Chân dung Gen Z: Đam mê múa lân, mở cửa tiệm riêng và rinh học bổng toàn phần từ Harvard

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Sở hữu thành tích học tập “khủng”, nhận học bổng toàn phần từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ) và mở cửa hiệu kinh doanh riêng khi mới 16 tuổi, Nguyễn Đức Anh Phú - chàng tân sinh viên tài năng chính là ví dụ “đỉnh của chóp” cho tư duy cầu tiến, không ngừng “mài dũa” năng lực bản thân của Gen Z.

“Sương sương” profile “xịn xò”

- Tên đầy đủ: Nguyễn Đức Anh Phú

- Năm sinh: 2003

- Tân sinh viên Đại học Harvard với học bổng toàn phần lên đến 72.000 USD (hơn 1,5 tỷ đồng) mỗi năm.

- Mở cửa hiệu sửa điện thoại riêng - Phu’s Phone Emporium tại Mỹ.

Chân dung Gen Z: Đam mê múa lân, mở cửa tiệm riêng và rinh học bổng toàn phần từ Harvard ảnh 1

Bạn luôn có thể làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ!

Đại học Harvard là một trong những ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới mà bất kỳ sinh viên nào cũng đều ao ước được đặt chân đến. Việc xuất thân trong một gia đình nhập cư thuộc tầng lớp lao động không có điều kiện tài chính để chi trả cho việc học tại Harvard không thể ngăn cản cậu bạn gốc Lâm Đồng mạnh dạn “gõ cửa” ngôi trường có lịch sử lâu đời nhất nước Mỹ.

Từ hơn 57.000 đơn dự tuyển trên khắp thế giới, Anh Phú xuất sắc trở thành một trong gần 2.000 tân sinh viên của Đại học Harvard, đồng thời giành học bổng toàn phần từ quỹ hỗ trợ tài chính của trường (Harvard Faculty Scholarship). Ngoài ra bạn cũng nhận được một số học bổng nhỏ lẻ khác để chi trả cho chi phí cá nhân như chi phí đi lại hay đồ dùng học tập và sách vở..., bao gồm học bổng “Harvard Start-up Grant”, học bổng DECA và học bổng của Papillion Foundation Optimists Club.

Chân dung Gen Z: Đam mê múa lân, mở cửa tiệm riêng và rinh học bổng toàn phần từ Harvard ảnh 2

Anh Phú xuất sắc trở thành một trong gần 2.000 tân sinh viên của Đại học Harvard, đồng thời giành học bổng toàn phần từ quỹ hỗ trợ tài chính của trường.

Chia sẻ yếu tố để chinh phục được “cánh cửa” Harvard, Anh Phú cho biết: “Mình nghĩ điểm mạnh của bản thân chính là sự nỗ lực không ngừng, luôn thúc đẩy chính mình đạt đến những giới hạn những gì mình có thể đạt được. Bên cạnh đó, những hoạt động tình nguyện trong cộng đồng kiều bào mà mình tham gia cũng là một “nguồn sức mạnh” giúp mình chạm đến ước mơ Harvard. Mình thường tham gia biểu diễn múa lân, hát và diễn kịch tại chùa cũng như quyên góp từ thiện từ doanh thu của Phu’s Phone Emporium”.

Anh Phú chọn học song song hai ngành Kinh tếKhoa học máy tính để trau dồi bản thân một cách toàn diện. Cậu bạn phân tích: “Mình nghĩ cả Kinh tế và Khoa học máy tính đều rất quan trọng ngày nay. Học Kinh tế sẽ giúp mình hiểu được cách thức hoạt động của dòng tiền, cách vận hành doanh nghiệp. Còn Khoa học máy tính thì hữu dụng ở mọi khía cạnh trong cuộc sống, thành thạo được lĩnh vực này sẽ giúp cuộc sống lẫn việc kinh doanh của mình “dễ thở” và hiệu quả hơn nhiều”.

Sở hữu thành tích học tập tốt cùng “bề dày” kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa hoành tráng, Anh Phú bật mí “bí kíp” để cậu bạn “xử gọn” cả hai lĩnh vực chính là luôn cố gắng và tin rằng mình có thể làm được nhiều hơn những gì mình nghĩ.

“Ở năm hai trung học, mình luôn nghi ngờ rằng liệu mình có thể vừa tham gia các lớp học nâng cao, vừa điều hành cửa hàng cùng lúc không? Mình vẫn tham gia các lớp nâng cao và cố gắng hết sức. Dù mình không duy trì chuỗi điểm A vào năm đó nhưng mình vẫn đạt nhiều hơn những gì mình tưởng tượng.” - Anh Phú tâm đắc.

Gen Z đã dám mơ là dám làm!

16 tuổi, cậu bạn khởi nghiệp với cửa tiệm sửa chữa điện thoại. Anh Phú hào hứng kể lại: “Khi đang thử nghiệm giá đỡ điện thoại bằng LEGO trên xe đạp tự sáng tạo, mình vô tình va phải một tảng đá và khiến điện thoại bị trầy xước. Mình quyết định bán chiếc điện thoại đó để mua một chiếc máy mới và trong lúc đang tìm cách bán, mình vô tình thấy một video hướng dẫn cách mua bán điện thoại kiếm lời. Mình bắt đầu với số tiền từ việc bán điện thoại cũ và tiếp tục làm điều đó để có lợi nhuận, từ đó mình cũng tự học cách sửa điện thoại và chính thức “bén duyên” với nghề này”.

