'Chất men' đặc biệt ghi dấu Nguyễn Trọng Tạo

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh tư liệu
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh tư liệu
TP - Nguyễn Trọng Tạo là thi sĩ của rất nhiều những câu thơ tài hoa. 

Nguyễn Trọng Tạo là thi sĩ của rất nhiều những câu thơ tài hoa. Ông đã sống đủ đầy đời sống của một thi sĩ đầy men say. Trong đó, chất “men” đặc biệt nhất ghi dấu Nguyễn Trọng Tạo trong thơ, theo tôi, đó là sự cô đơn. 

Một đêm mùa hè năm 1993 ở Huế, sau trận nhậu tưng bừng tại nhà thi sĩ Nguyễn Khắc Thạch trong căn hộ nhỏ tầng tư tập thể Đống Đa, thi sĩ Nguyễn Lương Ngọc vẫn chưa “đã”, bèn kéo tôi ra phố đi tìm rượu. Đó là chuyến anh Ngọc cùng nhà văn Hòa Vang đi bộ xuyên Việt từ Bắc vào Nam. Còn tôi tên phóng viên trẻ từ Đà Nẵng ra Huế rong chơi…

Huế lúc ấy đã quá 12 giờ khuya, biết đi nhậu đâu bây giờ? Tôi để thi sĩ “Gọi hạc” ngồi trước trên giàn ngang cái xe đạp mượn của anh Thạch, cứ thế đạp lang thang. Đường phố, quán xá tối thui. Đạp ngang số 2 Nguyễn Huệ gần ga, tôi sực nhớ, bèn dừng lại. “Vào đây!”. “Vào làm gì?”, thi sĩ nhìn vào cái biệt thự cũ từ thời Pháp đèn đóm bên trong đã tắt ngấm, lặng yên như tờ ngơ ngác hỏi. “Thì vào xin rượu anh Tạo!”. Mới nghe đến đấy, thi sĩ bật ra: “A, Nguyễn Trọng Tạo! Tối nay rủ tới nhậu mà lão ấy xin kiếu đây!”.

Giờ cũng lâu rồi, lại say, tôi không nhớ rõ đêm ấy hai anh em vào được bên trong ngôi nhà ấy bằng cách nào. Nhưng chắc không phải bằng cách trèo rào!

Trời nóng nực, Nguyễn Trọng Tạo ngủ dưới đất. Khách vào, anh bật ngọn đèn nhỏ bên cạnh (có lẽ để viết) rồi khẽ vén cái màn cũ lên. Anh thì thào: “Con tôi đang sốt, khẽ mồm thôi nhé!”. Rồi anh lôi đâu ra bình rượu ngâm, rót cho anh Ngọc và tôi mỗi tên mấy ly. Không mồi chài. Uống như ăn vụng! Biết thi sĩ tác giả của “Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ một đứa vợ la... chục đứa kinh” đang rơi vào cảnh huống “đặc biệt”, uống xong vài ly, tôi bấm anh Ngọc chuồn êm. Thi sĩ Nguyễn Lương Ngọc đồng ý ngay, bởi uống mà không được nói và oang oang đọc thơ với anh là một “cực hình”. Tiễn chúng tôi ra ngoài rồi khóa cổng, anh Tạo nắm tay anh Ngọc, tần ngần “Ông thông cảm…!”.

Tôi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không thật nhiều kỷ niệm giao du. Dù ông nổi tiếng là “hiệp sĩ” của những nhà thơ trẻ cách tân cả nước. Bởi cái duyên cứ “lệch” sao ấy. Ông vào Đà Nẵng, lại đúng lúc tôi công tác. Tôi ra Hà Nội, gọi, ông đã lang thang đâu đó rồi. Gần đây nhất, sau một hội thơ ở Hà Nội, ông kéo tôi về nhà sàn giữa sông Hồng của ông nhậu chơi. Thì tôi lại kẹt việc gấp. Nên kỷ niệm hầu như là những chuyện cũ xa xôi, nay nhắc lại người còn kẻ mất đâm cứ bùi ngùi.

