Chấm dứt việc cho người ngoài 'đi nhờ' chuyên cơ

TP - Nhiều vấn đề nóng liên quan đến nhân sự, miễn nhiệm đại biểu Quốc hội, vụ 9 người đi nhờ chuyên cơ rồi bỏ trốn tại Hàn Quốc được báo chí đặt ra cho Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tổng Thư ký Quốc hội trả lời báo chí tại buổi họp báo trước kỳ họp. Ảnh: Như Ý

Chiều 18/10, Văn phòng Quốc hội họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Tại buổi họp báo, phóng viên đặt vấn đề liên quan tới lý do Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhiệm kỳ chưa được kết thúc và nhân sự thay thế đối với bà Tiến ra sao.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, do đã đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Kim Tiến chuyển sang làm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Đây cũng là một công việc rất quan trọng.

Liên quan tới nhân sự thay thế bà Tiến, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc ai thay Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thuộc thẩm quyền, dựa trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn. Vừa rồi Bộ Chính trị đã quyết định phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế.

Hết “đi nhờ” chuyên cơ

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới trường hợp 9 người Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc khi đi cùng chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải: Cuối năm 2018, Bộ KH&ĐT phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn đầu tư thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, nhân dịp Chủ tịch Quốc hội sang thăm chính thức Hàn Quốc và mời Chủ tịch Quốc hội đến dự, phát biểu ý kiến.

Lúc đó, Bộ KH&ĐT xin cho đoàn của họ đi nhờ chuyên cơ. Bộ KH&ĐT đã lập danh sách và gửi cho Bộ Công an để thẩm tra nhân thân từng người, sau đó lập danh sách, rồi đề nghị Văn phòng Quốc hội cho “đi nhờ” chuyên cơ. “Những trường hợp này, tôi hay nói là đi nhờ. Bởi đoàn những người này không phải đi cùng đoàn của Chủ tịch Quốc hội, mà đi theo Diễn đàn Kinh tế thương mại. Đi cùng phải cùng đoàn, tôi dùng từ đi nhờ chuyên cơ, mà đây không phải lần đầu tiên, các đoàn trước nay đều như thế cả”, ông Nguyễn Hạnh Phúc lý giải.

“Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp xúc, đi ra nước ngoài để tiếp cận thị trường, tiếp cận với doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội làm ăn, tìm cơ hội hợp tác. Nhưng việc đi sang như thế này rồi trốn ở lại là không tốt chút nào cả. Dứt khoát lần sau không cho đi nhờ như vậy nữa. Đây có lẽ là biện pháp tối ưu”, ông Phúc nói.

Bao giờ cử tri được quyền miễn nhiệm?

Phóng viên nêu vấn đề, vừa qua nhiều đại biểu Quốc hội sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật Đảng, bị cách chức về mặt Nhà nước và chính quyền, nhưng tất cả những trường hợp này đều “được cho thôi” nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Việc này không thuyết phục được cử tri vì hình thức cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội không tương xứng với hình thức kỷ luật Đảng và chính quyền. Vậy bao giờ thì cử tri được quyền miễn nhiệm đại biểu Quốc hội khi không còn xứng đáng?

Lý giải việc này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có hai lý do khiến đại biểu bị miễn nhiệm, một là bị kỷ luật Đảng, hai là do sức khoẻ. Trong luật quy định, đại biểu có đơn xin thôi làm nhiệm vụ với lý do sức khỏe thì Quốc hội hoặc Ủy ban Thường trực Quốc hội chấp thuận cho thôi.

Mới đây nhất là trường hợp ông Hồ Văn Năm, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật về Đảng. Trước khi làm đại biểu Quốc hội, ông Năm giữ cương vị Viện trưởng Viện KSND Đồng Nai. Đến khi bị phát hiện, ông này mới bị xử lý kỷ luật về Đảng. “Trong quá trình đó, chắc do suy nghĩ nhiều, sức khỏe suy yếu nên ông Năm làm đơn nghỉ làm đại biểu Quốc hội. Sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đơn xin nghỉ của ông Năm”, ông Phúc nói.

Còn việc thực hiện quyền bãi miễn của cử tri, ông Phúc cho biết, trong Hiến pháp và luật có nhưng chưa có hướng dẫn quy trình này. Với 3 trường hợp đại biểu gồm Võ Kim Cự, Phan Thị Mỹ Thanh, Hồ Văn Năm bị kỷ luật nhưng được cho thôi nhiệm vụ đại biểu, ông Phúc nói, trong suốt quá trình đó, các đại biểu cũng đã nhận thức, suy nghĩ rất nhiều nên có đơn xin thôi. “Đương nhiên xin thôi thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi, đó là lẽ thường tình, thực hiện theo đúng quy định luật pháp cho phép”, ông Phúc lý giải.

Chính phủ báo cáo tình hình biển Đông
Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về phản ứng của Quốc hội Việt Nam ra sao trước vấn đề Biển Đông. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tại chương trình kỳ họp, Chính phủ sẽ báo cáo về công tác đối ngoại, trong đó bao gồm cả cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung cũng như vấn đề Biển Đông và một số vấn đề khác.