> Đạo diễn phim 'Ván bài lật ngửa' qua đời
Trong hàng loạt những “phiên bản” Lan và Điệp - gây ấn tượng nhất phải kể tới vở cải lương Chuyện tình Lan và Điệp do hai soạn giả Loan Thảo - Thế Châu thực hiện vào năm 1972. Vở diễn này đã làm nên tên tuổi của hai diễn viên trẻ: Chí Tâm và Thanh Kim Huệ. Trong đó NS Chí Tâm đã định danh với vai Điệp.
Có lẽ người Việt Nam ai cũng biết câu chuyện tình Lan và Điệp trong vở cải lương cùng tên. Nhiều người đã ví câu chuyện này là Romeo - Juliet Việt Nam.
Từ nguyên tác Tắt lửa lòng - tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Công Hoan viết vào năm 1933, nhà soạn kịch Trần Hữu Trang chuyển thể thành vở cải lương Lan và Điệp vào năm 1938.
Lan và Điệp đã trở thành vở diễn ăn khách hàng đầu không chỉ trên sân khấu mà còn trong lĩnh vực phát hành băng đĩa trong suốt mấy chục năm sau với rất nhiều “phiên bản” khác nhau.
Sống với cải lương từ bé
Sinh ra ở Trà Ôn (Vĩnh Long), một trong những cái nôi của cải lương miền Nam, Chí Tâm làm quen với đờn ca ngay từ nhỏ. Cha là người yêu văn nghệ nên Chí Tâm được theo học ca tài tử với nhiều ông thầy miệt vườn
Năm 11 tuổi, Chí Tâm đã được mời đi hát bên bến Ninh Kiều (Cần Thơ) và đến năm 13 tuổi được ba gửi theo học với thầy Yên Sơn (còn có tên là nhạc sỹ Út Châu) tại Sài Gòn.
Năm 15 tuổi, Chí Tâm tham gia đoàn cải lương Tinh Hoa với những vai diễn và nhiều nhạc phẩm tân cổ giao duyên được nhạc sỹ Yên Sơn “đo ni đóng giày” riêng.
Nhiều nhạc phẩm được khán giả biết tới như Em bé đánh giày, Em bé bán báo, Con quạ con chồn… (Hãng đĩa Continental thu) hay là các vở Na Tra lóc thịt (vai Na Tra), Công chúa Thủy Tề (vai Kim Đồng), Người ăn cắp bánh mỳ (vai Mã Chí Tâm) trên sân khấu Tinh Hoa…
Nhưng khi đang bắt đầu tỏa sáng thì Chí Tâm đột ngột bị vỡ giọng và phải trở về quê, học nghề buôn bán như ý của gia đình. Chí Tâm đã từng theo học nghề làm ảnh tại Cần Thơ một thời gian nhưng do nhớ nghề diễn nên Chí Tâm vẫn lén cộng tác cùng một số ban nhạc cổ tại Cần Thơ.
Và năm 1970, khi đã hết vỡ giọng, Chí Tâm quay lại Sài Gòn để theo nghiệp cầm ca.
Lần trở lại với cải lương này, Chí Tâm đã ca khá thành công bài tân cổ giao duyên Chuyện tình Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo và được giới thiệu vào vai Điệp trong vở cải lương cùng tên. Năm đó Chí Tâm vừa tròn 20 tuổi.
Thật ra, ngày đó ít ai đánh giá cao giọng ca Chí Tâm. Chất giọng anh thời đó hơi khàn, lại yếu về hơi - một điều rất cần có với một giọng ca cải lương - nên mỗi khi ca dài, người nghe cảm thấy nghèn nghẹn.
Thế nhưng với vai Điệp, một giọng ca hơi nghèn nghẹn như thế lại khá hợp với sự yếu đuối, nhu nhược của nhân vật này.
Vượt lên hạn chế về giọng ca, Chí Tâm có cách xử lý khéo léo trong nhả hơi, ngâm nga tạo lên một nét rất riêng, buồn nhưng ngọt. Biến sở đoản thành sở trường, Chí Tâm đã thổi một làn gió lạ bằng phong cách ca rất riêng mang tên mình.
Với Chuyện tình Lan và Điệp, Chí Tâm đã tạo một cơn sốt hâm mộ, lập kỷ lục về số lượng đĩa bán được trên thị trường trước năm 1975.