Nhớ cái đêm ấy trên đỉnh núi Kim Phụng ở Hương Trà (Huế). Đúng vào đêm Mùng 2/9/1995 tròn 50 năm Tuyên ngôn độc lập. Bốn người, là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà nghiên cứu Lịch sử Mai Khắc Ứng và tôi ngồi uống rượu, trầm mặc nhìn xuống Kỳ đài nơi Kinh thành Huế. Một thời khắc thật đặc biệt.

Số là dạo ấy ông Mai Khắc Ứng cứ khăng khăng rằng trên đỉnh núi Kim Phụng có 2 thanh đàn đá cuối cùng trong bộ đàn đá mà ông đã sưu tập được. Nhà thơ Ngô Minh lập tức hưởng ứng việc mở chuyến lên núi “khảo cổ” ấy, lên danh sách thành viên, chuẩn bị chu đáo đồ đoàn, lương thực, lẫn một thợ săn kiêm dẫn đường cho chuyến đi. Tình cờ bắt gặp tôi đang lơ ngơ ở Huế, nhà thơ Ngô Minh bèn “bốc” đi luôn. Nhưng rồi tới giờ xuất phát, chính Ngô Minh lại phải nằm nhà vì bất ngờ bị ốm!

Trọn một ngày leo núi hàng chục cây số, xẩm tối mới đến nơi. Đêm ấy trên tảng đá phẳng rộng gần hai chục mét vuông trên đỉnh Kim Phụng, nhìn xuống Kỳ đài kinh thành Huế nơi đúng 50 năm trước ấn, kiếm vĩnh viễn rời khỏi vương triều nhà Nguyễn. Nhìn xuống dòng Hương Giang vắt ngang mờ ảo. Trên núi, rượu uống pha sương thu. Ông Tường suốt đêm rì rầm kể về những ngày tháng sống nơi ngọn núi này, nơi đứng chân của Thành ủy Huế. Về “o Chồn” giao liên xinh đẹp mà u huyền ngày ấy… Còn Nguyễn Trọng Tạo thì cứ ngồi như hóa đá. Không biết ông đang nhìn vào đâu…

Những chuyện lạ lùng về sau của chuyến đi ấy còn nhiều, để kể dịp khác. Nguyễn Trọng Tạo sau có bài thơ vui vui về chuyến thượng sơn Kim Phụng: “Lên núi mà chơi leo mười cây số/ Ngồi trên quá khứ ba chàng cựu binh/ Tường già huyên thuyên mối tình thời chiến/ Một cánh hoa rừng giờ còn xao xuyến/ Cây rừng phủ kín Ứng râu tìm gì/ Một mảnh đàn đá phủ hồn Trương Chi?/ Tôi nhớ chân đi mười năm không mỏi/ Mà sao đau nhừ mười cây leo núi/ Chợt mưa ập tới ướt sũng ba chàng/ Nhìn về thành Huế một trời nắng chang… (Ba chàng cựu binh lên núi).

Giờ nhìn quanh chỉ thấy bùi ngùi. Thi sĩ Nguyễn Lương Ngọc thì đã rời cõi từ 18 năm trước (2001) sau 5 năm nằm một chỗ nơi quê nhà Sơn Tây. Tới 2006 nhà văn Hòa Vang cũng hóa thành “Hạt bụi người bay ngược”. Rồi cùng trong năm ngoái 2018, lần lượt nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng và nhà thơ Ngô Minh rủ nhau ra đi. Còn tối nay (7/1/2019), thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng từ biệt cõi đời.

Nguyễn Trọng Tạo là thi sĩ của rất nhiều những câu thơ tài hoa. Ông đã sống đủ đầy đời sống của một thi sĩ đầy men say. Trong đó, chất “men” đặc biệt nhất ghi dấu Nguyễn Trọng Tạo, theo tôi, đó là sự cô đơn. Một cô đơn rất “Tạo”, như một người tình mất trí “cầm hoa đứng sững bên đường”.  

