Không học thêm
Trần Xuân Bách hiện là học sinh lớp 12 chuyên Tin học, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) chủ nhân của Huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế 2022, Huy chương Vàng Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương 2022.
Mới đây, tại lễ vinh danh học sinh xuất sắc đoạt giải cao trong các cuộc thi Olympic quốc tế, Khoa học kỹ thuật quốc tế, Trần Xuân Bách được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Huân chương lao động Hạng Nhì.
Dáng người nhỏ nhắn, Bách có lối nói chuyện dí dỏm, thông minh, thu hút người đối diện. Bách chia sẻ: Được đứng trên bục tuyên dương, em vô cùng hạnh phúc và tự hào. Có được kết quả đó, người đầu tiên em biết ơn chính là bố mẹ đã chăm sóc, lo lắng không quản ngày đêm. Em biết ơn thầy cô giáo, những người đã trao truyền kiến thức, quan tâm sức khỏe và đôi lúc vực cả tinh thần mỏi mệt của học sinh.
“Đam mê Tin học, em có ước mơ sáng tạo được nhiều phần mềm, app có ý nghĩa cho cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, học sinh. Hiện nay, em đang tham gia thực hiện dự án hỗ trợ thầy cô giáo dạy học trên lớp thuận lợi hơn”, Bách chia sẻ.
Trần Xuân Bách vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì |
Đang là học sinh lớp 12, Bách đã hoàn thành hai kỳ thi chuẩn hóa, hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị dự tuyển vào các trường ĐH ở Mỹ. Trong đó, điểm IELTS Bách đạt 8.0, điểm SAT đạt gần tuyệt đối (1590/1600). Đây có thể nói là số điểm thuộc top 1% thí sinh có kết quả thi cao nhất thế giới. “Để đạt số điểm đó, em đã đăng ký dự thi 2 lần. Lần đầu tiên thi đạt được 1540 điểm nhưng đang còn thời gian để nộp hồ sơ em quyết định thử sức một lần nữa”, Bách nói.
Điều đặc biệt, “chàng trai Vàng” không đi học thêm, luyện thi ở các trung tâm, mà chủ yếu lên mạng tự học. Bách cho biết, mỗi bài thi SAT gồm 3 phần: đọc hiểu, ngôn ngữ và toán. Trong đó, em thấy khó nhất là phần đọc hiểu vì các bài văn rất dài. Trong khoảng thời gian ngắn, đòi hỏi thí sinh phải đọc đến 5 bài văn và hiểu chính xác nội dung để trả lời câu hỏi.
Bí quyết của Bách là chăm chỉ luyện đề. Em lên mạng luyện khoảng chừng 100 đề thi SAT các năm, từ đó phát hiện ra mình thường sai ở dạng nào để khắc phục. Có khoảng 4-5 dạng bài thường hay sai, em làm đi làm lại nhiều lần và cuối cùng đã tìm ra quy luật để khắc phục lỗi. Trong bất kỳ bài thi nào cũng cần chú ý đến thời gian để phân bổ cho các câu hợp lí. Ví dụ, có đề thí sinh cần nhẩm tính chỉ được làm tối đa từ 1-1,5 phút/câu. Làm xong câu nào, nếu còn lăn tăn, thí sinh cần khoanh lại, chuyển sang các câu khác. Cuối cùng mới quay trở lại câu khó và dành 5-7 phút để soát lại tất cả các câu một lần nữa.
Ngoài ra, để đạt kết quả cao trong các kỳ thi như IELTS, SAT, học sinh cần có nền tảng tiếng Anh tốt, rèn kỹ năng đọc hiểu vừa nhanh vừa biết gạch chân các từ khóa quan trọng. Phương pháp của Bách là đọc nhiều bài báo khoa học, tác phẩm văn học để vừa rèn tốc độ đọc vừa có vốn từ vựng phong phú.
Yêu toán, mê Tin
Từ nhỏ Trần Xuân Bách học giỏi toán, dự nhiều cuộc thi dành cho học sinh tiểu học, THCS và đoạt giải cao. Tuy nhiên, khi lên lớp 7, tình cờ tham dự trại hè lập trình ở Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, em bị thu hút và dần dần đam mê môn Tin học. Từng giành giải Nhất Tin học cấp TP Hà Nội, nam sinh trúng tuyển vào trường Chuyên Khoa học Tự nhiên mơ ước.
Khi lên THPT, lịch học kín mít, để chủ động, em đề nghị với bố mẹ được đi xe buýt đến trường. Trong thời gian tự học, thi thoảng em cũng có sa vào lướt mạng xã hội, chơi game… Tuy nhiên, sau đó em nhận ra những thú vui đó tiêu rất nhiều thời gian cũng như không thể tập trung vào hoàn thiện bài tập, dự án. Em đã cài phần mềm để khóa một số trang mạng “hấp dẫn” và chỉ mở ra như phần thưởng khi đã hoàn thành bài học trong ngày, trong tuần.
“Tin học là bộ môn học sinh được thỏa sức sáng tạo, khám phá để tạo nên những chương trình khác nhau. Đó cũng chính là điều hấp dẫn, khiến em mày mò không biết chán”, Bách nói.
Theo Bách, điều quan trọng nhất là phải có kiến thức nền ổn. Bách có năng khiếu về tính toán, ngay cả những bài toán cần thực hiện bằng máy tính em cũng có thể tính nhẩm cho ra kết quả đúng trong thời gian ngắn.