Chiều 11/10, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 3 gồm ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Lê Thanh Phong – Thẩm phán cao cấp, Chánh án Toà án nhân dân TPHCM, đã tiếp xúc cử tri các quận 8, 11, trước Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá XV.
Xem xét việc đổi giấy phép lái xe, xe chính chủ
Dẫn thông tin về việc cơ quan chức năng sẽ thay đổi giấy phép lái xe (GPLX) cho những trường hợp được cấp trước năm 2012 (theo tính toán có khoảng 22 triệu người phải đổi), cử tri Trương Hồng Sơn (phường 16, quận 8) cho rằng, việc làm này chưa phù hợp và nên cân nhắc: "Việc này gây tốn kém kinh tế của nhà nước, người dân và thời gian làm việc của đội ngũ thực thi nhiệm vụ. Do đó cần có lộ trình phù hợp, trong đó các ĐBQH cũng nên bàn bạc thêm cho phù hợp với điều kiện xã hội”, ông Sơn nêu ý kiến.
Cử tri Trương Hồng Sơn nêu ý kiến với tổ ĐBQH. Ảnh: Ngô Tùng |
Cử tri Sơn cũng đề nghị ngành Công an giải quyết tận gốc nạn chăn dắt ăn xin, truy quét các đối tượng đầu nậu. Đồng thời cũng có giải pháp đối với những người được thu gom. “Trẻ em thì có thể cho học nghề, người cao tuổi cũng nên đưa vào nơi nuôi dưỡng phù hợp…”, ông Sơn góp ý.
Ngoài ra, cử tri này cũng đề nghị TPHCM kiểm tra và đẩy nhanh tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng và dự án cảng sông Phú Định trên địa bàn quận 8 khi dự án này hiện dang dở và gây khó cho người dân trong việc sinh hoạt, đi lại.
Cử tri Huỳnh Văn Chiêu (phường 5, quận 8) cho rằng, chính sách định danh xe chính chủ hiện còn gây rắc rối lớn cho bà con nghèo, bởi phần lớn bà con ở quê vì "xe rẻ, mua về cứ xài hết người này đến người khác".
“Bây giờ bắt định danh xe ở đâu thì hết sức tội cho bà con, người dân gặp chuyện thường quyết định bỏ luôn chứ biết đâu mà lần ra”, ông nói.
Xử lý chăn dắt ăn xin chưa triệt để
Trao đổi ý kiến của cử tri Trương Hồng Sơn liên quan việc đổi GPLX, ông Trí cho biết sẽ chuyển tải kiến nghị của cử tri đến nghị trường Quốc hội. Về biển số định danh, ông Trí nói đây là những vấn đề có tính hai mặt mà chủ yếu do hậu quả của lịch sử để lại. Do đó ĐBQH sẽ phản ánh lại với Bộ Công an để Bộ cân nhắc việc đổi cấp lại GPLX, biển số định danh, xem xét những bức xúc, khó khăn của người dân và xem lộ trình thực hiện thuận lợi cho người dân.
“Khi đụng tới vấn đề này lại liên quan đến pháp lý. Giai đoạn đầu trước hết đúng là khó khăn cho người dân”, ông Trí nói.
ĐBQH Lê Minh Trí trao đổi với cử tri. |
Về vấn nạn chăn dắt ăn xin, ông Lê Minh Trí cho biết, cơ quan chức năng đã thấy nhưng làm chưa triệt để. Theo ông, giờ ra đường nhìn thấy những đứa trẻ được bồng bế xin ăn thì thương tình, nhưng đứa bé chỉ là công cụ, phương tiện còn đằng sau đó là một nhóm người sống bằng nghề này.
Về vấn đề này, ông Trí cho rằng trước mắt ở những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, chính quyền địa phương có kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo, và đặc biệt phải phối hợp các đoàn thể để vạch mặt, xử lý triệt để nhóm người chăn dắt ăn xin.
“Bà con không nói cũng phải làm, nhưng dân thấy hết rồi mà cơ quan chức năng không thấy, không làm thì là thiếu trách nhiệm với xã hội, với người dân. Đặc biệt, nếu còn nghề này, những trẻ con không biết gì cả mà cứ bị vác đi ngoài đường xin tiền là một điều bất nhẫn. Cho tiền thì tiếp tay, mà không cho thì thấy thương”, ông Trí bày tỏ và cho biết cũng sẽ kiến nghị để thực hiện an sinh tại TPHCM, Hà Nội và đề nghị đối với những địa phương khác có trường hợp tương tự.
ĐBQH Lê Minh Trí và ĐBQH Lê Thanh Phong gặp gỡ cử tri quận 8 sau buổi họp. Ảnh: Ngô Tùng |
Đối với dự án ngăn triều chống ngập, ông Trí cho biết TPHCM có hơn 10 cống ngăn triều, nếu làm hết thì “êm” nhưng làm đến cống thứ 9, thứ 10 rồi “treo” hoặc làm gần xong lại để như thế thì vẫn cứ ngập. Vấn đề này, theo ông cũng do tiền bỏ ra không đồng bộ. Bỏ ra 10 đồng thì ngăn được, nhưng chỉ bỏ 8 đồng thì kẹt. Đối với cảng Phú Định bỏ hoang nhiều năm, cây cối um tùm, ô nhiễm, tổ ĐBQH sẽ có văn bản gửi Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị, đồng thời chính quyền quận 8 phải tăng cường quản lý để đề nghị xem xét nhằm chống lãng phí, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Đối với vấn đề định danh điện tử, ông Trí cho biết, hiện nay Đề án 06 của Bộ Công an và Chính phủ cũng chỉ đạo quyết định làm quyết liệt định danh điện tử, ứng dụng công nghệ để giải quyết về thủ tục hành chính, giấy tờ vốn trước đây thực hiện bằng giấy tờ truyền thống.
“Qua đề án này, chúng ta sẽ tạo tiện ích cho việc quản lý và mang lại tiện ích cho người dân”, ông Trí nói, đồng thời cũng nhận định “vạn sự khởi đầu nan”, đòi hỏi có sự đồng bộ trong triển khai nội dung tích hợp cũng như phối hợp giữa các bộ ngành có liên quan.
Kỳ họp có nhiều “luật lõi”
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, kỳ họp Quốc hội sắp tới có nội dung, khối lượng công việc khá lớn, quan trọng, có nhiều luật “lõi” như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sẽ được thông qua. Đây là những luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân và kể cả những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo… “Kỳ họp có nhiều “luật lõi” sẽ được thông qua, khi đó đảm bảo giải quyết được những bức xúc, vướng mắc trong thực hiện, giúp phát triển kinh tế xã hội và giảm bớt những tranh chấp, khiếu kiện”, ông Trí thông tin đến cử tri.