMittal ở Đức nói rằng, chi phí cao đang gây “căng thẳng nặng nề” cho khả năng cạnh tranh của họ.

Tại Tây Ban Nha, công ty luyện kim Ferroglobe đã tạm thời đóng cửa hai lò. Miles Roberts, giám đốc điều hành của công ty đa quốc gia chuyên về đóng gói DS Smith, khẳng định, các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho việc phân bổ năng lượng trong mùa đông này. “Chúng tôi đang chờ sự phân bổ năng lượng trên khắp châu Âu. Nó có thể sẽ không xảy ra, nhưng chúng tôi phải lên kế hoạch cho điều đó ngay bây giờ”, ông Roberts nói.

Trong sử dụng năng lượng, DS Smith phụ thuộc vào khí gas tới 70%. Vì vậy, công ty đang chống lại tình trạng giá cao thông qua bảo hiểm rủi ro, đa dạng hóa việc sử dụng năng lượng và giảm tiêu thụ.

Tại Anh, nơi chính phủ tuần trước đã công bố kế hoạch trợ cấp cung cấp năng lượng, những lo ngại về phạm vi và chi phí hỗ trợ vẫn còn. Steve Hammell, giám đốc tài chính của hãng cơ khí hạng nặng Sheffield Forgemasters, cho biết, ông lo lắng về việc phân bổ năng lượng.

Việc Nga trong tháng này quyết định cắt nguồn cung cấp vô thời hạn thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đã làm các nhà sản xuất trên khắp châu Âu thêm lo lắng về tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này. Họ cũng phải chứng kiến nhu cầu thấp hơn từ những khách hàng đang phải vật lộn với chi phí hoạt động cao hơn.

Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu (EU) đã bị cắt giảm khoảng 80% kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Các bộ trưởng năng lượng của EU cuối tuần qua đã ủng hộ việc đánh thuế bạo lợi (đánh vào thu nhập tăng cao bất thường) đối với các nhà sản xuất năng lượng để giúp giải quyết chi phí cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Christian Kullmann, giám đốc điều hành của công ty hóa chất Đức Evonik, cho rằng, Đức cần duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân vì các nhà sản xuất đang phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng giá cấp tính”. “Chúng tôi chưa gặp khủng hoảng nguồn cung nhưng đã có những dấu hiệu cảnh báo”, ông Kullmann nói. Evonik đang thay thế tới 40% khí đốt tự nhiên tại các cơ sở trong nước bằng khí hóa lỏng. Hãng cũng đang tiếp tục vận hành một nhà máy nhiệt điện chạy than.

Tập đoàn hóa chất Đức BASF cho biết họ đã giảm nhu cầu khí đốt kể từ tháng 3, bao gồm việc chuyển sang các nhiên liệu thay thế như dầu nếu có thể. BASF thông báo có thể tiếp tục vận hành nhà máy Ludwigshafen với công suất giảm nếu nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên không giảm xuống dưới 50% nhu cầu khí đốt tự nhiên tối đa của hãng.

Châu Âu, Mỹ vật vã đối phó khủng hoảng năng lượng ảnh 2

Một số nhà sản xuất thép, bao gồm ArcelorMittal, đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động một số lò cao từ cuối tháng 9 này. Ảnh: Getty Images.

Cắt giảm bể bơi, chiếu sáng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi giảm tiêu thụ năng lượng trong những tuần và tháng tới ít nhất 10%, France 24 đưa tin ngày 11/9. Ông cảnh báo rằng, nếu không làm vậy, Pháp có thể phải đối mặt với việc phân bổ và cắt giảm điện năng trong mùa đông này.

"Câu trả lời tùy thuộc vào chúng ta", Tổng thống Pháp nói ngày 5/9, kêu gọi người dân Pháp sử dụng ít điều hòa nhiệt độ và sắp tới là lò sưởi để tránh tình trạng thiếu điện. Tổng thống Macron cảnh báo rằng, việc cắt giảm năng lượng bắt buộc có thể được áp dụng nếu các nỗ lực tự nguyện tỏ ra không đủ.

Các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như bể bơi và sân trượt băng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá khí đốt tăng. Công ty vận hành Vert Marine đã quyết định đóng cửa khoảng 30 hồ bơi công cộng mà họ quản lý - ở Montauban, Versailles và Limoges.

Khoảng 10% trong số 4.000 bể bơi công cộng ở Pháp được quản lý thông qua một dịch vụ công cộng. Vert Marine nói rằng họ đang tạm thời đóng cửa một phần ba trong số 90 cơ sở mà họ quản lý và đã đưa "nhân viên vào tình trạng thất nghiệp một phần".

Việc chiếu sáng vào ban đêm của Eiffel chiếm 4% năng lượng tiêu thụ hằng năm của tháp. Tháp Eiffel (được hoàn thành vào năm 1889) hiện đã đón số lượng du khách giống thời trước COVID-19 là hơn 20.000 người mỗi ngày.

Dự kiến trong tuần này, Tòa thị chính Paris ​​sẽ đề xuất rằng, Tháp Eiffel, một trong những nơi được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới, nên tắt đèn sớm hơn một giờ so với thường lệ, vì châu Âu phải đối mặt với chi phí năng lượng ngày càng tăng do xung đột Nga-Ukraine. Tháp Eiffel hiện được chiếu sáng (sau khi trời tối) cho đến 1 giờ sáng bởi một hệ thống chiếu sáng công phu giúp nó có màu vàng rực rỡ.

Ngoài ra, cứ đầu mỗi giờ, tháp lại lấp lánh trong năm phút, nhờ 20.000 bóng đèn nhấp nháy.