Chí Tâm nhớ lại: “Ngày đó đi tới đâu tôi cũng nghe mở Lan và Điệp. Chủ hãng đĩa bảo chưa bao giờ có một cơn sốt nào như vậy. Ngoài cát sê 12 ngàn đồng/một mặt đĩa, tôi còn được thưởng thêm 20 ngàn đồng. Ngày đó cát sê của tôi chỉ thua một số nam nghệ sỹ như Minh Vương, Minh Phụng…
Nhiều hãng đĩa, đoàn cải lương liên tiếp mời tôi tham gia, thậm chí tôi còn được thay thế Minh Vương trong một số vở khi anh ấy bị đi quân dịch”.
Đầu năm 1974, Chí Tâm được đoàn Kim Chung mời tham gia vở Hán Đế biệt Chiêu Quân cùng với Hương Lan.
Ngày đó Hương Lan đã là một ca sỹ nhạc nhẹ có tiếng tại Sài Gòn nhưng vẫn tham gia các vở diễn vì xuất thân từ cải lương (Hương Lan là con gái nghệ sỹ Hữu Phước - một trong những cây đại thụ hàng đầu của cải lương Việt Nam). Cùng diễn trong Hán Đế biệt Chiêu Quân, cả hai phải lòng nhau và nên duyên vợ chồng vào cuối năm 1975.
Rồi như nhiều nghệ sỹ khác sau khi đất nước thống nhất, Chí Tâm đã tham gia Đoàn Cải lương Giải phóng và đã tiếp tục gặt hái thành công với một số vở diễn như Cây sầu riêng trổ bông (vai Lê Kim Hùng), Ngày tàn bạo chúa (vai Alikha).
Tháng 12-1976, Đoàn Cải lương Giải phóng lưu diễn tại Hà Nội. Lần đâu tiên đến thủ đô, Chí Tâm ngỡ ngàng bởi khán giả nơi đây cũng mê cải lương không kém gì trong miền Nam.
Hơn 1 tháng lưu diễn, đêm nào sân khấu cũng chật kín khán giả. Chí Tâm nhớ lại: “Hơn 30 năm rồi mà tôi vẫn nhớ những ngày ở Hà Nội. Nhiều khán giả tìm đến tôi chỉ để xem mặt chàng Điệp, có người còn yêu cầu tôi ca cho họ nghe một đoạn trong vở Lan và Điệp. Rất nhiều văn nghệ sỹ lớn ngoài Bắc như Ái Liên, Sỹ Tiến, Tiến Thọ… nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Hoàng Cầm cũng đến thăm và động viên chúng tôi. Với người nghệ sỹ, nhận được sự quan tâm như thế thì còn gì bằng”.
Ra đi và đổ vỡ
Chí Tâm ngỡ đã an phận với sân khấu. Nhưng như chàng Điệp, số phận cuộc đời lại đẩy đưa Chí Tâm sang hướng khác. Đó là năm 1977, khi nghệ sĩ Hữu Phước bảo lãnh gia đình Chí Tâm - Hương Lan sang Pháp.
Ban đầu Chí Tâm không muốn đi bởi ở Việt Nam, Chí Tâm đã có tất cả: tiếng tăm, khán giả, tương lai… Một bên là vợ, một bên là sự nghiệp, anh phân vân mãi. Nhưng rồi anh phải quyết định ra đi.
Tại Pháp, hai vợ chồng Chí Tâm - Hương Lan đã chia tay. Lúc đó họ đã có hai đứa con chung. Nhớ chuyện cũ, Chí Tâm thở dài: “Chúng tôi chia tay vì những mâu thuẫn trong cuộc sống. Mâu thuẫn có thể không lớn nhưng vì lúc đó chúng tôi còn quá trẻ, chưa biết dung hoà. Cũng may là sau khi chia tay, chúng tôi vẫn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp và coi nhau như bạn, những đứa trẻ cũng không bị ảnh hưởng nhiều”.
Sau khi chia tay, Hương Lan qua Mỹ - nơi đời sống văn nghệ của người Việt phong phú hơn. Chí Tâm ở lại Pháp cũng lập đoàn hát mang tên Năm Châu, quy tụ những nghệ sỹ xa quê cùng tham gia biểu diễn cho đỡ nhớ nghề.
