Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thông báo kết quả tuyển sinh vào nửa đêm 14/3, Tùng và gia đình thức đợi kết quả. Trước đó Tùng trúng tuyển Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nhưng bị năm trường ở Mỹ từ chối. Kết quả không may mắn đó khiến em thấp thỏm lo âu.
1h sáng 15/3, gia đình Tùng vui mừng khi nhận thư báo trúng tuyển với mức hỗ trợ tài chính 70.000 USD (hơn 1,6 tỷ đồng) mỗi năm từ MIT, tương đương toàn bộ học phí và chi phí ăn ở. Theo US News & World Report, MIT xếp thứ hai các đại học tốt nhất thế giới năm 2020, thứ ba trong danh sách đại học Mỹ năm 2020, đồng hạng với Yale, Columbia.
Sau khi kiểm tra thư cùng mức hỗ trợ tài chính, Tùng rút hồ sơ bảy trường tại Mỹ và tất cả trường ở các quốc gia khác, chỉ để lại số ít để cân nhắc thêm. "Mỗi năm, MIT thường chỉ nhận hai học sinh Việt Nam nên dù nộp hồ sơ em không dám hy vọng nhiều. Đến giờ, em vẫn chưa tin mình đỗ MIT", chàng trai cao gầy nói.
Cuối tháng 3, Tùng tiếp tục nhận email trúng tuyển từ Đại học Princeton, đứng thứ tám trong danh sách đại học thế giới năm 2020, thứ nhất danh sách đại học Mỹ. Sau khi cân nhắc, em quyết định chọn MIT.
Sinh năm 2001, Tùng là cựu học sinh lớp Vật lý 1 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Từ nhỏ, Tùng đã tự hỏi "Tại sao bầu trời vào ban đêm lại tối?" hay "Những vì sao lấp lánh trên bầu trời đến từ đâu?". Lên THCS, nhờ đọc sách của nhiều nhà vật lý nổi tiếng như Carl Sagan, Brain Greene, Richard Feynman, sự tò mò chuyển thành niềm say mê với vũ trụ và cuộc sống tự nhiên. Mong muốn được nghiên cứu sâu môn Vật lý và Vật lý thiên văn, Tùng thi vào trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và trúng tuyển lớp Vật lý 1.
Lên lớp 10, bên cạnh học chính khóa, Tùng đăng ký luyện thi chuẩn hóa. Em đạt 1420/1600 điểm SAT I và điểm tuyệt đối (800/800) hai môn Toán, Vật lý tại SAT II, điểm tuyệt đối (5/5) bốn môn AP. Tùng bộc bạch điểm SAT I còn khiêm tốn trong khi nhiều bạn cùng trường đạt trên 1500. Dù vậy, gia đình không so sánh với bạn bè xung quanh khiến em có thể tập trung phát triển đam mê ở môn Vật lý.
"Đạt điểm cao có lợi thế riêng nhưng em nghĩ không nên vì vậy mà đặt áp lực cho bản thân. Em đầu tư thời gian cho điểm mạnh, tìm cách thể hiện riêng cho hồ sơ của mình", Tùng nói.
Thông thường học sinh nộp hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ từ giữa năm lớp 12, Tùng cũng dự kiến như vậy, nhưng phải lùi một năm để thi Olympic quốc tế. Tháng 11/2018, Tùng sang Trung Quốc dự kỳ thi Olympic về Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018 và trở thành học sinh Việt Nam đầu tiên giành huy chương vàng. Ngay sau đó, Tùng tiếp tục ôn luyện cho kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2019 tổ chức tại Israel và mang về tấm huy chương vàng thứ hai.
Một năm hoãn du học, Tùng học được nhiều điều giá trị. Đó là cơ hội được sử dụng tiếng Anh trong nghiên cứu, trò chuyện với bạn bè quốc tế và trau dồi khả năng làm việc nhóm. Đó còn là trải nghiệm văn hóa tại các vùng đất, sống tự lập và học cách thích nghi với môi trường mới.
