Chặn biến tướng, thay đổi thói quen đốt vàng mã

Việc đốt vàng mã tràn lan vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Việc đốt vàng mã tràn lan vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Việc đốt vàng mã tràn lan vừa lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí còn gây hỏa hoạn, tai nạn không mong muốn khác. Chính vì thế, ngăn chặn đốt vàng mã một cách thái quá là cần thiết”, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ với PV Tiền Phong.

Thay đổi dần thói quen

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong những ngày qua là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?

Như chúng ta biết, việc đốt vàng mã diễn ra nhiều ở các cơ sở thờ tự, chùa chiền. Bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nơi quản lý hệ thống nhà chùa về mặt tôn giáo, lại có đề nghị không đốt vàng mã ở nơi thờ tự, nên nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nhiều nhà sư cũng cho biết trong giáo lý Phật giáo không có quan niệm đốt vàng mã. Việc đốt vàng mã của chúng ta liên quan đến nét văn hóa tín ngưỡng du nhập.

Chặn biến tướng, thay đổi thói quen đốt vàng mã ảnh 1 Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng.

Thực tế một số đền, miếu còn dựng đồ mã như xe máy, ngựa kích thước như thật để đốt… Việc đốt vàng mã tràn lan như vậy vừa lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí còn gây hỏa hoạn, rồi những tai nạn không mong muốn khác xảy ra.

Chính vì thế, ngăn chặn việc đốt vàng mã một cách thái quá là cần thiết. Tuy nhiên, đây là một nét văn hóa tín ngưỡng, đã trở thành thói quen của người dân lâu nay rồi. Do vậy, cần làm thế nào để ngăn chặn đốt vàng mã tràn lan, biến tướng, đồng thời thay đổi dần thói quen của người dân và cũng tạo điều kiện để người dân thể hiện thói quen tín ngưỡng một cách có văn hóa. Đây là điều cần phải xem xét, tính toán.

Để làm được việc này, chắc hẳn cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương?

Chắc chắn cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Nhưng nếu có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, chúng ta cũng nên nhìn nhận đó chỉ là những cuộc vận động thôi. Bởi chúng ta không thể cấm người dân, vì đây là một nét văn hóa tâm linh đã trở thành thói quen. Pháp luật không có quy định cấm, chúng ta không thể thực hiện mệnh lệnh hành chính để cấm thói quen tín ngưỡng như vậy.

Nếu có thì có thể đưa ra một chủ trương nhất quán từ Giáo hội Phật giáo, quản lý phần lớn hệ thống chùa chiền, nơi thờ tự, rồi có sự vận động của chính quyền địa phương và sự nhắc nhở một cách thường xuyên, tuyên truyền về ý nghĩa, nét văn hóa của việc đốt vàng mã.

Có ý kiến cho rằng, cần mạnh dạn cấm cơ sở sản xuất vàng mã, hoặc đánh thuế cao hơn để hạn chế sản xuất cũng như tiêu thụ, quan điểm của ông ra sao?

Theo tôi, cấm thì không nên vì việc này pháp luật không cấm. Đó là một loại hình sản xuất kinh doanh mà người dân đăng ký thì họ có quyền sản xuất. Mặt khác, hành vi đốt vàng mã pháp luật cũng không cấm.

Tuy nhiên, khi cơ quan quản lý thấy có tác hại, biến tướng thì có thể áp dụng những công cụ về mặt hành chính, ví dụ như tăng thuế, áp thuế ở mức cao để hạn chế sản xuất và tiêu thụ vàng mã. Đó có thể là một giải pháp hành chính cần thiết song song với việc tuyên truyền, vận động.

Giống như vàng mã, nhiều người cho rằng thói quen đốt hương cũng cần hạn chế tối đa tại các chùa cũng như những nơi thờ tự?

Nói chung cái gì quá cũng đều không tốt; cái gì lạm dụng đều không tốt. Thực tế hiện nay ở nhiều chùa, nơi thờ tự cũng khuyến khích chỉ thắp một nén hương, ở một bát hương ngoài trời thôi. Đây là hoạt động mang tính văn hóa tâm linh. Cho nên, từ cơ quan quản lý, chùa chiền, đến du khách đều cần thể hiện nét văn hóa khi tham gia những hoạt động này. Do vậy, cũng phải tuyên truyền, vận động để người dân có hành vi phù hợp khi tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh.

