Chàng trai đổi đời nhờ đam mê múa cột

Chàng trai đổi đời nhờ đam mê múa cột
TPO - 6 năm miệt mài luyện tập trên cột, chàng trai từng làm thợ xây Sun Ying Zhi cuối cùng đã đoạt giải cao nhất trong cuộc thi múa cột quốc tế năm nay.

Thanh niên 22 tuổi này vừa trở thành người Trung Quốc đầu tiên chiến thắng trong một cuộc thi múa cột lớn sau khi rinh giải nhất hạng mục múa nam của giải múa cột Pháp năm 2017.

Đến từ tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc, Sun nói rằng cậu biết về bộ môn này nhờ lướt web. “Công việc của tôi lúc đó rất chán. Rồi một ngày tôi xem đoạn phim có chàng trai đang múa cột và tôi thực sự choáng trước sức khỏe và kỹ năng của anh ấy”, nhật báo Thương mại Thành Đô dẫn lời Sun trong bài viết vừa đăng nhân dịp anh giành được giải thưởng lớn.

Sun khi đó đang ở tuổi 16, nhưng cậu bị ấn tượng mạnh đến nỗi cậu đã lập tức thử leo lên cái cột sắt trong phòng trọ và bắt đầu tập.

Sun quay lại những gì mình đang làm rồi gửi phim cho nhiều công ty bồi dưỡng tài năng với hy vọng có thể trở thành nghệ sĩ múa cột. Sau khoảng 6 tháng, nỗ lực của cậu đã được đền đáp và cậu bắt đầu được trả lương. Sun cũng bắt đầu tham gia các cuộc thi và không lâu sau thì chiến thắng trong một cuộc thi quy mô địa phương.

“Sau khi giành được chiến thắng đầu tiên, một số phòng tập mời tôi làm huấn luyện viên múa cột cho họ”, Sun kể. Anh cho biết anh chỉ được trả 2.000 tệ (hơn 6 triệu đồng) mỗi tháng hồi còn làm công nhân xây dựng, nhưng khi trở thành huấn luyện viên múa cột, anh có thể kiếm vài trăm tệ mỗi ngày. Vì thế, Sun bỏ nghề xây dựng.

Nhưng dù đang kiếm tiền khá tốt, Sun nói rằng anh vẫn phải vượt qua nhiều định kiến.

“Múa cột không được chấp nhận rộng rãi ở Trung Quốc vì bị nhiều người coi là thô tục và khiêu dâm”, Sun nói. Anh cho biết bố mẹ anh là người chỉ trích mạnh nhât. “Bố tôi yêu cầu tôi dừng lại ngay vì ông ấy nghĩ tôi đang làm ông ấy mất mặt”, Sun kể. Nhưng chàng trai này vẫn quyết tâm theo con đường đã chọn. Năm 2012, anh tham gia Giải vô địch múa cột lần thứ nhất của Trung Quốc nhưng không được giải.

“Tôi không thấy nản vì tôi biết kỹ năng của mình còn thua xa nhiều thí sinh khác. Tôi kết bạn với họ và tập luyện siêng năng hơn”, Sun kể. Anh cho biết mỗi ngày anh tập thêm 5 giờ đồng hồ và kéo dài suốt cả năm như vậy.

Nỗ lực của Sun đã mang lại kết quả. Cũng cuộc thi đó 12 tháng sau, Sun giành được giải thưởng, và năm 2014, anh được trao giải trình diễn tốt nhất tại Giải vô địch Thể hình và Múa cột thế giới tại London, cuộc thi quốc tế đầu tiên mà anh tham gia.

Chiến thắng đó giúp Sun thuyết phục được cha mẹ ủng hộ và tạo dựng được hình ảnh để anh mở một trường dạy múa cột ở Quảng Châu, một thành phố công nghiệp thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.

Đàn ông Trung Quốc thường không thích múa cột, nhưng Sun nói rằng anh hy vọng chiến thắng của anh sẽ giúp thay đổi quan điểm của mọi người.

Phụ nữ cũng bị coi thường

Không chỉ đàn ông như anh Sun mà ngay cả phụ nữ múa cột cũng phải đối mặt với định kiến. Những cô gái tham gia cuộc thi vô địch thể dục múa cột và thể thao thế giới tại Bucharest, Romania, năm 2016, cho biết họ gặp thách thức ngay cả khi chưa leo lên cột, đó là phải thuyết phục mọi người rằng đây là một môn thể thao khó nên được đưa vào thi đấu trong thế vận hội Olympic chứ không phải kiểu uốn éo khiêu dâm trong các câu lạc bộ của đàn ông.

Liên minh các bậc cha mẹ từ Romania gọi cuộc thi chung kết quốc gia Romania, nơi những bạn trẻ đang thi đấu, là “một bước tiến tới tệ mại dâm trẻ em” và hơn 100 tổ chức phi chính phủ đã ký vào đơn kiến nghị đòi bỏ cuộc thi này.

Cảnh sát đã được huy động trong ngày diễn ra cuộc thi hôm 16/9. “Đây là một môn thể thao mới và vì định kiến, mọi người thấy không thoải mái hoặc không hiểu nhiều về nó”, bà Cristina Fit, một thành viên tổ chức giải đấu, nói.

Chàng trai đổi đời nhờ đam mê múa cột ảnh 1

Sun Ying Zhi đổi đời nhờ niềm đam mê múa cột. Ảnh: SCMP

Bà Fit cho biết bà hy vọng môn múa cột sẽ được đưa vào thi đấu trong thế vận hội Olympic. “Chúng tôi muốn cho thấy đây là một môn thể thao. Nó đã phát triển rất nhiều từ nơi bắt đầu là các câu lạc bộ trong những năm 1960”, bà Fit nói.

Cuộc thi này đã thu hút thi sinh từ 12 quốc gia. Các thí sinh từ Trung Quốc, Nga, Anh, Italia và Romania lọt vào vòng chung kết của nữ diễn ra ở TP Bucharest. Giải đấu này cũng có hạng mục dành cho thí sinh nam. Các thí sinh được chấm điểm dựa trên trang phục, kỹ năng trình diễn và tính thẩm mỹ.

“Tôi rất tiếc khi thấy mọi người… nhìn nhận đây chỉ là múa cột”, bà Fit nói.

MỚI - NÓNG