Chàng trai hồi sinh cây bút lửa

TP - Ngay từ cái nhìn đầu tiên, họa sĩ trẻ Nguyễn Khánh Hoàng đã phải lòng tranh bút lửa, dòng tranh mang đậm dấu ấn văn hóa của Đà Lạt. Anh đã dấn thân, góp công sức hồi sinh dòng tranh độc đáo từng một thời vang bóng.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, họa sĩ trẻ Nguyễn Khánh Hoàng đã phải lòng tranh bút lửa, dòng tranh mang đậm dấu ấn văn hóa của Đà Lạt. Anh đã dấn thân, góp công sức hồi sinh dòng tranh độc đáo từng một thời vang bóng.

“Đốt” gỗ thành tranh

Mỗi lần đến Chợ đêm Đà Lạt, chúng tôi lại bị hút vào không gian sáng tác và trưng bày tranh bút lửa của họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng, chàng trai có mái tóc xoăn dài chấm vai khá lãng tử, đầu quấn chiếc khăn rằn dân dã nhưng cũng rất duyên của cư dân Nam bộ. Đến khi trò chuyện mới vỡ lẽ anh là thanh niên xứ Huế, rời xa quê hương đến TP Đà Lạt tìm kế sinh nhai 7-8 năm nay.

Hoàng kể, thời gian đầu phụ bán hàng cho người thân tại sạp quần áo ở Chợ đêm Đà Lạt. Thấy một bạn sinh viên hàng ngày viết chữ trên những cái móc khóa bằng gỗ rồi bán với giá 10 ngàn đồng/cái, Hoàng liền sáng kiến viết thư pháp trên móc khóa để bán. Vài tháng sau, anh chuyển sang viết thư pháp trên một mặt gỗ của móc khóa, còn mặt kia vẽ hoa, thú hoang…, nâng giá bán lên 15 ngàn đồng/cái. Gom góp được số vốn nho nhỏ, lại có năng khiếu về hội họa và từng được học chuyên ngành này nên Hoàng mua gỗ, cọ và bột màu rồi vẽ thêm tranh màu nước để bán.

Năm đầu Hoàng gần như độc quyền nên tranh bán chạy lắm. Tuy nhiên sau đó các họa sĩ từ TPHCM lên và nhiều họa sĩ người địa phương cũng ra Chợ đêm Đà Lạt làm ăn. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến tranh bị ế. Đang loay hoay tìm cách chuyển hướng làm ăn, Hoàng tình cờ nhìn thấy bức chạm bút lửa tại phòng tranh của người bạn trên đường Trương Công Định, TP Đà Lạt.

Chàng trai hồi sinh cây bút lửa ảnh 1 Hoàng “làm xiếc” với cây bút lửa

“Nhìn thấy là mê ngay bởi đây là một dòng tranh độc đáo, có vẻ đẹp rất riêng so với các loại tranh khác. Tranh chỉ có màu tự nhiên của ván gỗ và màu nâu khi gỗ bị đốt cháy nhưng trông rất sống động, có hồn. Họa sĩ không dùng mực, màu, bút chì, cọ vẽ thông thường để vẽ mà dùng bút điện hay còn gọi là bút lửa. Vì loại bút này không được bán trên thị trường nên người vẽ phải tự chế tác: dùng sợi dây dẫn điện nối cây bút có ngòi bằng đồng với nguồn điện từ chiếc ổn áp biến điện từ 220V sang 12V. Phải mất mấy tháng em mới lắp ráp được cây bút ưng ý như thế này”, Hoàng nói. 

Anh đặt trên mặt bàn một tấm ván trắng sáng (cắt xẻ từ cây lồng mức hay còn gọi là nha đồng, đã xử lý cho bề mặt gỗ bóng mịn), bật công tắc nguồn điện để đốt nóng ngòi bút kim loại. Sau đó rê cây bút với chiếc ngòi đỏ rực trên bề mặt tấm ván. Ngòi đồng chạm đến đâu, bề mặt tấm ván bị cháy sém đến đó.

