Chấp nhận khó hơn phủ nhận

Chấp nhận khó hơn phủ nhận
TP - Thất bại của U23 QG trong trận chung kết dù khó nuốt nhưng cũng là chuyện đã rồi. Cần chấp nhận một hiện thực rằng chúng ta đã thua trận để đứng dậy và đi tiếp.

Giả sử nếu U23 VN thắng trận thì giờ đây họ - tức không chỉ riêng các cầu thủ mà là toàn bộ các thành viên ĐT - được tung hô như những anh hùng. Nhưng bại trận, họ cũng đâu phải là những tội đồ!

Chấp nhận khó hơn phủ nhận ảnh 1
Những khuôn mặt thất thần của một số thành viên VFF - Ảnh: Tường Vũ

Đã có ít nhiều dư luận "lên án" U23 QG hoặc là một số cá nhân trong đó. Dĩ nhiên rồi U23 VN sẽ phải đúc rút kinh nghiệm hoặc tự kiểm để tiến bộ chứ không phải để đổ lỗi hay buộc tội.

Rõ ràng là cách chơi của U23 QG trong trận chung kết không đáp ứng được kỳ vọng quá lớn lao của người hâm mộ. Cách chỉ đạo của HLV cũng vậy, nhưng không thể phủ nhận rằng họ đã cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo.

Nếu thất bại trong trận chung kết làm người hâm mộ buồn đau và thất vọng thì nên hiểu rằng cảm giác của những người trong cuộc còn nặng nề gấp bội (ngoại trừ những kẻ có mưu đồ đen tối như bán độ) để mà thông cảm và chia sẻ.

Về khía cạnh chuyên môn, nên hiểu thế mạnh và sở trường của HLV Calisto là "lấy yếu đánh mạnh" chứ không hẳn là "lấy mạnh đánh yếu".

Ở ĐTLA trước đây quân không hề mạnh, nhưng dưới sự dẫn dắt của ông Calisto thì ĐTLA luôn ở trong top có huy chương của V-League. Ngay cả chức vô địch AFF Cup năm ngoái cũng không nằm ngoài ý tưởng này.

Mà có lẽ thói quen của các cầu thủ VN cũng vậy. Các cầu thủ chúng ta thiện chiến về phá thế chơi của đối phương chứ chưa tạo được sở trường áp đặt lối chơi lên đối thủ.

Bởi vậy khi gặp các đối thủ mạnh hơn thì ta chơi hay, nhưng gặp các đối thủ "kèo dưới" thì ta lại lúng túng. Cứ nhìn lại các trận gặp Đông Timor, Campuchia ở SEA Games 25 này thì rõ.

Có thể nói ở AFF Cup, ta đã lách qua cửa hẹp và phá lối chơi của đối phương để lên ngôi. Vậy thì tại sao U23 Malaysia lại không thể lách qua cửa hẹp và phá lối chơi của ta để lên ngôi ở SEA Games này! Có lẽ hiểu như vậy chúng ta sẽ bớt buồn hơn. 

HLV Calisto đã nhấn mạnh yếu tố tâm lý trong trận thua chung kết. Phải chăng ở tư thế "kèo trên" và tâm lý phải thắng làm các cầu thủ trẻ của chúng ta khó đá và cả ông Calisto cũng khó chỉ đạo hơn?

Nếu vậy thì sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ cũng là một sức ép không hề nhỏ lên vai các cầu thủ trẻ. Rồi sự thổi phồng của các phương tiện truyền thông và thêm vào đó là… VFF.

Trước SEA Games 25, ngay cả lúc đang trong vòng đấu bảng, lãnh đạo VFF chỉ nói đến chỉ tiêu của U23 là lọt vào trận chung kết. Nhưng sau khi chứng kiến phong độ xuất thần của các cầu thủ U23 trong trận bán kết loại Singapore, VFF đã đưa ra chỉ tiêu HCV cho U23 Việt Nam. Có lẽ điều này góp thêm phần làm các cầu thủ cứng chân hơn?

Dù gì đi nữa thì U23 VN đã không thể nở hoa ở Vientiane, nhưng không có nghĩa là lụi tàn.

MỚI - NÓNG