Chàng trai trẻ và dự án về con người Hà Nội

Hình ảnh một cụ già thư thả đi dạo phố cùng chú chó yêu được Trần Quang Tuấn ghi lại.
Hình ảnh một cụ già thư thả đi dạo phố cùng chú chó yêu được Trần Quang Tuấn ghi lại.
Sinh năm 1990, chàng trai trẻ Trần Quang Tuấn đã có số vốn kha khá những kinh nghiệm nghề nghiệp, đủ để tích lũy vốn sống cũng như thỏa nỗi đam mê của chàng trai khi muốn thử sức mình của tuổi trẻ.

Đó là lý do Trần Quang Tuấn đam mê và chăm chỉ với dự án về con người của Hà Nội, nhưng ý tưởng ban đầu có lẽ bắt đầu từ dự án Humans of New York mà Tuấn được một người bạn học giới thiệu. Và cái tên, có lẽ cũng bắt đầu một cách dễ nhớ, dễ gần nhất: Humans of Hà Nội. 

Có lẽ đối với nhiều người bình thường nhất thì Hà Nội với họ đã rất gắn bó. Đơn giản vì Hà Nội đẹp, gần gũi và là nơi sinh sống, là quê hương thứ hai của họ. Còn đối với Tuấn thì Hà Nội còn gần gũi hơn, vì đó là nơi Tuấn sinh ra và lớn lên; và vì thế Tuấn có ký ức về Hà Nội hơn những người chỉ sinh sống ở đây khi bắt đầu học hành và bắt đầu sự nghiệp.

Với chiếc máy ảnh nhỏ trong tay, Tuấn và nhóm những người bạn của Humans of Hà Nội đã đưa lên trang cá nhân của mình nhiều hình ảnh về Hà Nội ở những góc khuất nhất, sâu thẳm nhất và có những cái nhìn khác biệt.

Đó là những câu chuyện, những con người, chỉ là người bình thường, nhưng Tuấn đã gặp và đã có những tâm sự, những câu chuyện rất hay, dí dỏm: “Cháu chào ông! Cháu có thể nói chuyện với ông một chút được không ạ?”. “Anh nói chuyện với tôi có mục đích gì?”. “Dạ không. Cháu chỉ nói chuyện cho vui thôi ạ”. “Tôi có mỗi chuyện hành quân ngày xưa để kể cho anh thôi. Ngày xưa hành quân từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều, tổng cộng 12 tiếng đồng hồ mà cởi truồng lội sông đến chục lần. Cả đội 500 thằng cả 500 thằng cởi truồng, cho quần áo vào bọc lội sông lội suối. Không ngại gì kể cả có mấy bà con gái ở đó cười. Hành quân thế mà mỗi thằng có 5 lạng cơm to bằng nắm tay thôi”.

Hay: “Bọn em yêu nhau 4 năm rồi, đang định yêu thêm năm nữa rồi kết thúc”. Kết thúc như thế nào vậy?”. Dĩ nhiên là bọn em kết thúc bằng một đám cưới rồi”.

Và một câu chuyện vui với một người nước ngoài: “Anh có thể chia sẻ với em một khoảnh khắc hạnh phúc nhất của anh được không?”. “Tôi không có một khoảnh khắc hạnh phúc nhất bởi vì tôi có những hai. Đó là khi hai cô con gái bé bỏng của tôi ra đời”.

Đó là những câu chuyện vui vui, hài hước mà nhóm của Tuấn muốn mang đến chia sẻ cho người đọc một sự tươi mới và những góc khuất của những con người. Tuấn bảo, những câu chuyện vui vui thường được anh post lên buổi sáng, cho không khí thêm vui vẻ, lấy cảm hứng làm việc cho một ngày; còn những triết lý, câu chuyện phải suy ngẫm, buổi chiều hoặc tối anh mới post lên.

Có những câu chuyện mà Tuấn muốn đưa lên, ngoài việc phản ánh, sau đấy là gửi gắm thông điệp nhân văn. Câu chuyện về ông lão bơm xe ở khu vực Văn Miếu. Hoàn cảnh của ông khá trớ trêu – Tuấn kể. Tình cờ Tuấn gặp ông trên đường, khi đang nhai một chiếc bánh mì không. Với bản tính của người hay đi và nhìn nhận sự việc, Tuấn bèn hỏi chuyện và biết hoàn cảnh của ông rất bi đát. Gia đình ông chỉ có 2 ông bà, nghèo khó, nhưng vợ ông không may lại mắc bệnh hiểm nghèo, và chút tiền chắt chiu của hai ông bà già đã được ông dồn hết để lo việc hậu sự cho bà...

