> Chàng trai 8X nuôi dế Thái
> Tay không bắt… thành công
Cử nhân môi trường trồng lan
Tốt nghiệp Trường Đại học khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) ngành Khoa học công nghệ môi trường với tấm bằng khá, anh Dũng quyết tâm vào Nam lập nghiệp. Nhưng tai họa ập đến khi 2 năm sau anh bị ốm nặng. Chạy chữa khắp nơi, cuối cùng anh được phát hiện đã bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam từ bố. Thương tật để lại trên lưng khiến xương cột sống bị biến dạng từng ngày, anh không thể đứng thẳng lên được.
Trải qua thời kỳ khủng hoảng do bệnh tật, anh đã quyết tâm trở về quê để bắt đầu một cuộc sống mới. Để có vốn làm ăn, anh Dũng đã đi vay ngân hàng và huy động sự giúp đỡ từ anh em bạn bè được 70 triệu đồng, anh thuê 7 sào đất để đầu tư nuôi thỏ và cá.
Song, do vật nuôi bị dịch bệnh, cùng với sức khỏe yếu đã khiến anh mất trắng tất cả. Không nản chí, anh trăn trở suy nghĩ tìm hiểu và được bạn bè gợi ý, anh chuyển sang trồng hoa lan. Nghề này tuy tỉ mỉ nhưng không tốn nhiều sức lực, phù hợp với anh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2003, anh Dũng bắt đầu học hỏi trồng lan từ những người có kinh nghiệm trong huyện. Khi đó, khởi nghiệp trồng lan của anh chỉ vẻn vẹn có vài chục giỏ phong lan lớn, nhỏ. Đến năm 2007, anh lên Hà Nội, đi Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều nơi khác để học hỏi kinh nghiệm cũng như trau dồi thêm kiến thức về lan. Sau đó, anh bắt đầu mở rộng diện tích và chuyển sang trồng thêm nhiều giống lan khác.
Anh Dũng tâm sự: “Do không có kinh nghiệm nên khi bắt đầu trồng lan tôi gặp phải rất nhiều khó khăn, lan chết rất nhiều. Giống lan khá đắt trong khi tôi lại không có nhiều tiền đầu tư.
Ngoài ra, vì là người mới vào nghề không có nhiều mối quan hệ nên thị trường tiêu thụ lan bị hạn chế trong khi lan là loại cây rất kén người chơi và không phải ai cũng chơi được. Tuy nhiên, cái “khó” không thể bó được cái “khôn”, tôi quyết tâm, phải phát triển vườn lan bằng được”.
Mỗi năm thu nhập 200- 300 triệu đồng
Để có được những chậu lan đầu tiên, ngoài việc tìm đến những vùng trồng lan lâu năm trong huyện như xã Hải Sơn, thị trấn Cồn, anh còn lặn lội đi Yên Tử (Quảng Ninh) để học hỏi kinh nghiệm của những người trong nghề về cách trồng lan, cách tạo đất, chăm bón…
Theo anh Dũng, cái khó của việc trồng lan là phải hiểu được đặc tính của nó, kiểm soát được sự phát triển của hoa. Vấn đề chăm sóc, kiểm soát việc tưới nước, tạo độ ẩm cho đất và nhất là phải quan tâm phát hiện sớm sâu bệnh để phòng trừ.
Sau 10 năm với lòng quyết tâm và những cố gắng không biết mệt mỏi, hiện diện tích trồng địa lan nhà anh đã mở rộng lên hơn 300m2 với hàng trăm chậu. Hằng năm, thu nhập từ địa lan của gia đình anh lên tới vài trăm triệu đồng.
Anh Dũng chia sẻ: “Có được thành quả như hôm nay không phải là chuyện dễ dàng bởi lẽ nếu không biết tính toán thì sẽ rất dễ thất bại. Người sống bằng nghề trồng lan phải biết kết hợp giữa thời điểm bán ra và mua vào sẽ giúp cho vườn lan ngày càng giàu lên, phong phú về chủng loại, đa dạng về các dòng”.
Anh cho biết thêm, việc chọn giống là khâu hết sức quan trọng. Anh thường mua giống truyền thống ở trong tỉnh, vì ít nhiều điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu có sự tương đồng, thuận tiện cho việc trồng, chăm sóc.
Ngoài ra, anh tìm mua ở các tỉnh lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... để tạo nên sự đa dạng, phong phú trong vườn. Giá của từng loại khác nhau như lan truyền thống: Hoàng Vũ, Thanh Ngọc khoảng 1 triệu đồng/thân; Hoàng Cẩm Tú khoảng 300.000 đồng; lan Đại Thanh, Thiên Ngọc có giá 20-25 triệu đồng/thân...
Hiện tại, trong vườn nhà anh Dũng có khoảng 40% là lan Mạc Xuân, 40% là loại lan truyền thống và 20% là lan đột biến và nhập ngoại. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm anh thu được từ vườn lan 200-300 triệu đồng, tập trung vào dịp Tết Nguyên đán.
Hiện tại, anh Dũng đang là thành viên có tiếng trong Hội Hoa lan của huyện Hải Hậu, đồng thời anh còn là một trong 9 người thành lập nên Hội Địa lan Thăng Long (Hà Nội) với số lượng thành viên đông đảo, quy tụ nhiều người chơi lan của các tỉnh, thành phía Bắc.