Vừa “vẽ”, họa sĩ vừa giải thích: Sức nóng của nhiệt tỏa ra từ đầu bút bằng đồng sẽ đốt cháy phần gỗ tiếp xúc và tạo ra màu nâu trên ván gỗ. Khi dùng một lực vừa phải ấn ngòi bút xuống mặt gỗ thì vết cháy có màu nâu đậm, còn nếu ấn nhẹ hơn một chút, vết cháy có màu nâu nhạt. Nghe có vẻ đơn giản nhưng điều khiển được ngòi bút để thể hiện các đường nét sáng tối, đậm nhạt khác nhau là cả một quá trình tập luyện gian nan. Hai tháng đầu, nét vẽ cứ quều quều quào quào, phải uốn nắn dần mới điều khiển cây bút này thuần thục được.

Với tranh bút lửa, vẽ chân dung nghệ thuật là chủ đề khó thể hiện nhất, bởi vì ngòi bút rất nóng, bắt lửa nhanh, chỉ cần giữ ngòi bút quá vài giây trên bề mặt ván, vết cháy sẽ loang ra làm mất nét. Lực từ bàn tay phải vừa đủ, đều và liên tục, nếu vẽ quá chậm hoặc dùng lực mạnh sẽ làm gỗ cháy đen, còn nếu quá nhanh hoặc nhẹ tay thì gỗ không kịp cháy. Mặt khác, ngoài việc vẽ giống nhân vật, người họa sĩ phải chọn được góc đẹp, thể hiện cái hồn”, Hoàng chia sẻ.

“Trời cho cậu ấy bàn tay vàng”, anh Nguyễn Quang Hưng (đến từ quận 5, TPHCM) thốt lên khi cùng tôi ngồi xem Hoàng vẽ bạn của mình. Hưng mở điện thoại di động, khoe bức chân dung mà Hoàng đã vẽ cho anh vào năm ngoái: “Chị xem này, ảnh giống người như đúc phải không? Hôm ấy tôi có chuyện vui nên hứng chí nhờ anh ấy vẽ cho bức chân dung. Khoảng 4 tiếng đồng hồ sau, bức tranh được hoàn thiện, nhìn thích lắm vì thần thái rạng ngời. Sau khi vẽ xong, họa sĩ còn phun PU lên bức tranh để giữ màu và tăng độ bền cho tranh. Đây là bức chân dung đẹp nhất mà tôi từng có”.

Hoàng cho biết khách đặt hàng nhiều quá nên lắm lúc chẳng có thời gian mà ngủ nữa. Đêm nay chắc thức tới sáng để hoàn thành bức chân dung cho khách hàng như đã hứa. Rồi thì đơn hàng mấy chục bức tranh phong cảnh cho một công ty ở TP Hạ Long chưa kịp hoàn thành. Anh kể từng được một công ty dầu khí đặt hàng 200 bức tranh bút lửa với hình ảnh giàn khoan trên biển được cách điệu bên những chú ngựa cao nguyên tung vó phi nước đại. Đơn hàng “khủng” thì có thu nhập tốt nhưng vẽ xong là phờ phạc luôn. Sau đận đó anh trốn vào rừng cả tuần, chụp ảnh cỏ cây, chim chóc để giải khuây.

Một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nhận xét Hoàng chụp ảnh cũng có nghề lắm, từng tham gia nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật về Đà Lạt, còn Hoàng tâm sự: Vợ con chưa có nên thích lang thang chụp ảnh để tránh bị stress sau những đợt làm việc “bán mạng”, mặt khác khám phá những khoảnh khắc “vàng” của thiên nhiên, làm nguồn tư liệu để sáng tác tranh phong cảnh.