Tòa thị chính Paris muốn Tháp Eiffel sẽ rơi vào bóng tối lúc 11 giờ 45 phút đêm khi những du khách cuối cùng rời đi, có nghĩa là nó sẽ không còn lấp lánh vào lúc nửa đêm.

Động thái cắt giảm ánh sáng được coi là một cách để làm gương cho việc giảm độ chiếu sáng của thành phố nói chung. Jean-François Martins, lãnh đạo ban quản lý Tháp Eiffel, nói: “Đó là một cử chỉ mang tính biểu tượng cao - một phần của nhận thức ngày càng tăng về năng lượng tiết kiệm”.

Chính quyền các thành phố khác của Pháp cũng đang giảm chiếu sáng vào ban đêm. Các đài kỷ niệm ở Marseille, bao gồm Cung điện Pharo, sẽ tắt đèn sớm hơn từ cuối tháng 9 để tiết kiệm năng lượng.

Châu Âu, Mỹ vật vã đối phó khủng hoảng năng lượng ảnh 3

Tháp Eifffel sẽ "đi ngủ" sớm để tiết kiệm điện. Ảnh: Anadolu Agency.

Trợ cấp năng lượng

Cuối tuần qua, Anh xác nhận kế hoạch trợ cấp hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, để bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi đóng băng trong mùa đông này khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt, CNN đưa tin. Các nhà phân tích cho rằng, kế hoạch của có thể lên tới 150 tỷ bảng Anh (172 tỷ USD).

Các thông báo tương tự đã được đưa ra tại Đức, Áo và một số nước EU khác. Như vậy, tổng giá trị trợ cấp năng lượng của khu vực đã vượt 500 tỷ Euro (500 tỷ USD).

Người Anh rất cần sự hỗ trợ. Hiện tại, hóa đơn năng lượng trung bình hằng năm của hộ gia đình đã tăng 54% trong năm nay lên 1.971 bảng Anh (2.263 USD). Nếu không có kế hoạch mới để giới hạn giá, các hóa đơn sẽ tăng trên 3.500 bảng Anh vào tháng 10 và thậm chí cao hơn vào đầu năm sau.

Bắt đầu từ tháng 10, một hộ gia đình điển hình ở Anh sẽ trả không quá 2.500 bảng Anh (2.880 USD) cho năng lượng trong hai năm tới. Chính phủ Anh cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện và tổ chức khu vực công về chi phí năng lượng của họ trong sáu tháng tới và có thể lâu hơn.

Salomon Fiedler, một nhà phân tích tại ngân hàng Berenberg, nói: “Vì chương trình không nhắm mục tiêu cụ thể đến những người cần nhất mà là trên diện rộng, nên nó sẽ tương đối tốn kém. Gói hỗ trợ cho các hộ gia đình có thể trị giá khoảng 100 tỷ bảng Anh (hơn 4% GDP của Anh)”.

Người Anh rất cần sự hỗ trợ. Hiện tại, hóa đơn năng lượng trung bình hằng năm của hộ gia đình đã tăng 54% trong năm nay lên 1.971 bảng Anh (2.263 USD). Nếu không có kế hoạch mới để giới hạn giá, các hóa đơn sẽ tăng trên 3.500 bảng Anh vào tháng 10 và thậm chí cao hơn vào đầu năm sau.

Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí gia tăng cao hơn và nhiều đơn vị nói rằng họ sẽ không thể tồn tại qua mùa đông. Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng nói: “Cái giá của việc không hành động sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí của sự can thiệp này”.

Châu Âu, Mỹ vật vã đối phó khủng hoảng năng lượng ảnh 4

Ít nhất 109.000 người đã đăng ký chiến dịch “Don’t Pay UK”, từ chối thanh toán hóa đơn năng lượng tăng vọt của họ vào tháng 10. Ảnh: Left Voice.

Tại quốc hội, công bố các biện pháp giải quyết khủng hoảng năng lượng, Thủ tướng Anh Liz Truss một lần nữa bác bỏ việc áp đặt thuế bội lợi đối với các công ty năng lượng để lấy tiền chi trả cho việc trợ cấp năng lượng. Thay vào đó, chính phủ của bà có thể sẽ phải tăng vay nợ của chính phủ để giúp trang trải hóa đơn của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Kế hoạch này có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng nền tài chính của đất nước đang đi trên con đường không bền vững.

Việc vay với lãi suất cao có thể khiến các nhà đầu tư bán phá giá đồng bảng Anh, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm, khiến giá cả tiếp tục tăng.

Tháng trước, Bruegel, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nói rằng, EU và Anh đã cam kết 280 tỷ Euro để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá năng lượng quá thấp. Phân tích bao gồm các cam kết chi tiêu được thực hiện từ tháng 9/2021 (khi giá năng lượng toàn cầu bắt đầu tăng) tới tháng 7 năm nay.

Hôm 11/9, chính phủ Đức đã công bố gói 65 tỷ Euro để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp trang trải chi phí năng lượng của họ. Giữa tuần trước, Áo thông báo họ sẽ đóng băng giá điện từ tháng 12 đến tháng 6/2024. Reuters đưa tin rằng, kế hoạch này sẽ tiêu tốn tới 4 tỷ Euro.

Rủi ro

Tổng cộng, EU và Anh đến nay đã cam kết chi hơn 500 tỷ Euro để giúp trang trải hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này có thể dẫn tới việc người dân ủng hộ duy trì viện trợ Ukraine, và việc áp giá trần với giá điện, khí gas có thể giúp chống lạm phát.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, tăng trợ cấp bằng tiền mặt dễ khiến người dân không có động lực tiết kiệm năng lượng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vào ngày, giờ cao điểm, cắt điện luân phiên, phân bổ khí đốt… Ngoài ra, việc trợ cấp sẽ dẫn tới tăng nợ công, The Wall Street Journal đưa tin.

Tin liên quan