Châu Âu lưỡng lự đối đầu Trung Quốc vì Hong Kong

Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn đạt được thỏa thuận đầu tư quan trọng giữa EU với Trung Quốc trong năm nayẢnh: AP
Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn đạt được thỏa thuận đầu tư quan trọng giữa EU với Trung Quốc trong năm nayẢnh: AP
TP - Các lãnh đạo châu Âu không muốn làm như Mỹ trong việc đe doạ trừng phạt Trung Quốc về vấn đề áp luật an ninh mới lên Hong Kong, dù theo kế hoạch, các ngoại trưởng EU họp trong ngày 29/5 để cố đạt được quan điểm chung. 

Các ngoại trưởng Mỹ, Canada, Úc và Anh ngày 28/5 ra tuyên bố chung chỉ trích Bắc Kinh công bố sẽ áp luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong. Anh để ngỏ khả năng cấp quyền công dân cho thêm nhiều người Hong Kong nếu Bắc Kinh thực sự áp luật mới. Trước những căng thẳng gia tăng vì thành phố cựu thuộc địa của Anh, Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo có tiếng nói quan trọng bậc nhất trong Liên minh châu Âu (EU), cho biết bà vẫn muốn EU đạt được một thoả thuận đầu tư quan trọng với Trung Quốc trong năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/5 nói rằng, Mỹ sẽ đưa ra các chính sách mới trong cuộc họp báo mà ông chủ trì vào ngày 29/5 (giờ Mỹ) về Trung Quốc vì “chúng tôi không hài lòng với Trung Quốc”, còn EU vẫn mắc kẹt trong việc bày tỏ quan ngại về ngoại giao. Quan chức phụ trách ngoại giao EU, ông Josep Borrell, nói rằng, ông “quan ngại sâu sắc” về bước đi của Quốc hội Trung Quốc.

Trước đó, ông khẳng định, EU “rất coi trọng vấn đề giữ gìn quyền tự trị cao cho Hong Kong”, nhưng tuần này lại nói rằng, ông không nghĩ “các biện pháp trừng phạt Trung Quốc sẽ là giải pháp cho vấn đề”. Bà Merkel cũng nói rằng, EU cần duy trì đối thoại mang tính xây dựng, còn trả đũa về thương mại không nằm trong chương trình nghị sự của các ngoại trưởng EU trong cuộc họp ngày 29/5.

“Các biện pháp trừng phạt không được bàn đến, quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc đơn giản là rất quan trọng”, tạp chí Mỹ Politico dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao EU. Quan chức này nói rằng, luật mới cho Hong Kong có thể là “một nhân tố thay đổi cuộc chơi” khi đang có nhiều vấn đề đặt ra về pháp quyền của thành phố 7 triệu dân, nơi đang thu hút nhiều nhà đầu tư châu Âu. Nhưng vấn đề quan trọng là liệu việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát Hong Kong có ảnh hưởng đến thoả thuận đầu tư của EU với Trung Quốc hay không. Đức muốn hoàn tất thoả thuận này tại thượng đỉnh EU - Trung Quốc dự kiến diễn ra ở Leipzig, Đức vào tháng 9 năm nay, dù trước khi vấn đề Hong Kong nóng lên, hai bên đã bất đồng trong vấn đề quyền tiếp cận thị trường cho các công ty châu Âu.

Khác với quan điểm của bà Merkel, ông Reinhard Buetikofer, đại biểu người Đức trong Nghị viện châu Âu và là chủ tịch phái đoàn phụ trách quan hệ với Trung Quốc, kêu gọi các ngoại trưởng EU trong cuộc họp ngày 29/5 cần “lên tiếng rõ ràng và lên án việc Bắc Kinh tấn công vào quyền tự trị của Hong Kong”.

Ông cũng kêu gọi các nước châu Âu cân nhắc lại hợp tác với hãng viễn thông Trung Quốc Huawei vì “lãnh đạo Trung Quốc phớt lờ luật quốc tế”. Trong khi đó, ông Borrell nói rằng, “áp lực phải chọn phe (giữa Mỹ và Trung Quốc) đang tăng lên…, cần chiến lược mạnh mẽ hơn với Trung Quốc”. Bà Merkel thừa nhận, EU có nhiều khác biệt lớn với Trung Quốc về các vấn đề như pháp quyền và tự do, nhưng nên có cách tiếp cận khác Mỹ, chứ không nên đối đầu công khai.

MỚI - NÓNG