Chấn chỉnh thị trường trái phiếu, BĐS: Bảo vệ quyền lợi người dân, doanh nghiệp

TP - Chiều 1/12, Văn phòng Chính phủ (VPCP) họp báo thông tin về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ và giải đáp nhiều vấn đề “nóng” được báo chí đặt ra. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng yêu cầu phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; chấn chỉnh những việc làm chưa đúng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp Chính phủ thống nhất nhận định, tháng 11 và 11 tháng của năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng.

Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. “Thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản...; chấn chỉnh những cái sai, những việc làm chưa đúng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào”, ông Sơn cho biết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời phóng viên tại buổi họp báo

Hạ giá nhà, dân sẽ bỏ tiền “giải cứu” chủ đầu tư

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về hoạt động của Tổ công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Tổ công tác đã họp và làm việc với TP. HCM, Hà Nội, một số doanh nghiệp lớn để lắng nghe khó khăn, vướng mắc. Qua đó nổi lên một số vướng mắc về thể chế, cơ chế liên quan đến đất đai; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính do nguồn vay tín dụng hạn chế, trái phiếu doanh nghiệp đến hạn phải trả, dẫn tới khó khăn trong thực thi các dự án… Tổ công tác đã làm việc, trao đổi trực tiếp với địa phương, doanh nghiệp để hướng dẫn thực thi thể chế và đề nghị đẩy nhanh phê duyệt dự án, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Hiện nay, Tổ công tác vẫn đang triển khai công việc. Thời gian tới sẽ làm việc tiếp với 5 thành phố trực thuộc trung ương, một số địa phương có dự án bất động sản lớn đang triển khai… để đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ”, ông Sinh cho biết.

“Bộ Tài chính đang khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét các vấn đề về pháp lý, các quy định liên quan, cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ xem xét giải quyết trong tháng 12. Chúng tôi tin rằng điều đó sẽ góp phần ổn định, sớm đưa doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư quay lại thị trường, để thị trường vận hành bình thường trở lại”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Bình luận thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, hai khó khăn lớn nhất là thủ tục liên quan tới đất đai để triển khai dự án và nguồn tín dụng. Giải pháp, theo ông Sơn cần rà soát phân khúc thị trường, trong đó tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp. “Một số chủ đầu tư cũng cần tìm cách hạ giá nhà xuống mức hợp lý hơn, thì người dân sẽ bỏ tiền ra mua, cũng là cách “giải cứu” các chủ đầu tư”, ông Sơn nói và tin rằng, với các giải pháp đồng bộ, tới đây thị trường sẽ ổn định.

“Chúng tôi xem xét khách quan xử lý giảm nhẹ với các trường hợp vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu, ký kết hợp đồng, hợp thức hóa hợp đồng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng các vi phạm này xảy ra trong trường hợp cấp bách, những hướng dẫn của cấp trên chưa kịp thời, chưa đầy đủ”.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an nói về xử lý vụ Việt Á

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư

Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Điển hình như khối lượng phát hành đến 25/11 có xu hướng giảm, mới đạt 331,8 nghìn tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ, đặc biệt đã giảm dần qua các quý trong năm 2022 này. Nguyên nhân theo ông, một số vụ việc vi phạm, từ doanh nghiệp phát hành, NHTM có vi phạm phải xem xét xử lý, ảnh hưởng đến niềm tin thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp tư vấn cũng như niềm tin của chính doanh nghiệp phát hành; rồi tin đồn không chính xác cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Một số doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, tín dụng, thị trường bất động sản khó khăn, doanh nghiệp

Phát hành trái phiếu cũng khó khăn, ảnh hưởng đến thị trường…

“Bộ Tài chính đang khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét các vấn đề về pháp lý, các quy định liên quan, cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ xem xét giải quyết trong tháng 12. Chúng tôi tin rằng điều đó sẽ góp phần ổn định, sớm đưa doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư quay lại thị trường, để thị trường vận hành bình thường trở lại”, ông Chi nói. Bộ Tài chính đã có văn bản gửi tới các doanh nghiệp, yêu cầu phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện đúng các cam kết với các nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn khi thanh toán gốc lãi trái phiếu, phải thỏa thuận với nhà đầu tư, phải chủ động việc đó như doanh nghiệp chủ động ra thị trường phát hành. “Nếu doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật, thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, ông Chi khẳng định.

Kê biên 1.700 tỉ đồng liên quan vụ Việt Á

Liên quan đến vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đến nay cơ quan điều tra của Bộ Công an đã khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 29 bị can, trong đó 2/3 trong số này là đảng viên. Cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, ngăn chặn tài khoản giao dịch, sổ tiết kiệm, kê biên tài sản và tạm giữ số tiền mà một số bị can tự nguyện nộp lại cho cơ quan điều tra là 1.700 tỉ đồng. Theo ông Xô, đây là vụ việc liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên nên Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương phân hóa xử lý tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Theo đó, xử lý kỷ luật nghiêm với các trường hợp có hành động can thiệp, tác động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong phòng chống dịch gây hậu quả rất nghiêm trọng; Có hành vi thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ mua sắm, đấu thầu vì mục đích vụ lợi,

vì động cơ cá nhân gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước; nhận tiền và lợi ích vật chất khác.

“Bên cạnh đó, cũng xem xét xử lý giảm nhẹ với các trường hợp vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu, ký kết hợp đồng, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng các vi phạm này xảy ra trong trường hợp cấp bách, những hướng dẫn của cấp trên chưa kịp thời, chưa đầy đủ”, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.

Ngoài ra, miễn kỷ luật nhưng yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc với những trường hợp vi phạm trong bối cảnh phòng chống dịch cấp bách, không vụ lợi, không có động cơ cá nhân, gây hậu quả ít nghiêm trọng. Chủ động, kịp thời báo cáo đầy đủ, trung thực, tự giác, nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục cơ bản, kịp thời hậu quả do sai phạm gây ra. Những đảng viên này không giữ chức vụ mà thực hiện chức trách, nhiệm vụ do cấp trên giao. Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh chủ trương này nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật nhưng đồng thời thể hiện tính nhân văn, khoan hồng, bản chất tốt đẹp của chế độ.