Ngày 11/11, tại TP.Đà Lạt, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ ngành liên quan và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết Quyết định số 1976/QĐ-TTg và công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020.
Trong báo cáo “Rà soát, đánh giá và đề xuất chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở Việt Nam” nêu rõ: Tổng diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giảm dần từ 4,3 triệu ha năm 2010 xuống còn 3,95 triệu ha năm 2019.
Đến nay dữ liệu về chất lượng rừng phòng hộ rất hạn chế, mới chỉ thể hiện qua công bố hiện trạng rừng sau khi hoàn thành tổng điều tra kiểm kê rừng năm 2016 của Tổng cục Lâm nghiệp. Số liệu này cho thấy, diện tích rừng phòng hộ (là rừng gỗ tự nhiên) giàu và trung bình trên 1 triệu ha, chiếm 29,8% diện tích rừng phòng hộ (là rừng tự nhiên).
Như vậy, có thể thấy chất lượng rừng tự nhiên chưa đạt yêu cầu phòng hộ và ngành lâm nghiệp cũng như toàn xã hội phải đầu tư nhiều hơn để rừng có thể duy trì và phát triển đạt yêu cầu phòng hộ.
Về công tác quản lý hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020, Tổng cục Lâm Nghiệp nhận định: Đối với rừng phòng hộ, phát hiện 964 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đã xử lý hình sự 26 vụ và xử lý phạt hành chính 146 vụ. Đối với rừng đặc dụng, có 1.085 vụ vi phạm, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tại hội nghị, ông Oemar Idoe, Trưởng nhóm các dự án môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp về hội nhập kinh tế khu vực, cho rằng: “Năm 2019, Việt Nam đã đạt 14,6 triệu héc ta đất có rừng với độ che phủ ước đạt gần 42%. Song trên toàn lãnh thổ quốc gia, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ 0,25%. Điều này phản ánh một thực tế rằng, quản lý rừng bền vững và bảo tồn tài sản đa dạng sinh học và các hệ sinh thái còn cần thêm những nỗ lực và sự quan tâm mạnh mẽ”.