Đoàn Năm Châu chủ yếu diễn vào ngày cuối tuần với một số vở cải lương cũ như Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm Nguyên Bá, Tâm sự loài chim biển… Đoàn cũng đi diễn ở các nước có người Việt sinh sống nhiều như Thụy Sỹ, Tây Đức, Na Uy, Đan Mạnh, Bỉ…
Sẽ về dựng vở tại Việt Nam
Nghệ sĩ Chí Tâm thời trẻ. |
Năm 1986, Chí Tâm qua Mỹ theo lời mời của vợ cũ để cùng thu âm những bài tân cổ giao duyên. Dù đã chia tay nhưng trong nghiệp hát, Chí Tâm - Hương Lan vẫn tiếp tục là một cặp rất đẹp đôi trong những bài tân cổ như Lan và Điệp, Bánh bông lan, Sông quê, Tình đẹp mùa chôm chôm…
Rồi Chí Tâm dựng lại vở Chuyện tình Lan và Điệp tiếp tục gây tiếng vang trong cộng đồng người Việt. Nhờ sự thành công này, năm 1989, Chí Tâm quyết định chuyển qua Mỹ sống để theo nghề hát.
Tuy công việc tại Mỹ nhiều vất vả nhưng mỗi khi thu xếp được, Chí Tâm lại trở về Việt Nam. Trong một lần về thăm nhà, Chí Tâm đã gặp lại Minh Tuyền, một cô gái quê ở Châu Đốc. Minh Tuyền quen Chí Tâm khi cô còn buộc tóc đuôi gà. Chí Tâm đã kết duyên mới và đưa vợ qua Mỹ sống.
Anh khoe: “Tuyền không làm nghệ thuật nhưng cô ấy giúp tôi nhiều lắm. Nhờ cô ấy tôi mới có được cuộc sống hôm nay. Có gia đình, có con cái cùng một công việc tạm ổn. Như vậy thì tôi có thể quay lại với nghề được rồi”.
Trong chuyến về nước gần đây, bên cạnh công việc thương mại, Chí Tâm cũng nhận lời hát ở một vài nơi để tìm hiểu nhu cầu khán giả.
“Chàng Điệp” cũng đi thăm những bạn diễn cũ như Minh Vương, Lệ Thủy… Tuy cải lương Việt Nam đang sa sút nhưng các nghệ sỹ gạo cội như Minh Vương, Lệ Thủy vẫn có đất diễn. Điều này khiến Chí Tâm hy vọng với kế hoạch trở về diễn tại Việt Nam.
“Tôi đang tìm người tổ chức. Nếu thuận lợi thì có thể trong năm nay, tôi sẽ về dựng vở tại Việt Nam. Còn gì hạnh phúc hơn khi được hát trên chính quê hương mình” - Chí Tâm chia sẻ.
Lận đận kiếm sống xứ người
Chí Tâm đi Pháp, cùng với gia đình vợ - ca sĩ Hương Lan - vào tháng 2 -1978. “Ban đầu tôi cũng tính sang Pháp sẽ đăng ký học một khóa đạo diễn sân khấu rồi quay về Việt Nam làm nghề. Nhưng đâu ngờ mọi sự lại diễn ra hoàn toàn khác” - Chí Tâm thở dài. Nước Pháp ngày đó đã khá đông người Việt nhưng chương trình văn nghệ lại ít và những người như Chí Tâm đã từng hát trong nước sau năm 1975 đều bị tẩy chay. Bởi thế Chí Tâm đành quên nghiệp diễn, chấp nhận kiếm sống bằng những nghề tay chân như làm mộc, làm thợ sơn mài, làm nhân viên hãng Thomson… Hương Lan thì khá hơn, nhờ uy tín của bố nên ngày thường đi làm ở siêu thị, cuối tuần đi hát tân nhạc tại một bar nhỏ. Cứ thế cả hai quay cuồng với cuộc sống mưu sinh trên đất khách. Cho tới khi gia đình Chí Tâm - Hương Lan dọn về ở quận 13, Pari và cuộc sống bắt đầu dễ thở hơn một chút thì đôi vợ chồng trẻ lại có những mâu thuẫn lục đục để rồi sau đó Chí Tâm - Hương Lan chia tay. Sau này, khi đã qua sống bên Mỹ, Chí Tâm cũng phải làm đủ thứ việc như mở phòng thu, dạy ca cổ, làm âm nhạc cho chương trình ca nhạc, mở tiệm bán băng đĩa. Cuối tuần thì đi hát, hát từ tân nhạc tới cổ nhạc. Thế nhưng số phận long đong của chàng Điệp dường như vẫn đeo đuổi Chí Tâm, băng đĩa bán ngày càng ít do sự phát triển công nghệ số. Các chương trình ca nhạc cũng giảm dần khách do giới trẻ không còn đam mê. Và vài năm nay, Chí Tâm phải quay qua làm thêm công việc bán hàng đa cấp. |