Biểu ngữ cổ động Olympic Sochi. |
Cho tới nay, đã có một vài nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố sẽ không đến Sochi dự Lễ Khai mạc Olympic Mùa đông. Trước hết là Tổng thống Pháp Francois Hollande. Tiếp đó là Tổng thống Đức Joachim Gauck và Thủ tướng Anh David Cameron.
Những người có lập trường chống Nga ở châu Âu còn nhận được một “tin vui” nữa từ bên kia đại dương, khi cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đều tuyên bố sẽ không đến Sochi.
Dĩ nhiên những nhân vật này cho biết họ không đến Sochi chỉ đơn giản bởi vì vào thời điểm đó, lịch làm việc của họ quá căng thẳng chứ không phải vì lý do chính trị.
Nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất thẳng thừng tuyên bố tẩy chay Olympic Sochi vì lý do chính trị là nữ Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite. Bà nói rõ không đến dự Lễ Khai mạc là vì Nga không tôn trọng quyền của các nhóm thiểu số (ý muốn nói đến đạo luật của Nga cấm tuyên truyền khuynh hướng đông tính trong giới thanh thiếu niên).
Châu Âu bị chia rẽ về vấn đề Olympic Sochi không chỉ giữa các nước mà còn ngay trong nội bộ một nước, chẳng hạn như Đức.Trong khi Tổng thống Đức Joachim Gauck tuyên bố sẽ không đến Sochi thì nữ Thủ tướng Angela Merkel lại không loại trừ khả năng sẽ đến Sochi. |
Tuy nhiên quan điểm của nữ Tổng thống Litva đã bị nhiều đồng nghiệp của bà phản đối. Tổng thống Latvia (nước láng giềng của Litva) là Andris Berzins tuyên bố Olympic luôn luôn là những cuộc thi đấu của các vận động viên chứ không phải của các Nguyên thủ quốc gia. Vì vậy khi Ủy ban Olympic Latvia đề nghị ông tham dự Lễ Khai mạc Olympic Sochi, ông đã nhận lời.
Vua Thụỵ Điển Carl XVI Gustaf và Thủ tướng Italia Enrico Letta đều đã tuyên bố sẽ đến Sochi. Rất đáng chú ý là ý kiến của Tổng thống Thụỵ Sĩ Ueli Maurer. Ông nói, nếu không đến Sochi thì “chẳng lẽ chúng ta chẳng đi đâu nữa hay sao. Sẽ không đến các quốc gia Hồi giáo bởi vì họ có cách tiếp cận khác đối với các vấn đề pháp luật. Sẽ không đến Mỹ vì ở Mỹ vẫn duy trì án tử hình. Vậy thì chỉ còn cách ở nhà mà thôi”.
Còn Tổng thống Phần Lan Sauli Niiniste đề nghị Cộng đồng châu Âu EU cần suy nghĩ kỹ về vai trò của EU. Theo ý kiến ông Niiniste, người Nga có thể đã đúng khi nói EU có định kiến với họ và tìm cách buộc những người khác cũng phải tuân thủ định kiến ấy. Ông nhấn mạnh: “Người Nga cũng như tất cả các dân tộc khác đều có ý thức về phẩm giá của mình”.
VŨ VIỆT
Theo Kp.ru