Trong lúc Hoàng đang tập trung trau chuốt lần cuối bức ảnh chân dung cho khách, tôi vào trang facebook của anh để ngắm tranh và tình cờ nhìn thấy ảnh một số người quen. Quả thực Hoàng vẽ chân dung giống mẫu ảnh như đúc, còn tranh phong cảnh thì có chiều sâu, mang dấu ấn riêng, không lẫn với ai.

Tranh của Hoàng được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội và các bạn trẻ thường liên hệ với anh theo địa chỉ trên facebook, chat video, gửi ảnh nhờ anh vẽ chân dung để giữ lại nét đẹp thời thanh xuân. Vẽ xong, Hoàng ship hàng đến tận nhà của khách hàng ở khắp mọi miền đất nước. Giá của mỗi bức tranh từ 600.000 đến vài triệu đồng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Hoàng bảo riêng những bức vẽ trên gỗ dổi có giá từ 7-8 triệu đồng/bức vì loại gỗ này rất đắt.

Chàng trai hồi sinh cây bút lửa ảnh 2 Chân dung cụ già
Chàng trai hồi sinh cây bút lửa ảnh 3

Tranh phong cảnh

Hồi sinh dòng tranh độc đáo

Một số họa sĩ cao niên cho biết người đầu tiên đưa tranh bút lửa về TP Đà Lạt vào thập niên 50 của thế kỷ trước là ông Bùi Văn Dưỡng (tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris). Những năm 1985 - 1990 là thời hoàng kim của nghề chế tác hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ ở TP Đà Lạt khi có nhiều hợp tác xã với hàng trăm nghệ nhân và thợ lành nghề chế tác những sản phẩm tinh xảo, đặc biệt là tranh bút lửa; xuất khẩu sang một số nước Á - Âu.

Theo nghệ nhân Nguyễn Phi Anh (phường 10, TP Đà Lạt), trước đây tranh bút lửa chỉ được vẽ trên gỗ bạch tùng, loại gỗ đẹp, trắng mịn, không bị nứt và có hương thơm. Đặc biệt, gỗ bạch tùng không có dầu nên khi ngòi đồng chạm vào, bề mặt tấm ván sẽ không bị cháy tràn lan mà hiện ra những đường nét tinh xảo, đúng với ý tưởng của họa sĩ.

Là loại gỗ quý, chỉ  phân bố tại một số khu rừng thuộc tỉnh Lâm Đồng và được khai thác với số lượng hạn chế nên bạch tùng ngày càng đắt và khan hiếm ở Việt Nam. Cũng vì vậy mà nghề chạm bút lửa gặp nhiều khó khăn, mất hẳn thị trường nước ngoài. Các nghệ nhân lần lượt bỏ nghề, chỉ còn số ít người bám trụ vì trót đam mê dòng tranh này.

Khắc phục khó khăn về nguyên liệu, Hoàng cùng một số họa sĩ đa dạng hóa chất liệu gỗ để thỏa mãn ước mơ được vẽ. Không chỉ gỗ bạch tùng mà còn sử dụng gỗ lồng mức (loại gỗ người xưa thường sử dụng để khắc ván in tranh và sách), gỗ me, xá xị…

Hoàng bảo mảng tranh màu nâu khói này chính là “mối duyên tiền định” của mình nên sẽ suốt đời gắn bó. Anh dạy nghề cho nhiều người để giúp họ có cơ hội mưu sinh và cùng chung tay gìn giữ nghề truyền thống. Một số người đã lan tỏa nghề vẽ tranh bút lửa đến TPHCM, Đà Nẵng, Đắk Lắk…

Nói đến tranh, người ta thường nghĩ đến sự ảo diệu, lung linh của sắc màu; trong khi tranh bút lửa chỉ có màu tự nhiên của gỗ và màu nâu của gỗ cháy. Tuy nhiên nhờ những nét vẽ sắc sảo và sự phối màu hài hòa mà tranh vẫn rất thu hút; màu trắng sáng và hơi ngả vàng của gỗ cũng góp phần tạo nên sự độc đáo của tranh bút lửa.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.