Chậm mà chắc

Chậm mà chắc
TP - Ở dòng nhạc dân gian, Đăng Thuật là cái tên được ưa chuộng, thế nhưng anh dường như quá cầu toàn, nên mãi tới giờ mới ra mắt CD đầu tay.
Chậm mà chắc ảnh 1

Sau khi về nhì trong cuộc thi Sao Mai 2007 ở dòng dân gian, anh trúng tuyển vào Nhà hát Đài Tiếng nói VN. Không tham, cũng không quá thoáng. Thuật cứ chầm chậm tiến bước trong làng nhạc, rất chắc chắn, với nụ cười rộng mở thường trực. Ca sỹ lò nhạc viện ra, cả nam lẫn nữ đều cẩn trọng giữ giọng, giữ da, giữ dáng. Thuật thì gặp bạn bè, họp đồng hương, là uống bia thoải mái. Ai mời thuốc cũng hút, tối về lại hùng hục ngậm chanh. Hồi mới mua ô tô, va cột quệt tường thường xuyên, anh cười: “Phải đi mới đỡ sợ chứ ông”.

Một chút thiếu may mắn trong cuộc thi Sao Mai 2007 khiến anh chỉ về nhì, tưởng Thuật và Thành Lê (giải nhất) sẽ so tài cao thấp trên mặt báo. Nhưng không, trước và sau cuộc thi, họ là bạn thân. “Trước khi mần cái chi, hai đứa cũng tham khảo nhau anh à” - Thành Lê cho biết.

Trong nghệ thuật, Thuật lại quá chặt chẽ. Lứa Sao Mai năm ấy đã ra album xoành xoạch. Lứa sau này, Bùi Lê Mận, Bích Hồng cũng thế. Riêng Thuật cứ ung dung vì lo “làm không tới”.

CD “Bến xưa” gồm 9 ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền: Bến sông xưa, Đàn tranh ma (Tuấn Phương), Câu hát quê hương (Hồ Hữu Thới), Khúc tình Huế, Bến xưa (Lê An Tuyên), Ca dao sông quê (Ngọc Thịnh), Mấy nhịp cầu tre (Hoàng Thi Thơ), Chiếc áo bà ba (Trần Thiện Thanh), Nơi ấy quê mình (Mạnh Chiến). Album do Cty nghe nhìn Thăng Long phát hành.

Album đầu tay “Bến xưa”, đầu tư chỉ hơn 100 triệu đồng (nửa còn lại do Cty nghe nhìn Thăng Long đảm nhận), 9 ca khúc, nhưng thời gian anh dành cho nó là 2 năm. Đang thu dở, nhận thấy mình hát chưa tới, Thuật bỏ luôn, chọn ca khúc khác. Khoảng chục bài bị anh loại giữa chừng như vậy. Có những bài ngốn cả tháng, bỏ hết bản thu này đến bản thu khác.

Thuật cũng kỹ tính khi chạy sô. Khi nhận được lời mời từ ông bầu, Thuật hỏi tường tận mục đích chương trình, âm thanh thế nào. “Tôi tuyệt đối không bao giờ đi hát tiệc. Đó là không gian không dành cho âm nhạc. Đã có lợi thế, đã có tên, thì không nên làm bẩn nó. Ghi danh vào đời sống âm nhạc rất khó”- Thuật nói. Hồi trước, vợ anh (đồng hương Nghi Xuân - Hà Tĩnh, và cũng tốt nghiệp khoa thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia VN) có đi hát tiệc. Được vài cuộc, anh thuyết phục vợ dừng lại, dự tính sẽ để cô đi dạy ở một trường nghệ thuật nào đó.

Đăng Thuật cho biết sẽ không thử nghiệm với các dòng nhạc khác, nhưng từ nay sẽ đều đặn mỗi năm sản xuất một CD.

Thuật đang cùng Thành Lê, Bùi Lê Mận làm đĩa nhạc về Hà Tĩnh, trả ơn quê hương. “Sẽ là một DVD có chất lượng. Hát về quê hương mà, không đùa được”. Hình như những ca sỹ bước ra từ nhạc viện đều có ý thức với gia đình và quê hương. 8 năm học Nhạc viện, họ đã thấy bố mẹ hy sinh nhiều như thế nào cho tương lai mình. Nay làm ra tiền, họ đền đáp gia đình trước tiên. Thành Lê về quê xây lại nhà cho bố mẹ, lo việc cho em. Thuật cũng giúp gia đình hai bên, xây sửa nhà, lo chữa chạy cho anh trai đang bệnh nặng. Mỗi lần về quê hát, họ chỉ nhận vé máy bay, còn cát- sê chỉ nhận ở mức tượng trưng.

Nghi Xuân - Hà Tĩnh, mảnh đất của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, bây giờ hình như lại phát về nghiệp xướng ca. Đăng Thuật, Bùi Lê Mận, Lâm Chấn Huy, Trương Đại Hải đều thành danh trong Nam ngoài Bắc.

Thuật cho biết, dù học văn không giỏi nhưng ít nhiều anh đã ngấm những câu Kiều, những làn điệu ví dặm, ví phường vải từ bà từ mẹ, những người đánh cá trên sông Lam và các nghệ nhân ca trù Cổ Đạm. Chất dân gian của anh nhờ vậy đã được nuôi dưỡng.

Vợ chồng Thuật về quê liên tục, rảnh là anh tự lái xe 300 cây số như không. Mỗi lần về, anh lại đến nghe ca trù ở câu lạc bộ ca trù Nghi Xuân hoặc sang Vinh mua đĩa dân ca Nghệ Tĩnh của Tiến Dũng - Lệ Thanh. “Tôi không để mất chất dân gian được” - Thuật nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG