Chấp nhận để đổi thay

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ đầu thế kỷ 20, Pháp đã triển khai mô hình “du học tại chỗ” ở Việt Nam bằng việc xây dựng hệ thống trường từ mầm non đến ĐH. Mục đích của nước mẹ đại Pháp đã rõ nhưng cũng nhờ có hệ thống này, trí thức Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của phương Tây từ sớm để phục vụ con đường cách mạng.

Đau

Tại hội nghị ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam quý 3 vừa qua do Ban công tác phía Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã đưa ra một số nội dung đáng chú ý. Ông đặt vấn đề: "Tôi nghĩ mà đau xót khi thấy con em đi du học rồi không về nữa. Mỗi năm, phụ huynh bỏ ra 1,4 tỷ USD cho khoảng 100.000 con em đi học ở nước ngoài nhưng lại không sử dụng được số trí thức này. Coi như chúng ta đóng hụi chết. Không kêu gọi được các cháu về”.

Thách thức của Việt Nam khi huy động nguồn lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển của đất nước hiện nay là mức lương và môi trường làm việc hạn chế. Trí thức khó chuyên tâm vào công việc chính và thường phải tìm thêm cơ hội công việc bên ngoài.

Ông Peter Hồng cho biết lượng kiều hối về Việt Nam những năm qua khoảng 18 tỷ USD/năm, trong đó TPHCM khoảng 6,1 tỷ USD. Nhưng theo ông, lượng kiều hối về Việt Nam chỉ là câu chuyện nhỏ, vấn đề thu hút, tận dụng trí tuệ của người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài mới quan trọng. Thống kê cho thấy, có khoảng 500.000 trí thức là con em người Việt ở nước ngoài được đào tạo bài bản. Nhiều trí thức muốn về Việt Nam làm việc nhưng gặp nhiều khó khăn. Ông Hồng chia sẻ từ chính câu chuyện của vợ mình. Ông nói: "Không nói đâu xa, bà xã tôi là bác sĩ trưởng khoa một bệnh viện lớn ở nước ngoài. Lương hiện nay là khoảng 187.000 USD/năm (khoảng 4,3 tỷ đồng/năm). Bà muốn về Việt Nam làm việc nhưng mức lương chỉ 14 triệu đồng/tháng, làm sao mà về”.

Ông Hồng dẫn chứng thêm về chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", nhiều người nói vui thành "Đường lên đỉnh Australia". Bởi các thí sinh hạng nhất sau khi du học thì chọn ở lại đất nước này làm việc.

Chấp nhận để đổi thay ảnh 1

Sinh viên chương trình liên kết quốc tế tại ĐH Quốc gia TPHCM

Trước ý kiến của ông Peter Hồng, nhiều người cho rằng, chuyện người Việt đi học ở nước ngoài rồi không về nước làm việc cũng giống câu chuyện sinh viên các tỉnh lẻ về Hà Nội, TPHCM học ĐH rồi không về địa phương công tác. Bàn về vấn đề như thế trong bối cảnh hiện nay là không hợp lý. So sánh này có sự khập khiễng và thực tế, các địa phương, nhất là các vùng khó đang thiếu nhân lực chất lượng cao trầm trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Du học tại chỗ: tại sao không?

Du học tại chỗ được biết đến là hình thức giáo dục quốc tế ngay tại Việt Nam, giúp học sinh và gia đình giảm thiểu chi phí đi lại, thuận tiện trong việc giáo dục con cái, trong khi học sinh, sinh viên vẫn được tiếp cận với những nền giáo dục hàng đầu thế giới để đón nhận những kiến thức và xu hướng cập nhật nhất. Điều quan trọng hơn, mô hình này người học, các trường ĐH cũng như kinh tế xã hội cùng được hưởng lợi kép.

Chấp nhận để đổi thay ảnh 2

Trường Quốc tế Tây Úc Ảnh: Wass

Mô hình trường ĐH quốc tế đầu tiên tại Việt Nam phải kể đến ĐH RMIT. Được thành lập từ năm 2000, tính đến nay đã hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam, ĐH RMIT là một cơ sở giáo dục chính thức từ ĐH RMIT Melbourne, đem đến một trải nghiệm học tập bậc nhất từ Úc tại Việt Nam.

