Chăm sóc bệnh nhân bằng cái tâm của người điều dưỡng

Điều dưỡng là nghề đòi hỏi sự ân cần, khéo léo và cả bao dung
Điều dưỡng là nghề đòi hỏi sự ân cần, khéo léo và cả bao dung
Trong suy nghĩ chung của nhiều người, bác sỹ, y tá là nghề hái ra tiền nhưng mấy ai biết rằng có những hy sinh thầm lặng theo họ suốt cả cuộc đời khi mang trên mình màu áo blouse và sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cũng ngày một nâng cao, cũng từ đó mà những đòi hỏi đối với đội ngũ bác sỹ, y tá càng trở nên khắt khe hơn bao giờ hết. Người ta vẫn thường ví nghề điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà điều dưỡng tiếp xúc hàng ngày chính là người bệnh.

Mà người bệnh thì mỗi người mỗi tính, chưa kể tới sự ảnh hưởng của tâm lí khi mang trong mình những bệnh tật không ai mong muốn. Bởi vậy, để gần gũi và thấu hiểu được tâm lí của người bệnh, biết được người bệnh muốn gì là việc làm không hề dễ dàng. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, điều dưỡng sẽ không thể gắn bó với nghề.

Sự chăm sóc đến từ cái tâm nghề nghiệp

Hơn 40 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – trưởng phòng điều dưỡng BVUB Hưng Việt đã tiếp xúc với không biết bao nhiêu trường hợp bệnh nhân, chăm sóc không biết bao nhiêu người. Cho đến giờ, khi đã nghỉ hưu cô vẫn tâm huyết và gắn bó với cái nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nghề điều dưỡng với nhiều kỉ niệm vui, buồn, tốt, xấu… và cả những câu chuyện ý nghĩa với người bệnh không chỉ là những kí ức còn mãi với cô mà đó còn trở thành những bài học giá trị cốt lõi về y đức mà cô luôn hướng học trò của mình vươn tới. Với cô, đã làm công việc dính dáng tới nghề y là phải không ngừng học tập và rèn luyện cả về y đức và trình độ chuyên môn. 

Bởi nghề y là một nghề đặc biệt, đào tạo lâu dài, đòi hỏi trách nhiệm cao, tình yêu thương và sự cảm thông thực sự đối với người bệnh, coi người bệnh như chính người thân, ruột thịt của mình để đem đến cho họ sự chăm sóc từ chính cái tâm của người điều dưỡng.

Bản thân cô Ngọc luôn lấy sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Cô chia sẻ: “Việc chăm sóc và tận tình với bệnh nhân xuất phát từ cái tâm của người điều dưỡng. Trao gửi những thông điệp chăm sóc tận tình, chu đáo, coi người bệnh như người nhà, ruột thịt của mình nhờ đó chúng tôi chiếm được cảm tình và niềm tin yêu của người bệnh”.

Chăm sóc bệnh nhân bằng cái tâm của người điều dưỡng ảnh 1  Với cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – sự chăm sóc tốt nhất luôn đến từ cái tâm chân thành của người điều dưỡng

Biết thấu hiểu và sẻ chia với người bệnh

Người điều dưỡng không chỉ là người góp công, góp sức vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người bệnh bằng những biện pháp chuyên môn mà họ còn là người thân, người nhà, người bạn tâm tình của bệnh nhân.

Ngoài những công việc chuyên môn thường ngày như: theo dõi sinh hiệu, thực hiện thuốc cho bệnh nhân, nhận định tình trạng bệnh (để biết cách chăm sóc về dinh dưỡng, vệ sinh, nâng cao thể trạng cho từng bệnh nhân), ghi chú hồ sơ bệnh án… những người điều dưỡng tại BVUB Hưng Việt luôn biết cách dành thời gian để thăm hỏi, động viên người bệnh của mình. 

Họ yêu thương người bệnh như chính người thân của mình.Họ tận tâm chăm sóc, đối đãi thân tình, cởi mở với người bệnh.Họ chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, giúp đỡ, động viên người bệnh yên tâm điều trị để sớm phục hồi sức khỏe.

Chăm sóc bệnh nhân bằng cái tâm của người điều dưỡng ảnh 2

Là điều dưỡng trẻ nhưng Bồ Thị Ninh Châm luôn cố gắng xóa nhòa khoảng cách để đem đến sự chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.

Người ta nói, điều dưỡng là nghề làm dâu trăm họ quả thật đúng như vậy. Làm nghề điều dưỡng ngoài tình yêu nghề, có lương tâm nghề nghiệp, còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân.Nhờ sự lắng nghe, thấu hiểu và ân cần của mình mà họ đã ghi được dấu ấn đậm nét trong lòng người bệnh, để lại những kỉ niệm đáng nhớ trong lòng bệnh nhân và người nhà.

Với thâm niên hơn 3 năm công tác tại phòng điều dưỡng – BVUB Hưng Việt, tiếp xúc và chăm sóc nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau và có nhiều câu chuyện vui buồn với người bệnh, chị Bồ Thị Ninh Châm chia sẻ: “Mặc dù nằm viện chỉ một vài ngày thôi nhưng khi ra về thì bệnh nhân lại rất gần gũi, thân mật với chúng tôi và nói với chúng tôi rằng là chúng tôi như là những người con, người cháu của bệnh nhân, hàng ngày chăm sóc cho bệnh nhân, họ mong gặp lại chúng tôi ở bên ngoài để nói lời cảm ơn vì đã giúp họ”.

MỚI - NÓNG