Châu Âu đối phó trứng gà nhiễm chất diệt côn trùng

Hàng triệu quả trứng gà ở châu Âu đang đối mặt nguy cơ bị tiêu hủy do nghi nhiễm chất fipronil. Ảnh: SCMP.
Hàng triệu quả trứng gà ở châu Âu đang đối mặt nguy cơ bị tiêu hủy do nghi nhiễm chất fipronil. Ảnh: SCMP.
TP - Ngày 7/8, Anh và Pháp thông báo, một số trứng gà nhiễm chất diệt côn trùng có thể đã lọt vào nước họ. Hàng triệu con gà có thể bị tiêu hủy tại Hà Lan trong một vụ bê bối an toàn thực phẩm đang bùng phát ở châu Âu.

Trong khi đó, Bỉ đang bị các quốc gia khác ở châu Âu chỉ trích vì đã biết thông tin từ hồi tháng Sáu nhưng mãi đến ngày 20/7 mới phát thông báo đầu tiên cho châu Âu về nguy cơ trứng gà nhiễm fipronil. Fipronil thường được sử dụng trong thuốc thú y để loại bỏ bọ chét, chấy và ve, nhưng bị cấm sử dụng để điều trị các loài động vật mà con người ăn nhiều (như gà). Chất fipronil được hấp thụ qua lông gà, da, sau đó đi vào trứng. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, chất diệt côn trùng fipronil có thể gây nguy hiểm cho thận, gan và tuyến giáp.

Các siêu thị ở Đức, Hà Lan và Bỉ đã loại hàng triệu quả trứng ra khỏi kệ hàng từ khi Bỉ có thông báo đầu tiên vào ngày 20/7, trong khi các nhà bán lẻ ở Thụy Điển và Thụy Sĩ đang tính tới phương án kiện tụng.

Ngày 7/8, Ủy ban châu Âu cho biết, theo hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu (EU), họ xác định rằng, những quả trứng nghi ngờ nhiễm hóa chất độc hại đã được phân phối tới Pháp và Anh qua Đức. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Anna-Kaisa Itkonen nói với các phóng viên: “Bây giờ đến Thụy Điển, Thụy Sĩ, Pháp và Anh cần phải kiểm tra vì tất cả số trứng này đều có thể theo dõi được”.

Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh cho hay, họ đang “điều tra khẩn cấp sự phân bố trứng ở Anh” từ các trang trại có nghi ngờ, đồng thời cho biết “số lượng trứng nhiễm độc rất nhỏ và nguy cơ đối với sức khoẻ cộng đồng rất thấp”. Dù không đưa ra con số cụ thể, nhưng họ thông báo, lượng trứng nhiễm độc chỉ chiếm 0,0001% so với số lượng trứng hằng năm được nhập khẩu vào Anh. Cơ quan chức năng Anh đang làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp đã nhập trứng từ các trang trại bị ảnh hưởng và thu hồi mọi sản phẩm bị ảnh hưởng xuất hiện trên các kệ hàng.

Chính phủ Pháp cho biết đã phát hiện 13 lô trứng gà Hà Lan nhiễm chất fipronil tại hai nhà máy chế biến thực phẩm ở miền trung nước Pháp. Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, fipronil đã được doanh nghiệp Hà Lan Chickfriend giới thiệu đến các trang trại chăn nuôi gia cầm để điều trị bọ chét. Truyền thông Hà Lan và Bỉ đưa tin, chất chứa thuốc diệt côn trùng này đã được Chickfriend cung cấp cho một công ty Bỉ.

Tổ chức nông nghiệp của Hà Lan cho hay, họ có thể phải loại bỏ hàng triệu con gà tại 150 công ty chăn nuôi gia cầm trong nước. Khoảng 300.000 con gà đã bị tiêu hủy. Chính quyền Hà Lan đã đóng cửa 138 trang trại gia cầm, chiếm khoảng 1/5 trang trại trên toàn quốc, và cảnh báo rằng, trứng của 59 trại nuôi khác có chứa fipronil hàm lượng cao, trẻ em không nên ăn. Bỉ cũng tạm dừng hoạt động của 51 trang trại, tức 1/4 số trang trại trên toàn quốc, và phát hiện fipronil ở 21 trang trại, dù mức độ thấp hơn 10 lần so với tiêu chuẩn cho phép của EU.

Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarme cho biết, ông đã yêu cầu cơ quan hữu quan báo cáo vào ngày 8/8 về việc tại sao họ không thông báo cho các nước láng giềng cho đến ngày 20/7 dù biết về sự việc từ tháng Sáu. Các quan chức Bỉ thừa nhận hôm 5/8 rằng, họ đã giấu kín vấn đề này và không thông báo vào hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm quốc tế của EU, bởi cho rằng đó là do một cuộc điều tra gian lận. Đối mặt với áp lực từ Đức và Hà Lan, ông Ducarme hứa sẽ hoàn toàn minh bạch vấn đề này và sẽ thường xuyên trao đổi điện thoại với những người đồng cấp EU trong những ngày tới.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.