Chàng trai trẻ mê nông nghiệp công nghệ cao

Chàng trai trẻ mê nông nghiệp công nghệ cao
TP - Nguyễn Hoàng Luân sinh năm 1984, tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ năm 2007, chuyên ngành công nghệ sinh học, mê nông nghiệp công nghệ cao nên thành lập Cty ACI có các doanh nghiệp thành viên sản xuất phân vi sinh, nấm cao cấp.

> Nữ chủ trang trại tuổi 28
> Du học 5 năm, về… làm ruộng

CÔNG NGHỆ ĐỘC QUYỀN

Năm 2011, anh Luân đã trải qua 3 năm làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài và một năm mở doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Có kinh nghiệm thương trường, tích luỹ được ít vốn liếng, Luân càng đau đáu nỗi khát khao từ nhỏ của cậu bé con nông dân xã Đại Hải (Kế Sách, Sóc Trăng): Sản xuất nông nghiệp thoát khỏi lạc hậu.

Để đạt điều đó, anh Luân thấy chỉ có con đường ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao. Rất tình cờ trong thời điểm này, một bạn học của anh Luân, thạc sỹ Võ Văn Phước Quệ, làm việc trong Viện Công nghệ Sinh học (ĐH Cần Thơ) nghiên cứu được công nghệ sản xuất một loại phân vi sinh đặc biệt.

Quệ bàn với Luân mở cơ sở sản xuất. Hai chàng trai chung niềm đam mê chụm đầu tính toán. Sau đó, Quệ rời Trường ĐH Cần Thơ, ra làm Giám đốc Cty TNHH Siêu Phân Bón (một doanh nghiệp thành viên của Cty ACI do Luân làm Chủ tịch HĐQT), để sản xuất phân vi sinh 3 siêu, nhà máy đặt tại tỉnh Hậu Giang. Phân vi sinh 3 siêu ở dạng nước, bón cho lúa bằng cách phun vào hạt lúa giống đã nảy mầm, vài giờ trước khi gieo sạ.

Anh Luân giải thích: 3 siêu là giải pháp sinh học tập hợp 3 chủng vi khuẩn bản địa có ích để hỗ trợ cây lúa phát triển. Một loại vi khuẩn tổng hợp đạm thiên nhiên cung cấp cho cây lúa, một loại vi khuẩn phân giải lân tự nhiên thành thứ dễ hoà tan cho cây lúa hấp thụ và một loại vi khuẩn tổng hợp kích thích tố tăng trưởng. Hạt giống khi đã phun 3 siêu, giảm phân bón mà cây lúa vẫn lên xanh tốt. Vì thế, 3 siêu giảm được chi phí sản xuất lúa, an toàn cho con người và môi trường.

Nhiều nông dân ĐBSCL đã dùng phân vi sinh 3 siêu, đều tín nhiệm. Đầu năm 2013, Bộ NN&PTNT công nhận phân vi sinh 3 siêu là một loại phân bón mới và giữa năm 2013, cho phép lưu hành toàn quốc. Hiện nay, phân vi sinh 3 siêu mỗi tháng đưa ra thị trường 3.000- 5.000 lít.

Anh Luân còn trực tiếp làm giám đốc doanh nghiệp sản xuất nấm bào ngư và nấm linh chi, trên diện tích gần 2 ha ở TP Cần Thơ. Đây là cơ sở sản xuất nấm bào ngư công nghiệp lớn nhất ĐBSCL hiện nay, mỗi lần cấy hơn 5.000 phôi; còn nấm linh chi sản xuất trăm ký một lứa. Trước đây, nấm trồng trong mùn cưa cây cao su mua từ miền Đông Nam Bộ, nay anh Luân nghiên cứu trồng từ bã mía và rơm có sẵn ở ĐBSCL.

THẤT BẠI VÀ NIỀM TIN

Dẫu còn trẻ nhưng đi đến thành công hôm nay, anh Luân cũng đã phải trải qua thất bại chua xót. Đầu năm 2011, anh Luân triển khai dự án sản xuất 100 ha lúa GAP (Thực hành nông nghiệp tốt) ở xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp, Hậu Giang).

Dự án được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận đầu tư với phương thức “nhà đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Cty ACI cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở ĐBSCL chủ động mua đất để sản xuất lúa GAP, chứ không “vận động nông dân hợp tác” thường đầu voi đuôi chuột. Khi đó, anh Luân hào hứng: Thành công với 100 ha sẽ mở rộng hơn nữa.

Nhưng mua ruộng với nông dân thì phải dựa vào cán bộ và người dân địa phương. Luân kể: Thời điểm đó, ông Đoàn Quốc Hưng nguyên là cán bộ địa chính huyện, đứng ra làm trung gian giúp anh mua đất. Nhưng đến giữa năm 2012, ông Hưng đã chiếm đoạt của anh Luân 691 triệu đồng cùng đem theo mấy cuốn sổ đỏ của nông dân rồi bỏ trốn. Lúc đó, hơn chục hộ nông dân có đơn kêu cứu, có tờ báo viết “Luân lừa đảo nông dân” khiến anh Luân khốn đốn. Rất may cuối cùng “án oan” đã được cởi bỏ.

Mới đây, ngày 1/10/2013, TAND tỉnh Hậu Giang xử sơ thẩm phạt ông Đoàn Quốc Hưng 13 năm tù, buộc trả tiền cho anh Luân.

Hiện, khó khăn còn bộn bề ở phía trước với doanh nhân trẻ Nguyễn Hoàng Luân và các cộng sự nhưng anh không nản. Trong anh, vẫn một niềm tin tưởng, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đang được tín nhiệm và nông nghiệp công nghệ cao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.