Chân dung đại diện của Seoul - Bình Nhưỡng tại cuộc hội đàm ngày 9/1

Ông Ri Son-gwon - đại diện phái đoàn Triều Tiên (phải) và ông Cho Myoung-gyon - đại diện phái đoàn Hàn Quốc (trái). Ảnh: Hankyoreh
Ông Ri Son-gwon - đại diện phái đoàn Triều Tiên (phải) và ông Cho Myoung-gyon - đại diện phái đoàn Hàn Quốc (trái). Ảnh: Hankyoreh
TPO - Hai người đại diện cho phái đoàn của Triều Tiên và Hàn Quốc đều được mô tả là những nhà đàm phán kì cựu. Đặc biệt, đại diện của phái đoàn Triều Tiên - ông Ri Son-gwon, được mô tả là người nóng tính.

Bình Nhưỡng hôm qua, 7/1, thông báo sẽ cử một phái đoàn gồm 5 thành viên đến làng Bàn Môn Điếm dự cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc vào ngày 9/1.

Phái đoàn Triều Tiên được dẫn đầu bởi ông Ri Son-gwon – Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình (CPRK), cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều của Bình Nhưỡng.

Tham gia phái đoàn còn có Jon Jong-su – Phó Chủ tịch CPRK và Won Kil-u – một quan chức cấp cao của Bộ Thể thao Triều Tiên.

Ri Son-gwon được biết đến như một nhà đàm phán kì cựu, có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán liên Triều. Ông từng xuất hiện 27 lần tại các cuộc họp liên Triều từ năm 2004. Kể từ đó, ông Ri thường được coi là người đại diện cho Bình Nhưỡng tại các cuộc đối thoại với Seoul.

Sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên từ năm 2011, ông Ri được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách bộ phận chính sách của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên. Ủy ban này bị giải thể sau đó, và được thay thế bằng Ủy ban Các vấn đề đối ngoại nhà nước, hiện do ông Kim Jong-un lãnh đạo.

Ông Ri cũng là thành viên của Ủy ban Ngoại giao Quốc hội - một cơ quan đối ngoại của Triều Tiên được mở lại hồi tháng 4/2017 sau 19 năm dừng hoạt động.

Ông Ri được coi là cánh tay phải của Kim Young-chol, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên kiêm Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc.

Kim Young-chol được cho là người đã chỉ đạo cuộc tấn công bằng ngư lôi nhằm vào tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng hồi năm 2010.

Giới truyền thông trước đây từng tiết lộ ông Ri là một người nóng nảy. Điều này được thể hiện tại các cuộc họp liên Triều. Trong 10 phút đầu tiên của cuộc họp giữa hai miền Triều Tiên diễn ra tháng 2/2011, ông Ri đã hét lớn: "Chúng tôi hoàn toàn không liên quan đến vụ tàu chiến Cheonan", trước khi đùng đùng rời khỏi phòng họp.

Trong các cuộc đối thoại quân sự hồi năm 2010, ông Ri cũng thẳng thắn bác bỏ sự liên quan của Triều Tiên trong vụ chìm tàu hộ tống Cheonan, đồng thời cáo buộc kết quả điều tra của Hàn Quốc là bịa đặt.

Trước đó, hôm 6/1, phía Seoul thông báo sẽ gửi một phái đoàn 5 người, dẫn đầu là Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon, đến dự cuộc hội đàm với Triều Tiên.

Ông Cho Myoung-gyon, 61 tuổi, là một nhà đàm phán kì cựu và có nhiều kinh nghiệm trong việc đối thoại liên Triều. Ông từng đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hồi năm 2007.

Phái đoàn của Hàn Quốc còn bao gồm hai Thứ trưởng đến từ Bộ Thống nhất và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch.

Tuần trước, hai miền Triều Tiên đã nhất trí sẽ tổ chức một cuộc hội đàm cấp cao chính thức vào ngày 9/1 tại làng Bàn Môn Điếm. Đây là cuộc đối thoại cấp cao liên Triều đầu tiên kể từ tháng 12/2015.

Theo Bộ trưởng Cho Myoung-gyon, nội dung chính trong cuộc đàm phán sắp tới sẽ là sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội Mùa đông Olympic PyeongChang.

Việc Triều Tiên tham gia Olympic PyeongChang, nếu trở thành hiện thực, sẽ được xem là một cử chỉ ôn hòa giúp giảm căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á.

Hàn Quốc và Mỹ cũng đã đồng ý hoãn các cuộc tập trận quân sự dự kiến diễn ra cùng lúc với thế vận hội để hạn chế sự khiêu khích từ Triều Tiên.

Theo Theo Yonhap, Korea Herald
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.