Chật vật trở lại giảng đường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều trường đại học ở Hà Nội đã có thông báo cho sinh viên trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến do dịch bệnh. Cùng với niềm háo hức, mong chờ để được đến trường, nhiều sinh viên thấp thỏm lo âu đối mặt với tìm kiếm nhà trọ, việc làm thêm khi lịch học thay đổi liên tục vì dịch bệnh, chi phí sinh hoạt liên tục đội giá.
Chật vật trở lại giảng đường ảnh 1

Sau nhiều tháng không làm gia sư vì dịch bệnh, Ðào Thị Yến (sinh viên năm 3 chuyên ngành ngôn ngữ Anh) phải tìm việc làm thêm khác để trang trải cuộc sống ở Hà Nội

Lao đao vì lịch học thay đổi liên tục

Vừa thông báo lịch học trực tiếp, nhiều trường đại học bất ngờ đổi sang học trực tuyến, lùi lịch học, khiến sinh viên trở tay không kịp. Đã có sinh viên phải nhượng lại phòng trọ, thậm chí bỏ cọc sau khi đã trót thuê để về Hà Nội đi học trực tiếp.

Đang học trực tuyến từ năm nhất, Nguyễn Văn Mạnh, sinh viên năm hai Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội) háo hức khi được đến trường học trực tiếp. Mạnh đi tìm phòng trọ ngay khi có thông báo, nhưng chỉ đi học được vài hôm, trường lại đổi sang hình thức học trực tuyến.

“Em đã cố gắng lên Hà Nội sớm để tìm phòng trọ, thấy rất vui khi được đến trường đi học. Nhưng giờ em lại phải ngồi trong phòng trọ để học trực tuyến vì dịch bệnh phức tạp. Nhà trường đổi lịch học, vừa gò bó, vừa tốn kém thêm tiền thuê phòng trọ”, Mạnh chia sẻ.

Phương Anh (sinh viên năm hai Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chưa kịp lên Hà Nội để học trực tiếp, đã nhận được thông báo tiếp tục học trực tuyến.

“Em đã đặt cọc phòng trọ và đóng tháng trọ đầu tiên cho chủ nhà rồi. Nhưng đến gần ngày đi học, nhà trường lại có thông báo tạm dừng đến trường vì tình hình dịch phức tạp. Hôm sau em đã trả phòng và chịu mất cọc, thu dọn hành lý về quê vì nghĩ rằng sẽ lại học trực tuyến một thời gian nữa. Tuy nhiên, được ít hôm, trường lại có thông báo đi học trở lại vào giữa tháng 3 tới. Em không biết trường có thay đổi lịch học của sinh viên thêm lần nào nữa không”, Phương Anh lo lắng.

Chật vật tìm việc làm

Việc “an cư” chưa xong, các bạn sinh viên lại đối diện với nỗi lo về việc làm thêm, khi mà hầu hết các cơ sở kinh doanh, các nhà hàng đều cắt giảm nhân sự, hoặc phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Sau khi ổn định chỗ ở, Nguyễn Quang Minh, sinh viên năm hai Đại học Bách khoa Hà Nội đi tìm kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. “Mấy ngày qua em phải đi tìm việc làm thêm. Vì dịch bệnh nên nhà hàng trước đây em làm phải đóng cửa. Các hàng quán được phép hoạt động trở lại nhưng đều cắt giảm nhân sự vì ít khách. Em đang lo không biết xoay xở thế nào khi giá cả leo thang từng ngày”, Minh nói.

Là sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành ngôn ngữ Anh, Đào Thị Yến chọn dạy gia sư tiếng Anh là công việc làm thêm để có thêm thu nhập. Thế nhưng, dịch bệnh khiến Yến không có học trò để dạy. “Em thấy khá buồn vì công việc làm thêm hiện tại không còn được duy trì đều đặn. Có lẽ em sẽ tìm một công việc khác để trang trải cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội”, Yến lo lắng.

Chi phí sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ, nguồn chu cấp của gia đình không đáp ứng đủ, khiến nhiều sinh viên lao đi tìm việc làm thêm. Đáng buồn là không ít sinh viên “chân ướt chân ráo” lên Hà Nội đã bị sập bẫy lừa đảo việc làm. Có nhiều bài học đưa ra để cảnh báo, nhưng nhiều bạn chấp nhận đóng tiền để có “việc làm bằng niềm tin”.

Minh Thu, sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Hà Nội đã rất hào hứng khi được gọi phỏng vấn làm việc ở một cơ sở kinh doanh trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội).

“Khi đến phỏng vấn, việc đầu tiên em phải đóng tiền đồng phục và tiền đào tạo là 350 nghìn đồng. Vì mức lương làm thêm hấp dẫn và công việc nhẹ nhàng nên em đã đồng ý đóng tiền luôn. Nhưng hôm sau đến để làm việc thì không thấy công ty đâu. Ở đó chỉ là một căn phòng trống không”, Thu buồn bã nói.

Kết nối, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm nhà trọ giá rẻ

Anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội cho biết, qua khảo sát của Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP, thời gian qua có khoảng 300.000 sinh viên quay trở lại Hà Nội học tập. Thành Đoàn đã nắm bắt nhu cầu tìm nhà của sinh viên, trong đó, có khoảng 25.000 bạn ở thời điểm cuối tháng 2 chưa tìm được nhà.

Thời gian qua, đại diện Ðoàn thanh niên, Hội Sinh viên TP đã gọi điện cho các chủ nhà trọ để đàm phán mức giá cũng như hình thức trả cọc, qua đó hỗ trợ cho hơn 20.000 bạn sinh viên tìm được nhà trọ.

Theo anh Hưng, Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP đã phối hợp với các đơn vị như Ban quản lý nhà ở và công trình dân dụng của TP để mở những ký túc xá tập trung ở Mỹ Đình.

Thành Đoàn đang làm các quy trình để lấy lại khu thu dung ở Pháp Vân - Cầu Giẽ cho các bạn sinh viên thuê với giá hợp lý. Cùng với đó, Thành Đoàn phối hợp với các trường đại học xây dựng fanpage tìm nhà hỗ trợ cho sinh viên xung quanh khu vực học.

Anh Hưng cho biết thêm, tới đây sẽ tiếp tục làm việc để có thêm ký túc xá, cập nhật thông tin cho các bạn sinh viên về tình hình nhà ở; đồng thời sẽ thành lập thêm quỹ đoàn trong các khu ký túc xá tập trung.

MỚI - NÓNG