Chẳng buồn cười chút nào

TP - Đã có người cho rằng quy định mới đây của cảnh sát giao thông TPHCM (CSGT thành phố khi đi làm không được mang quá 100.000 đồng) là “buồn cười”. Và những người đòi hỏi rằng biện pháp này khi thực thi phải ngay lập tức ngăn chặn được tình trạng tiêu cực trong lực lượng CSGT thì cũng buồn cười không kém.

> CSGT làm nhiệm vụ không được mang quá 100 nghìn đồng

Nhưng có lẽ, đáng buồn cười nhất là những người phản đối biện pháp này, coi nó không có tác dụng gì, nhưng khi được hỏi liệu ông hay bà có biện pháp gì hay hơn không thì cũng tắc tị.

Có một sự thật mà khó ai có thể chứng minh điều ngược lại, là CSGT có rất nhiều “điều kiện” để tiêu cực và chuyện tiêu cực của CSGT không phải hiếm. Cứ chứng kiến tần suất xuất hiện của các bài báo, đoạn video về nạn mãi lộ, chung chi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ rõ.

Trong bối cảnh ấy, việc ngành CSGT Công an TPHCM đưa ra thêm những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực trong lực lượng là rất đáng ủng hộ. Cho dù vẫn có không ít ý kiến, cả trong và ngoài ngành, tỏ ra băn khoăn về hiệu quả của quy định mới này. Có người đã so sánh quy định chỉ được mang 100.000 đồng đi làm với biện pháp may túi quần áo của nhân viên thu phí dính chặt lại để nhân viên thu phí đường bộ “hết đường” giấu tiền tiêu cực.

So sánh như vậy có phần hơi khập khiễng. Tất nhiên, không thể chắc rằng sau khi ban hành quy định cấm mang quá 100.000 đồng, sẽ không còn hiện tượng CSGT tiêu cực, nhưng ít nhất, biện pháp này cũng cho thấy quyết tâm làm trong sạch bộ máy, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực. Hơn nữa, biện pháp này sẽ chỉ phát huy tác dụng khi công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên, nghiêm túc.

Những biện pháp liên tục được thực thi cũng là cách nhắc nhở các chiến sỹ mang trên mình bộ cảnh phục màu vàng ý thức rõ hơn, thường xuyên hơn về những đòi hỏi của công việc, trong đó có yêu cầu về sự liêm chính.

Ai đó có cho rằng quy định trên gây bất tiện cho các chiến sỹ CSGT cũng cần ý thức rằng, CSGT là lực lượng bảo vệ và đại diện cho luật pháp thì đương nhiên họ phải chấp nhận những quy định, yêu cầu khắt khe nào đó mà nếu chỉ là một công dân bình thường, họ không hề phải thực thi. Và chỉ sau vài ngày, một số CSGT cũng đã thừa nhận, mới đầu có đôi chút bất tiện nhưng chắc sẽ quen dần.

Tuy vậy, dù ngành CSGT có đưa ra biện pháp chấn chỉnh nào, quy định mới nào đi chăng nữa thì cái đích phải đạt đến vẫn là giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng, biến chuyển rõ rệt tác phong, thái độ làm việc của CSGT, một trong những lực lượng bảo vệ pháp luật “gần” dân nhất.

Cảm nhận, niềm tin của người dân về một đội ngũ tận tâm với công việc, trong sạch về đạo đức mới là đích đến lớn nhất của đội ngũ CSGT. Mà niềm tin của người dân không thể tự nhiên đến qua các bản báo cáo thành tích chung chung, không thể kiểm chứng và hơi…buồn cười, kiểu như “năm qua có hàng ngàn CSGT không nhận hối lộ”, hay “chỉ một bộ phận có tiêu cực, còn đại bộ phận đều luôn hết lòng vì công việc không vụ lợi”.

Chính vì vậy, cuộc sống sẽ luôn đòi hỏi cần có thêm những quy định chặt chẽ hơn nữa, được thực thi nghiêm túc hơn nữa để hình ảnh của lực lượng CSGT ngày càng đẹp lên một cách thực chất trong con mắt của người dân. Vì thế, quy định trên tưởng chừng “buồn cười” lại không buồn cười một chút nào cả.

Theo Báo giấy