Lúc vừa khởi nghiệp, Anh Phú gặp không ít khó khăn do còn quá trẻ. Cậu bạn bị hạn chế sử dụng các dịch vụ thanh toán như PayPal và ký các văn bản pháp lý nên đã nhờ đến sự hỗ trợ từ bố mẹ và chị gái, cũng như tìm kiếm các dịch vụ thay thế. Bên cạnh đó, thành thạo việc sửa chữa điện thoại, tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện, thực hiện các chiến dịch quảng cáo... cũng là những “bài toán lớn” mà Anh Phú cần “giải” ở giai đoạn đầu.

Chân dung Gen Z: Đam mê múa lân, mở cửa tiệm riêng và rinh học bổng toàn phần từ Harvard ảnh 3

16 tuổi, cậu bạn khởi nghiệp với cửa tiệm sửa chữa điện thoại.

Tuy vậy, sau thời gian dài nỗ lực và tự trau dồi, Anh Phú giờ đây đã tự tin khẳng định: “Mình đã thành thạo mọi thứ, từ cách sửa chữa màn hình, pin, cổng sạc, máy ảnh và thậm chí sửa chữa bo mạch. Mình cũng đã học cách kết nối với các nhà cung cấp, xây dựng mối quan hệ và thực hiện các chiến dịch quảng cáo”.

Có thể thấy, Anh Phú là một người trẻ Gen Z điển hình theo đuổi lối sống “đa nhiệm” khi vừa đi học vừa điều hành công việc kinh doanh riêng nhưng vẫn luôn duy trì phong độ ổn định trong mọi hoạt động. Chàng tân sinh viên Đại học Harvard chia sẻ rằng, từ lúc mới chuyển sang Mỹ, bố mẹ cậu làm việc nhiều giờ liền để nuôi gia đình nhưng vẫn cân bằng được thời gian cho các con. Thế nên cậu bạn đã “thừa hưởng” kỹ năng này từ nhỏ và áp dụng thành công để gặt hái được nhiều thành tựu trong học tập lẫn kinh doanh.

Chân dung Gen Z: Đam mê múa lân, mở cửa tiệm riêng và rinh học bổng toàn phần từ Harvard ảnh 4

Anh Phú là một người trẻ Gen Z điển hình theo đuổi lối sống “đa nhiệm” khi vừa đi học vừa điều hành công việc kinh doanh riêng.

Tình yêu Việt Nam “chấp” cả nửa vòng Trái Đất

Dù đã sống ở Mỹ từ khi còn nhỏ, Anh Phú vẫn dùng tiếng Việt với bố mẹ hằng ngày, luôn ăn các món ăn truyền thống của Việt Nam, đi lễ chùa và tham gia trình diễn múa lân vào dịp Tết. Cậu bạn tự hào: “Mình và các thành viên trong nhà đã giúp đỡ lẫn nhau để giữ cho nền văn hóa Việt Nam của mỗi người luôn sống động dù đang ở cách Việt Nam nửa vòng Trái Đất”. Cậu bạn còn bật mí những món ăn yêu thích chính là bún riêu, thịt kho trứng và bánh mì đó!

Chân dung Gen Z: Đam mê múa lân, mở cửa tiệm riêng và rinh học bổng toàn phần từ Harvard ảnh 5

Anh Phú rất thích xếp lego. Ảnh: Vietnamnet

Không chỉ vậy, chàng trai sinh trong thập niên 2K giữ niềm yêu thích lớn đối với múa lân: “Múa lân giúp mọi người cảm thấy hào hứng với Tết. Nhìn tụi mình múa, lăn và nhảy khỏi sân khấu khiến mọi người nhớ đến Việt Nam. À, lâu lâu có mấy đứa nhỏ lại gần thử đụng vào con lân rồi sợ quá chạy mất nữa, trông mắc cười lắm”.

Gia đình Anh Phú đều rất coi trọng dịp Tết Việt Nam cổ truyền. Đối với cả gia đình cậu bạn, việc ăn Tết hằng năm có vai trò hết sức quan trọng vì đây không chỉ là dịp lễ đặc biệt để tổ chức các buổi biểu diễn, nhảy múa thú vị mà còn là một lời nhắc nhở thường xuyên về bản sắc quê hương và văn hóa Việt Nam.

Chân dung Gen Z: Đam mê múa lân, mở cửa tiệm riêng và rinh học bổng toàn phần từ Harvard ảnh 9
MỚI - NÓNG
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

Tween Tiểu học CLC Tràng An hào hứng tham gia Ngày hội Sách và STEM 2024

Tween Tiểu học CLC Tràng An hào hứng tham gia Ngày hội Sách và STEM 2024

HHT - Trong không khí tưng bừng hướng tới Ngày sách và Bản quyền thế giới lần thứ 29, Ngày sách Việt Nam lần thứ 11 và để các em học sinh có cơ hội trực tiếp tham gia trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, trường Tiểu học CLC Tràng An đã tổ chức Ngày hội Sách và STEM năm 2024 với chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo - Tự tin tỏa sáng”.