Trở về từ Olympic Vật lý quốc tế vào tháng 8/2019, Tùng mới tìm hiểu yêu cầu của các trường đại học để hoàn thiện hồ sơ du học. Em ôn thi TOEFL, ACT, viết bài luận, gấp rút hoàn thành hồ sơ nộp vào MIT trong đợt tuyển sinh sớm tháng 11/2019 và Đại học Princeton cùng một số trường khác vào tháng 1/2020.
Đã quen với những ngày ôn thi Olympic chỉ ngủ 5-6 giờ, Tùng bảo thời gian chuẩn bị hồ sơ gấp rút nhưng không làm em áp lực. Để giải quyết nhiều nhiệm vụ cùng lúc, Tùng tự lên kế hoạch làm việc một ngày, kết hợp nghỉ ngơi hợp lý.
Vốn say mê con số hơn con chữ, khi đặt bút viết bài luận chính, Tùng có hai rào cản là chọn đề tài và cách viết. Xác định viết về niềm say mê với Vật lý nhưng ý tưởng quá rộng, Tùng không muốn triển khai theo hướng liệt kê thành tích. Thay vào đó, em kể về kỷ niệm đi tìm lời giải cho những câu hỏi khoa học, từ đó có cái nhìn trưởng thành hơn về quá trình tiếp nhận ý tưởng và đóng góp cho khoa học.
Bài viết gửi cho cố vấn liên tục bị trả về, Tùng không còn nhớ số bài không đạt. Em dành nhiều thời gian để viết luận, viết không được thì chuyển sang đọc sách về Thiên văn học để tham khảo cách viết của các nhà vật lý. Trên bàn học của Tùng tại nhà riêng, sách và tài liệu khoa học chất cao, giấy viết xếp kín mặt bàn.
Sau hơn một tháng, Tùng thấy bản thân đã dùng từ trau chuốt hơn, ý tứ trình bày mạch lạc nhưng vẫn chưa hấp dẫn. Một ngày cuối tháng 10/2019, bài luận gửi đi được thầy cố vấn nhận xét tốt, Tùng "vui như bắt được vàng", đem nộp cùng hồ sơ ứng tuyển các đại học.
Tùng nộp hồ sơ vào MIT, Princeton vì tạo nhiều điều kiện học tập và nghiên cứu ngành Vật lý, thúc đẩy tối đa sự sáng tạo của sinh viên. Hai trường này cùng Yale, Harvard, và Amherst có chính sách tuyển chọn sinh viên quốc tế dựa trên hồ sơ năng lực, không đánh giá khả năng tài chính. Sau khi thí sinh trúng tuyển, trường mới xem xét hồ sơ tài chính và sẵn sàng hỗ trợ toàn bộ chi phí.
Chàng trai Hà Nội dự định đăng ký ngành Vật lý cùng với Triết học vì muốn tìm hiểu sâu hơn về thế giới quanh ta. Triết học cũng là đề tài Tùng say mê tìm hiểu từ những năm THPT nhưng chưa có cơ hội học tập nghiêm túc. "Hai lĩnh vực này sẽ cho em một cái nhìn đa chiều hơn về thế giới với nhiều điều hấp dẫn đang chờ khám phá", Tùng nói.
Là cố vấn du học tại Tổ chức giáo dục Summit, thầy Myo Min nhận xét Tùng quyết tâm, chăm chỉ, không lấy các kỳ thi Olympic làm cớ để ngừng hoàn thiện và khám phá lĩnh vực mới. "Tùng bắt đầu hành trình chuẩn bị với tình yêu Vật lý nhưng dè dặt khi trò chuyện bằng tiếng Anh hoặc chủ đề ngoài lĩnh vực thế mạnh. Qua trau dồi, Tùng trở nên tự tin, cởi mở hơn. Thái độ cầu tiến giúp em bứt phá và ghi điểm trong mắt hội đồng tuyển sinh", thầy Myo Min nói.
Từ hành trình chinh phục ước mơ du học, Tùng nhắn nhủ những bạn có thế mạnh trong lĩnh vực khoa học hãy cởi mở tiếp cận các góc nhìn khác để làm đa dạng hồ sơ. "Cơ hội học tập trải rộng, đừng buồn kể cả khi kết quả không được như mong muốn. Kết quả đại học không định nghĩa con người bạn", Tùng nói.