Chán ăn - chớ chủ quan

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Không có cảm giác thèm ăn, ăn không ngon miệng, ngay cả với những món trước đó mình rất thích - đó là những biểu hiện đầu tiên của bệnh chán ăn.

Chán ăn - vòng tròn luẩn quẩn

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chán ăn, tuy nhiên, theo Bác sĩ Đặng Phương Liên, chuyên khoa Nội, Bộ Y tế, phần lớn những người chán ăn là tâm lý. Những người này luôn trong tình trạng sợ béo, thành ra sợ thức ăn đến nỗi không ăn được, thậm chí nuốt vào còn nôn ra. Tại Mỹ, Cứ khoảng 100 đến 200 bé gái thì có một trường hợp mắc phải chứng chán ăn tâm lý. Đây được xem là một chứng rối loạn ăn uống và khắc phục rất khó.

Bên cạnh nguyên nhân này, chán ăn còn gây ra bởi stress. Bởi lẽ, những áp lực trong cuộc sống hiện tại, công việc, học hành, thi cử... có thể khiến bạn rơi vào tình trạng mất ngủ, tinh thần bất ổn, cơ thể mệt mỏi nên ăn không ngon, thậm chí không buồn ngó đến thức ăn.

Bên cạnh đó, chán ăn đôi khi còn do bạn đã áp dụng một chế độ ăn uống không hợp lý, chẳng hạn ăn vặt quá nhiều nên đến bữa chính bạn không còn cảm giác thèm ăn. Một số người mắc các bệnh về răng miệng, họng, gan… cũng có thể gặp phải tình trạng này. Thậm chí, có những người chán ăn do tác dụng phụ của một số loại thuốc khiến vị giác bị mất, ăn không có cảm giác ngon.

Vẫn theo bác sĩ Liên, bản chất của chán ăn là một vòng tròn luẩn quẩn. Bởi vì, chán ăn sẽ khiến bạn thiếu hụt protein, lysin, kẽm, magie…, mà khi thiếu hụt các dưỡng chất này, bạn sẽ càng chán ăn hơn.

Cần duy trì lối sống lành mạnh

Chán ăn, tất nhiên không thể “sát hại” bạn ngay lập tức, thế nhưng, nó sẽ khiến cơ thể của bạn bị chết mòn. Không chỉ khiến cơ thể suy nhược, tình trạng chán ăn kéo dài còn khiến bạn trở nên trầm uất, u sầu và dễ bất mãn với mọi thứ xung quanh.

Theo thống kê, trên thế giới, có khoảng 30% số người mắc chứng chán ăn sẽ mắc bệnh này mãn tính và 10% chết vì căn bệnh này. Chính bởi vậy, theo bác sĩ Liên, chúng ta cần duy trì lối sống lành mạnh nếu không muốn đối mặt với những rối loạn trên.

Theo đó, bạn cần tạo thói quen ăn uống lành mạnh, ăn đúng giờ, đủ lượng, không bỏ bữa (đặc biệt là bữa sáng), không ăn vặt. Để kích thích cảm giác thèm ăn, thực đơn hàng ngày phải phong phú, món ăn cần được bài trí bắt mắt.

Với những người tiêu hóa kém hoặc đang mắc các chứng bệnh liên quan đến họng, răng, miệng, các bữa ăn nên chia nhỏ thành nhiều bữa, khi ăn cần nhai kỹ để tránh đầy bụng, khó tiêu. Khi bắt đầu thấy chán ăn, bạn cần bổ sung ngay các loại vitamin và dưỡng chất để cải thiện vị giác.

Ngoài ra, để có thể tìm thấy cảm giác đói bụng, bạn nên chơi một môn thể thao nào đó hoặc luyện tập thể dục hàng ngày vì những việc này sẽ giúp tiêu hao năng lượng, thúc đẩy nhu cầu nạp năng lượng bổ sung của cơ thể

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG