Sáng nhất nhóm cổ phiếu “vua”
Trước ngày 9/12, thông tin ACB được chào sàn HOSE với mức giá 26.400 đồng/cp đã được lan tỏa rộng. Điều đáng chú ý là phiên giao dịch “từ biệt” HNX của ACB vào ngày 1/12 được đóng cửa với giá 27.300/cp, cao hơn 3% mức giá mở cửa ngày 9/12.
Trước thời điểm chuyển sàn, thanh khoản ACB tăng đột biến, có nhiều ngày khớp hơn 16 triệu đơn vị. Đầu tháng 10, cổ phiếu này cũng có phiên khớp lệnh kỷ lục với hơn 23,2 triệu cổ phiếu được trao tay.
Kỳ vọng về sự tăng trưởng trong tương lai của ACB khi chào sàn HOSE càng lớn khi giới chuyên môn nhìn nhận cổ phiếu này có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%)… Không bất ngờ khi ACB được mong đợi sẽ là cổ phiếu sáng nhất nhóm cổ phiếu “vua” (cụm từ được giới đầu tư chứng khoán đặt cho nhóm các cổ phiếu ngân hàng).
Và thực tế đã diễn ra thậm chí còn tốt hơn mong đợi. Phiên giao dịch ATO chứng kiến bên mua đã chồng sẵn lệnh với khối lượng hơn 1.7 triệu đơn vị, trong khi bên bán chỉ túc tắc “nhả hàng” gần 300 nghìn cổ phiếu. Đến 9:41 sáng, hơn 10 triệu cổ phiếu đã được trao tay nhanh gọn, ACB luôn giữ sắc xanh và ghi nhận mức giá khớp lệnh luôn cao trên 28.100 đồng/cp.
Điều này cũng dễ hiểu khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang kỳ vọng tạo một sự đột phá với hơn 41.000 tài khoản được mở mới trong tháng 11 tại các công ty chứng khoán. Dòng tiền lớn đang đổ vào chứng khoán và phân phối chủ yếu ở những mã cơ bản tốt, tiềm lực tăng giá mạnh nhờ những dự phóng doanh thu quý 4 tốt đẹp.
Kết thúc phiên sáng, hơn 21,1 triệu cổ phiếu ACB đã được hấp thụ trong một phiên giao dịch bùng nổ và cực kỳ sôi động, với tổng giá trị giao dịch hơn 601 tỷ đồng. Đóng phiên sáng, ACB vững vàng ở mức giá 28.500 đồng/cp, tăng 8% so với giá mở cửa. Sự “dậy sóng” của ACB cũng góp phần đẩy VN-Index lên 1034.98 điểm (tăng 0.56%) so với lúc mở cửa.
Tiềm năng tăng trưởng rõ nét
Giới đầu tư săn đón cổ phiếu ACB là điều có thể dự đoán trước khi trước ngày cổ phiếu ngân hàng này chào sàn HOSE, nhiều thông tin tích cực đã lan tỏa khắp các mặt báo.
Theo thông tin mới nhất được công bố vào hôm qua, tính đến ngày 30.11.2020, ACB có tổng tài sản gần 428 ngàn tỷ, tăng 11.7%; lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 8,723 tỷ, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm. Huy động đạt 343 ngàn tỷ, có mức tăng trưởng là 11.5%. Tín dụng đạt 305 ngàn tỷ, mức tăng trưởng đạt 13.7%. Nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.
Kết quả mới nhất này đã chứng minh việc linh hoạt thay đổi chiến lược kinh doanh trong mùa dịch là điểm nhấn để ACB vẫn tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn, và từ đó củng cố thêm niềm tin khi khó khăn qua đi thì tiềm năng tăng trưởng càng rõ nét. Đơn cử như trong mảng công nghệ tài chính, ACB từ lâu đã lên kế hoạch phát triển hệ sinh thái cùng với tập trung vào hoạt động kinh doanh cối lõi, phát triển hướng triển khai ngân hàng số thành dịch vụ tài chính và phi tài chính.
Ngoài ra, cơ hội phân phối bảo hiểm cho Sun Life từ thương vụ 370 triệu USD cũng giúp giới chuyên môn nhận định giá ACB sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. Tùy theo chiến lược hạch toán ngay toàn bộ khoản phí trả trước hoặc chia ra hạch toán từng năm, và khoản phí upfront này giúp lợi nhuận trước thuế của ACB sẽ có thêm đâu đó vài ngàn tỉ đồng mỗi năm trong vòng 3-5 năm tới. Thương vụ góp phần nâng EPS của ACB lên và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về những khoản cổ tức 25-30% trong những năm tới.
Tại buổi sáng nhân ngày ACB giao dịch phiên đầu tiên trên sàn HOSE, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã phát biểu: “Dù niêm yết ở SGDCK Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì với tư cách một tổ chức niêm yết, ACB có trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc quản trị công ty, công bố thông tin, và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Trong khoảng thời gian niêm yết trên SGDCK Hà Nội, có thể khẳng định ACB đã thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của mình. Ngoài nghĩa vụ tuân thủ, ban Ban lãnh đạo ACB còn hướng đến áp dụng các thông lệ quốc tế về quản trị công ty, phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam và tình hình hoạt động của ngân hàng.