Còn ở bậc phổ thông, trường quốc tế du nhập vào Việt Nam sớm hơn. Từ năm 1997, Trường Quốc tế Anh (British International School Ho Chi Minh City - BIS) đã thành lập trong căn biệt thự ở Quận 1 với tên Tiny Tots.

Hiện nay, mô hình trường quốc tế từ mầm non đến ĐH ở Việt Nam rất phong phú. Tuy nhiên, đối với trường ĐH, hiện mới chỉ có duy nhất trường ĐH RMIT là được thành lập theo mô hình trường mẹ ở nước sở tại và chi nhánh tại Việt Nam. Các trường khác là có vốn đầu tư nước ngoài và thành lập trên lãnh thổ Việt Nam. Phổ biến nhất là chương trình liên kết đào tạo giữa trường ĐH trong nước và các trường quốc tế.

Theo GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ở bậc Tiểu học, nhiều phụ huynh Việt Nam lựa chọn cho con học trường quốc tế không phải vì chất lượng đào tạo mà là muốn có dịch vụ giáo dục tốt, chương trình đào tạo không quá nặng và quan trọng nhất là con em có thêm được nhiều kỹ năng mà các trường học của Việt Nam không mang lại được. Trong khi ở bậc ĐH, phụ huynh đòi hỏi về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Đắt có xắt ra miếng?

Hiện nay, mức học phí tại các trường quốc tế, chương trình liên kết quốc tế cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung các trường trong nước. Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, nguyên nhân là do phải mất chi phí các trường ĐH nước ngoài sang Việt Nam đào tạo nên đương nhiên cao hơn trường trong nước. Điều này không liên quan đến chất lượng đào tạo. Còn việc “đắt có xắt ra miếng” hay không, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng tùy vào từng chương trình mà phụ huynh lựa chọn cho con em theo học.

Nhìn nhận việc học sinh Việt Nam lựa chọn du học tại các nước hiện nay, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thẳng thắn cho biết một phần không nhỏ có mục đích tìm kiếm thị trường lao động khác, không hẳn vì chất lượng hay muốn hưởng dịch vụ giáo dục tốt. Hay thậm chí có một bộ phận đi học tính đến chuyện định cư sau này. Nhiều trường của Việt Nam có nhiều chương trình đào tạo tốt, người học hoàn toàn có thể làm việc ở môi trường quốc tế nhưng phụ huynh vẫn muốn lựa chọn du học là vì vậy.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chia sẻ, các hình thức du học tại chỗ hiện nay mang lại những lợi ích thiết thực cho các cơ sở đào tạo trong nước. Tính quốc tế hóa trong trường ĐH rất quan trọng. Do chương trình của trường nước ngoài khác biệt với Việt Nam nên khi giảng viên, sinh viên được tham gia chương trình liên kết, có thêm nhiều trải nghiệm. Trên nền tảng hợp tác đó, quan hệ của các thầy, giáo sư phát triển thành các mối liên kết về nghiên cứu khoa học, học thuật, rất quan trọng đối với các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam.

Những bài học thu được khi học tập tại các chương trình, các trường quốc tế không chỉ là kiến thức, mà quan trọng hơn là những ví dụ thực tế mà mỗi học sinh, sinh viên đã chứng kiến trong những bối cảnh khác nhau, phong cách, văn hóa giảng dạy khác nhau. Nhìn rộng ra, thành công của các quốc gia khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đều cho thấy dấu ấn từ sự du nhập và áp dụng những bài học canh tân đất nước.

Với Nhật Bản, Singapore là vai trò chủ chốt của các nhà lãnh đạo, quản lý hành chính kỹ trị. Với Trung Quốc, Hàn Quốc là giấc mơ đưa đất nước thoát nghèo, trở nên hùng cường, sánh vai cùng các quốc gia lân bang và cạnh tranh trên trường quốc tế. Bài học thành công từ các quốc gia trong khu vực không giống nhau.

Tuy nhiên, điểm chung trong sự phát triển của các nước Á châu từ cuối thế kỷ 19 đến nay chính là tinh thần tiếp thu cái mới, cái khác biệt, và áp dụng linh hoạt vào bối cảnh cụ thể của đất nước. Ngược lại, tư tưởng và thái độ kỳ thị, thậm chí quay lưng với những cái mới, cái khác biệt tạo nên thành công ở nước khác thì sẽ dẫn đến sự trì trệ, chậm phát triển.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.