Chấp nhận 'đau thương' để... lấy lại niềm tin

Chấp nhận 'đau thương' để... lấy lại niềm tin
TP - Hướng đổi mới tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) theo hướng không thi tuyển sinh mà dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển hoặc thi thêm một vài môn cho phù hợp với mỗi ngành, mỗi trường đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Thực hư của câu chuyện này là như thế nào. Phóng viên Tiền Phong đã trao đổi cùng các nhà quản lý GD, các nhà giáo về vấn đề này.

> Không biến trông giữ học sinh tiểu học ngoài giờ thành dạy, học thêm
> Đừng đặt gánh nặng lên vai trẻ

Mất niềm tin?

Kết quả tốt nghiệp THPT hiện nay có đáng tin cậy hay không là câu hỏi chung của toàn xã hội, không chỉ riêng đánh giá của trường ĐH, bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương HN nói khi được hỏi ý kiến về vấn đề này.

Bà Thu Thủy cho biết vẫn muốn chọn kỳ thi ba chung vì tính nghiêm túc của nó và tính chất như một thước đo, đánh giá mặt bằng chung. Có thể sau năm 2020, khi hệ thống giáo dục đã chuẩn hóa từ tiểu học đến THPT thì kỳ một kỳ thi chung sẽ tin cậy hơn chăng, bà Thủy đặt vấn đề.

Theo ông Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội Tâm lý GD Hà Nội, hướng bỏ bớt một kỳ thi mới chỉ là một trong 2 phương án Bộ GD&ĐT mới đưa ra. Tuy nhiên cả 2 phương án đều giao quyền tự chủ cho các trường ĐH trên cơ sở lấy điểm thi tốt nghiệp phổ thông và điểm trung bình các môn học và có thể thi thêm hoặc chỉ xét tuyển, tùy theo mỗi trường.

Theo ông Tùng Lâm vấn đề khúc mắc ở chỗ, nếu thi tốt nghiệp THPT như hiện nay thì không ai tin! Vị hiệu trưởng có nhiều năm kinh nghiệm quản lý giáo dục phân tích: Người ta không tin là vì GD từ cấp dưới trở lên chạy theo thành tích. Trò cứ phải lên lớp, cứ phải tốt nghiệp, cứ phải đạt chỉ tiêu phổ cập...

Chấp nhận “đau thương” để... lấy lại niềm tin

Để lấy lại niềm tin của xã hội, theo ông Tùng Lâm, ngành GD&ĐT phải có trách nhiệm từ cả 2 phía, người học và người dạy, và nhất thiết không được thành tích chủ nghĩa thì mới mong có thông số thật. Ở từng lớp một, học sinh không đạt cứ cho học lại, học lưu ban vài ba năm phải được coi là chuyện bình thường thì mới có kết quả chuẩn xác, một kỳ thi chuẩn xác, chứ cứ chạy theo tỷ lệ phần trăm là... chết.

Việc đánh giá phải thường xuyên, nếu bỏ hết thi cũng không đúng- đã học, phải kiểm tra đánh giá thật sự khoa học nếu không lại rơi vào cảnh thí sinh học theo từng khối và bỏ bê tất cả các môn còn lại. Một trong yếu tố tiên quyết không thể thiếu trong quá trình lấy lại niềm tin, theo ông Lâm là bồi dưỡng lại tay nghề cho giáo viên.

Người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành GD Thủ đô cho rằng chất lượng tay nghề giáo viên hiện nay yếu, mặc dù số đông họ có ý thức, có lương tâm nghề nghiệp, chăm chỉ, chịu khó, tâm huyết...

Ông Tùng Lâm nhận định, chỉ có khoảng 10-20% giáo viên dạy được tốt. Cần trang bị cho họ kỹ năng giáo dục hiện đại một cách bài bản, tránh để hiện tượng: Bộ bồi dưỡng cho cán bộ trung ương, trung ương bồi dưỡng cho tỉnh, tỉnh tập huấn cho cốt cán... về đến trường là hết và dạy học vẫn là công nghệ đọc chép như hiện nay.

Ông Tùng Lâm đề nghị, dù chọn cái nào trong 2 phương án cũng được nhưng phải làm đến nơi đến chốn, tránh nửa vời và phải làm cho việc học của học sinh là nghiêm túc, trung thực.

Chúng ta để mất nề nếp quá lâu, cần làm ngay để lấy lại nề nếp trước rồi mới đến lấy lại niềm tin của xã hội. Được biết ngành GD&ĐT có ý chờ đến năm 2016, khi có chương trình mới, sẽ bắt đầu làm nhưng như thế là quá muộn! Làm ngay cũng phải mất 3-5 năm và các bậc cha mẹ cũng như cả xã hội phải biết chấp nhận những năm đầu thất bát thực sự.

Tỷ lệ phổ cập, tỷ lệ tốt nghiệp đến đâu, chấp nhận đến đó... mới mong lấy lại được niềm tin của xã hội, ông Tùng Lâm khẳng định.

Ở Pháp, tỷ lệ tốt nghiệp khoảng 80%, ở ta tỷ lệ này quá cao nên người ta nghi ngờ.

Tuy nhiên, năm vừa qua, 4 vạn học sinh trượt tốt nghiệp THPT đã trở thành một vấn đề xã hội. Nếu tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn, dù chỉ 10% trượt tốt nghiệp, thì con số này là vài chục vạn người.

(Ông Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.