Chấn chỉnh dịch vụ xe đưa đón học sinh: Thấy con về nhà là mừng rồi!

Những chuyến xe đưa đón nhồi nhét học sinh tại TPHCM. Ảnh: Ngọc Hân
Những chuyến xe đưa đón nhồi nhét học sinh tại TPHCM. Ảnh: Ngọc Hân
TP - Vì nhiều lý do, một số phụ huynh không thể đưa đón con đến trường được phải nhờ đến dịch vụ vận chuyển của trường. Cầu cao cung ít, không ít trường dùng xe lam, xe hoán cải, xe hết hạn đăng kiểm vào dịch vụ này.

Hiện, hầu như các quận, huyện của TPHCM như Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Nhà Bè… đều có dịch vụ đưa đón học sinh đi học.

Trước cổng trường THCS Trường Chinh, THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) thường xuyên có những chiếc xe tải nhỏ xếp hàng chờ đưa đón học sinh. Trên xe có hai dãy ghế xếp dọc hai bên. Xe này được nói là có thể chở tối đa 12 em, nhưng xe nào cũng cố “nhồi nhét” khi nào không nổi nữa mới thôi. Toàn bộ cặp sách được đẩy hết lên nóc xe để tận dụng diện tích, trung bình từ 16-20 em (gần gấp đôi số lượng quy định - PV).

Do được cải tạo từ xe chở hàng thành xe chở người, những chiếc xe này hầu như không có các thiết bị bảo đảm an toàn cho người như dây an toàn, kể cả cửa xe. Tài xế chăng một sợi dây thừng sau xe, hoặc phụ xe sẽ đu bám cuối xe để học sinh khỏi… rớt.

Theo tìm hiểu, với các trường công lập, xe đưa đón học sinh đi học chủ yếu là các xe đời cũ, xe lam… Thậm chí có xe còn không có tem đăng kiểm, hoặc hết hạn từ lâu cũng tham gia dịch vụ đưa đón học sinh. Học sinh không được đưa đón tận nhà mà chỉ là một điểm nào đó thuận tiện cho lái xe. Do đó, chi phí cũng rất thấp.

Ông Bảy (60 tuổi) có thâm niên 5 năm chạy xe tải nhỏ đưa đón học sinh ở huyện Bình Chánh cho biết, ông chủ yếu thực hiện theo hợp đồng với các trường. Ông bảo, do giá vận chuyển rẻ, khoảng 500.000-700.000 đồng/học sinh/tháng tùy theo quãng đường nên mức đầu tư xe chỉ có thể như thế. “Tuy không an toàn bằng những loại xe khác nhưng phụ huynh và nhà trường đồng ý nên mình làm thôi” - ông Bảy nói.

Mặc dù vẫn nơm nớp lo khi cho con ngồi trên những chiếc xe này, chị Lê Thị Hạnh (45 tuổi, công nhân, ngụ Q.12) thừa nhận, do điều kiện kinh tế nên vẫn phải “nhắm mắt” chấp nhận. “Bây giờ mình còn biết làm cách nào khác. Nó cũng tiện lợi, giá cả vừa phải. Tôi vẫn dặn con lên xe không được đùa giỡn, chỉ mong mỗi ngày thấy con đi học về an toàn là mừng rồi” - chị Hạnh bảo.

Ngược lại, ở các trường “con nhà giàu”, việc đưa đón được thể hiện ở một đẳng cấp rất khác. Xe phải xịn, đời mới. Và tất nhiên, giá cả cũng không hề rẻ. Chẳng hạn như trường Quốc tế Nam Sài Gòn, bảng giá đưa đón học sinh được tính theo km, cao nhất gần 85 triệu đồng/năm dành cho khoảng cách từ 25-35km và thấp nhất là gần 24 triệu đồng/năm, khoảng cách dưới 3km. Trường Quốc tế Canada có mức phí đưa đón dao động từ 20- 32 triệu đồng/năm học tùy vào khoảng cách. Trường Quốc tế Mỹ, mức phí đưa đón dao động từ 26-40 triệu đồng/năm…

Từ đầu từ năm học 2000-2001, TPHCM triển khai thí điểm mô hình đưa đón học sinh bằng xe buýt, đồng thời áp dụng chính sách trợ giá 50% phí dịch vụ đối với 14 trường học nằm trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ các quận, huyện, hiện số lượng học sinh sử dụng dịch vụ xe đưa đón ở các quận nội thành đang có chiều hướng giảm. Thay vào đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ này ở 5 huyện ngoại thành (Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè) ổn định hơn do có chính sách trợ giá của thành phố. Lý giải điều này, hiệu trưởng một trường THCS ở Q. Bình Tân bày tỏ, so với các trường quốc tế, phí dịch vụ xe đưa đón ở trường công chỉ bằng một nửa, có nơi chưa đến 1/3. Đó vừa là ưu điểm, song cũng là nguyên nhân gây nên một số hạn chế như đội ngũ phục vụ thường xuyên biến động, chất lượng xe không đồng đều giữa các tuyến.

MỚI - NÓNG