Hay có một lần tìm kiếm nhân vật ở khu gầm cầu Long Biên, nhóm đã phát hiện hai ông bà hơn 70 tuổi, sống trên một chiếc bè trôi nổi, chẳng biết khi nào thì bị sóng xô đi. Nhóm đã giúp ông bà gia cố thuyền bè. Sau đó, một người hảo tâm biết chuyện ông bà qua trang Humans of Hà Nội đã thuê ông bà về coi vườn hoa ven sông, giúp hai người có việc làm và nơi ăn chốn ở. Thỉnh thoảng nhóm vẫn ghé thăm ông bà.

Để có những nhân vật, những bức ảnh và những đoạn hội thoại như thế, cả nhóm, cả Tuấn có khi phải mất rất nhiều thời gian. Đó là lúc làm quen, hỏi chuyện, gần gũi thì tâm sự và sau đó, nếu không giải thích được rõ ràng, mục đích thì có lẽ rất khó để chụp ảnh một con người bất kỳ. Sau đó là về xử lý các công đoạn. Có khi đoạn hội thoại chỉ 2, 3 câu thôi, nhưng phải nói chuyện mất cả nửa tiếng hoặc một tiếng đồng hồ... Có rất nhiều cụ già tập thể dục, và sau những khó khăn tiếp xúc ban đầu thì các cụ lại là người chia sẻ nhiều nhất. Vì họ ít có người nói chuyện. Vì tuổi già thường cô đơn, được chia sẻ, được nói chuyện là hạnh phúc.

“Ông ngồi một mình làm gì thế ạ”? “À , ông đang ngồi bắt wifi chùa ở quán cà phê này đấy. Ở nhà cũng có đầy đủ laptop, ipad, wifi nhưng mà buồn lắm, có một mình. Chiều đạp xe rồi ra đây dùng chùa, vừa đọc báo, vừa xem người người qua đường nhộn nhịp vui hơn nhiều (cười)”.

Người Hà Nội đối với Tuấn ở đây không phải chỉ là người Hà Nội gốc, mà là tất cả những con người đã đến, sinh sống và tạo nên những câu chuyện, nhịp sống của Hà Nội. Đó là vẻ đẹp của người phụ nữ Hà Nội làm nghề may, chủ hiệu may Đức Lợi ở phố Hàng Gia, mà theo bà, đó là nghề làm đẹp cho đời: “Cái nghề của tôi sướng lắm.

Làm may là làm đẹp cho đời. Không sát sinh gì cả nên tôi rất vui”. Hay cả những câu chuyện tình yêu của một người phụ nữ Việt và một người đàn ông Đức: “Với tôi, việc yêu bà ấy, dù bà không nói được tiếng Đức và tôi cũng không nói được tiếng Việt là một điều lãng mạn nhất rồi. Hôm nay là ngày cưới của chúng tôi. Chúng tôi chụp ảnh để kỷ niệm”.

Hai nhân vật trong bức ảnh bất đồng ngôn ngữ nhưng “họ hiểu được tiếng lòng của nhau”. Đó là điều rất đáng trọng trong cuộc sống lứa đôi.

Có lẽ qua Humans of Hà Nội, người ta sẽ thấy một Hà Nội gần gũi, đời thường, với những câu chuyện bình dị, những con người bình dị, dễ gần và rất thu hút. Nhóm Humans of Hà Nội quan niệm, “mỗi con người đều có một câu chuyện”, hy vọng với sự tài tình, nhiệt huyết, nhóm sẽ ngày càng đưa cho bạn đọc nhiều câu chuyện hay, dí dỏm hơn thú vị hơn. Và việc hiểu được con người, cuộc sống của người Hà Nội, sự bình dị, đáng yêu sẽ ngày càng thu hút nhiều du khách đến với Hà Nội.

Theo Khánh Linh
Theo Công an nhân dân
MỚI - NÓNG