Nên định hướng để dân tự điều chỉnh

Trong dịp lễ hội xuân năm nay, nhiều nơi đã có những thay đổi trong tổ chức thực hiện. Chẳng hạn như Hội Gióng đã bỏ tục “cướp lộc” thay vào đó là phát lộc, hay tục chém lợn vừa qua cũng được dân làng Ném Thượng thực hiện kín đáo hơn. Phải chăng đây là một sự thay đổi cần thiết, thưa ông?

Tất cả những lễ hội đều gắn với cộng đồng và được xuất phát từ truyền thống văn hóa lịch sử. Ví dụ như lễ hội chém lợn không phải ngẫu nhiên, mà liên quan đến một vị tướng, vì thiếu lương thực, lợn rừng lại nhiều nên đã chém lợn để nuôi quân.

Tuy nhiên, trong truyền thống thì lễ hội chỉ gắn với một cộng đồng dân cư nhất định, trong một phạm vi nhỏ và có ý nghĩa riêng của nó. Rồi khi xã hội phát triển, giao thương thuận lợi, thông tin tuyên truyền nhiều, lại liên quan đến du lịch, du xuân của người dân…, vì thế, các lễ hội, nhất là những lễ hội có truyền thống lâu đời, có tiếng tăm thì càng ngày càng có nhiều người tham dự. Đây là lý do khiến những hành động đó mà mang ra làm ở một nơi đông người thì sẽ trở thành phản cảm.

Qua ví dụ đó để thấy, tất cả những hoạt động trong một lễ hội đều có ý nghĩa riêng, gắn với cộng đồng dân cư nơi đó. Bởi thế, chúng ta cũng không nên có những quyết định hành chính để thay đổi việc này. Còn khi thấy đến thời điểm nào đó nó không còn phù hợp, gây phản cảm thì chính quyền nơi đó có tiếng nói và có sự định hướng để người dân thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Xã hội phát triển, các lễ hội cũng phải biến chuyển cho phù hợp. Tuy nhiên, lễ hội mang tính truyền thống, cho nên phải giữ được nét văn hóa bản sắc riêng. Đây là hai yêu cầu hiện nay phải quan tâm, vừa làm sao bảo tồn những văn hóa lễ hội truyền thống, nhưng vừa để thích nghi, phù hợp với điều kiện hiện tại.

Để đáp ứng được hai yêu cầu đó, không nên dùng mệnh lệnh hành chính mà nên có định hướng của cơ quan quản lý, của chính quyền để người dân tự điều chỉnh thì sẽ tốt hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, đến thời điểm này, hoạt động lễ hội ở nhiều nơi đã được diễn ra bài bản hơn, văn minh hơn. Ông đánh giá gì về công tác tổ chức ở một số lễ hội vừa qua?

Tôi cũng không có điều kiện đi nhiều. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phải nói là cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm tăng cường quản lý tổ chức lễ hội, làm sao cho diễn ra an toàn, văn minh, đảm bảo bản sắc văn hóa. Đó cũng là định hướng tốt của cơ quan quản lý trong những năm qua.

Qua việc khai mạc một số lễ hội đầu xuân Mậu Tuất vừa qua, cá nhân tôi thấy các lễ hội được tổ chức khá bài bản, đảm bảo an toàn, văn minh, trật tự. Đó là một hướng đi tốt và các lễ hội tới đây cũng cần phải được thực hiện theo hướng an toàn, văn minh và văn hóa; vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa nhưng phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay.

Cảm ơn ông!

“Cần làm thế nào để ngăn chặn đốt vàng mã tràn lan, biến tướng, đồng thời thay đổi dần thói quen của người dân, và cũng tạo điều kiện để người dân thể hiện thói quen tín ngưỡng một cách có văn hóa. Đây là điều cần xem xét, tính toán”.

                Ông  Phạm Tất Thắng

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.