Như những câu thơ này, ông viết sau đêm ngồi trên núi Kim Phụng, bài “Mắc cạn”.

sao nhớ heo may nghìn độ trước

sao quên chăn gối lúc tàn canh

buồn sững sông xanh lẫn núi xanh

gió hỏi trời sâu hay biển sâu

sông hỏi đam mê hồn mắc cạn
thưa xanh ngả bạc một sợi đầu

                                 Đà Nẵng, 7/1/2019

Giới văn nghệ tiễn biệt Nguyễn Trọng Tạo

Sinh thời Nguyễn Trọng Tạo hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật nên sáng 9/1 trời mưa và rét nhưng rất đông bạn bè cùng giới văn nghệ đã đến chia buồn với gia đình và tiễn biệt ông ở nhà tang lễ quốc gia phố Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Ban lễ tang do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm trưởng ban cùng các phó ban: Nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các lãnh đạo khác của Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Ðăng Khoa…

Thường mỗi khi một nhà văn nằm xuống thì Chủ tịch hội-Hữu Thỉnh sẽ là người viết điếu văn, rất trau chuốt, trang trọng, tóm lược tài tình cuộc đời và văn nghiệp của họ. Nhưng lần này người viết điếu văn là Nguyễn Thụy Kha - nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ và người bạn thân thiết của Nguyễn Trọng Tạo.

Ðưa tiễn Nguyễn Trọng Tạo là đủ gương mặt giới văn học nghệ thuật, giới doanh nhân, quan chức và bạn bè cũng như người hâm mộ. Ðiếu văn của Hội Nhà văn nêu bật đóng góp của Nguyễn Trọng Tạo qua các thời kỳ, từ khi còn ở trại sáng tác quân đội cho đến lúc nhập trường viết văn Nguyễn Du. Từ Huế chuyển hẳn ra Hà Nội sinh sống từ năm 1997, khởi đầu với việc làm mới tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sau đó là báo Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam… Ðiểm lại các giải thưởng văn học cao quý và giải âm nhạc mà ông từng giành được.

Ðông nhất trong đám tang Nguyễn Trọng Tạo là bạn bè văn hữu, và lời đánh giá trúng khẩu đồng từ của họ về ông, đó là một con người đa tài hiếm thấy, lĩnh vực nào cũng gặt hái thành công: Thơ, nhạc, báo chí, hội họa... Và một con người công dân đầy trách nhiệm, thể hiện qua các áng thơ văn và cuộc đời làm báo. Trong khi đa số nhà văn cho rằng Nguyễn Trọng Tạo thành công nhất ở thơ, thì nhà thơTrần Ðăng Khoa- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lại có cái nhìn khác:  “Nguyễn Trọng Tạo nổi bật nhất là âm nhạc, cách một quãng xa mới đến thơ và những thứ khác. Anh Tạo không chỉ có Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê mà còn Ðôi mắt đò ngang, Lên Cao Bằng, Non nước Cao Bằng… Có một bài phổ thơ Khuất Quang Thụy cũng hay lắm nhưng không thấy được hát. Ðặc biệt, trong cuộc thi sáng tác quốc ca gần ba chục năm trước, chọn được 17 tác phẩm vào chung khảo thì một là của Nguyễn Trọng Tạo. Làm được như vậy có phải dễ đâu”.

Hỏi Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam về chi tiết này, ông cho biết đúng là có 17 ca khúc lọt chung khảo cuộc thi quốc ca nhưng có phải ca khúc Nguyễn Trọng Tạo nằm trong số đó thì ông phải xem lại, chưa nhớ ra ngay.

“Sẽ còn mãi một Nguyễn Trọng Tạo chiến sĩ, một Nguyễn Trọng Tạo nghệ sĩ, sống hết mình với đời với người”-lời tiễn biệt của Hội Nhà văn Việt Nam.      HỒNG HOA

'Chất men' đặc biệt ghi dấu Nguyễn Trọng Tạo ảnh 1 Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (bên phải) và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thời ở Huế                      ảnh: TL
MỚI - NÓNG