Sáng 21/10, trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, mặc dù đã có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường nhưng đến nay vẫn còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt.
Điều đáng nói, khi để xảy ra các sự cố trên thì các cơ quan, đơn vị lại chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri, Nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh gây nguy hại đến sức khỏe Nhân dân.
Sự cố nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn gây bức xúc cử tri và Nhân dân Hà Nội
Trong khi đó, việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng. “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để Nhân dân chủ động phòng tránh”, ông Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, trước hết là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể và kiên quyết di dời các cơ sở trong nội thành tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng để phục vụ đời sống của người dân, giảm tải giao thông và bảo vệ môi trường.