Chất lượng tăng trưởng

TP - Các vấn đề nóng bỏng của xã hội như phụ huynh đạp đổ cổng trường xin học cho con, sản phụ nằm dưới nền nhà do bệnh viện quá tải, khiếu kiện đất đai… đã được nhiều đại biểu thảo luận, mổ xẻ tại phiên họp tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 24-5.

> Xúc động nghe 'thảm họa xin học'

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ, từ một đứa trẻ sắp sinh người mẹ đã vất vả vì quá tải bệnh viện, lớn lên một chút bố mẹ phải tranh giành, đạp đổ cả cổng trường để xin một chỗ học tốt, lớn chút nữa thì khốn khổ vì giao thông ùn tắc, đến khi về già tìm một miếng đất để yên nghỉ cũng đắt đỏ.

Theo đại biểu này, người dân ngày càng khó khăn vì những vấn đề xã hội chậm được giải quyết, chất lượng y tế, giáo dục không được cải thiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền bày tỏ băn khoăn, trong các chỉ tiêu Chính phủ báo cáo đạt được trong năm 2011 đa phần là những chỉ tiêu về xã hội như việc làm, giảm nghèo, giáo dục, y tế.

Thế nhưng đây lại chính là những vấn đề người dân vẫn đang bức xúc. Những con số trong báo cáo nói lên thành quả đạt được nhưng lại không phản ánh chất lượng bởi các vấn đề xã hội rất nóng bỏng trong đời sống xã hội thời gian qua.

Lý giải cho những băn khoăn này, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, ở đây là câu chuyện chất lượng và thành tích.

Nếu chúng ta chỉ chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng, đặc biệt đối với vấn đề xã hội thì nguy hại. Như giáo dục đại học đang được đo bằng số sinh viên trên một vạn dân.

Từ đó, ồ ạt mở các các trường đại học, thiếu sự giám sát, kiểm định. Trong thực trạng này số lượng sinh viên nhiều có thể lại là nguy hại cho xã hội bởi chất lượng kém, mất cân đối ngành nghề.

Hay như vấn đề giảm nghèo, chuẩn nghèo không theo kịp tốc độ tăng giá dẫn đến tỷ lệ giảm nghèo không thực chất, bởi những hộ mới thoát nghèo thực chất vẫn đang nghèo do lạm phát.

GS Đào Trọng Thi nhận định, chất lượng tăng trưởng thời gian qua là rất đáng lo ngại. Sẽ là sự phát triển lệch hướng nếu tiếp tục chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng, nhất là đối với các vấn đề xã hội.

Sự bức xúc, chưa hài lòng của người dân đã thể hiện điều này. Nên, thước đo phải là chất chứ không phải lượng.

Theo Báo giấy