Châm cứu hết sạch sỏi mật!

Châm cứu hết sạch sỏi mật!
TPO - Chỉ cần châm cứu và uống thuốc cũng có thể đánh tan sỏi mật mà không cần phẫu thuật.

Vài năm trước, đã tận mắt chứng kiến kỳ tích áp dụng kỹ thuật châm cứu (trường phái Thần châm) kết hợp uống thuốc Nam y theo trường phái Kỳ môn y pháp, dược sỹ-lương y Đào Kim Long đã giúp cháu họ tôi không phải lên bàn mổ vì nghi sỏi niệu quản, song tôi vẫn bán tín bán nghi – khi ông hồn nhiên khẳng định, sẽ đánh tan sỏi mật cho con gái tôi cũng theo thủ pháp này.

Trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) con gái tôi được bác sĩ chẩn đoán “sỏi ở đáy túi mật kích thước nhỏ ( 7mm), lắng đọng cholesterol thành túi mật” (kết quả siêu âm). Trước đó đã vài năm, thỉnh thoảng con tôi vẫn bị những cơn đau dữ dội vùng hạ sườn xuyên lên vùng vai bên phải xuất hiện bất chợt trong thời gian vài ngày rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu kèm triệu chứng ợ hơi, buồn nôn…Cơn đau thắt lắm khi âm ỉ kéo dài hàng giờ, có lần đang giờ làm việc giữa đêm đồng nghiệp lo lắng và sốt ruột đã phải cấp tốc gọi taxi đưa đến phòng khám tư nhân. Bác sĩ nghi đau dạ dày, song vì cơ sở không có phương tiện kỹ thuật chiếu chụp và làm xét nghiệm, nên tạm chỉ định uống thuốc giảm đau và men tiêu hóa (Smeta).

Nhìn hình ảnh siêu âm của Bệnh viện có uy tín, ông Long giảng giải, vì kết quả xét nghiệm không mô tả độ mỏng-dầy thành túi mật, thiếu thông tin về mầu sắc, nên không thể khẳng định, sỏi mật của cháu thuộc dạng sỏi bùn hay hạt cứng. Tuy nhiên tất cả đều không quan trọng. Vì sỏi loại gì, dạng nào (trừ trường hợp kích cỡ quá to bắt buộc Tây y phải can thiệp bằng phẫu thuật) sỏi kích cỡ nhỏ đều có thể giải quyết bằng châm cứu kết hợp uống thuốc Nam y.

Y sĩ Nguyễn Danh Phương thực hành châm cứu. - Ảnh: Nguyễn Trung
Y sĩ Nguyễn Danh Phương thực hành châm cứu. - Ảnh: Nguyễn Trung.

Sỏi mật là sản phẩm của dịch mật, hậu quả của tình trạng rối loạn chức năng gan – vị lương y đã có hơn bốn mươi năm kinh nghiệm chữa bệnh cứu người chậm rãi nói tiếp – dịch mật thực hiện chủ yếu hai nhiệm vụ: phân giải chất béo và protein trong hệ tiêu hoá; gan là cơ quan lớn nhất và bí hiểm nhất của động vật có vú. Người Hy lạp cổ coi gan là nơi trú ngụ của linh hồn. Tại châu Âu trong thời gian dài nó được ví như trung tâm cảm xúc, đối thủ của tim có khả năng điều khiển tình yêu. Trái lại ở Trung Hoa cổ đại, trái tim được tôn vinh như vị Hoàng đế của toàn bộ cơ thể; phổi – Quan hành pháp thực thi mọi chỉ dụ của Hoàng đế; gan là Quan Tể tướng. Các vị tổ sư y học phương Đông lại khẳng định, nhiệm vụ của gan là duy trì thần khí, tức nội lực sống của mọi cá thể.

Riêng cơ thể người, không có cơ quan nào to hơn gan – nó có trọng lượng trung bình 1,5 kg, trong khi trọng lượng trung bình của não 1,3 kg; trọng lượng trung bình của tim – không đến 0,5 kg. Không cơ quan nào trong cơ thể con người thực hiện tới 500 chức năng khác nhau. Gan hoạt động không khác gì một nhà máy lớn chế biến đường, chất đạm và chất béo. Nó sản xuất nhiên liệu cơ bản của cơ thể – glucoza thành đường dự trữ - glucogen, đồng thời cũng là nơi diễn ra quá trình ngược lại, tức biến glucogen thành glucoza. Trong trường hợp cần thiết, gan cũng có khả năng biến đạm thành đường. Ngoài ra gan còn làm nhiệm vụ tổng hợp protein, thanh lọc đủ loại hợp chất độc hại ra khỏi cơ thể, lưu giữ các vitamin và khoáng chất, sản xuất dịch mật để tiêu hóa chất béo, trợ giúp cơ thể trong cuộc chiến chống lại các bệnh lây nhiễm và duy trì trạng thái cân bằng hormone. Cơ thể chúng ta không có cơ quan nào có khả năng tự phục hồi kỳ diệu như gan. Trong y văn thế giới có mô tả trường hợp bệnh nhân phải cắt bỏ ba phần tư buồng gan sau tai nạn giao thông. Nạn nhân đã thoát hiểm. Không chỉ có vậy. Chỉ sau đó ba tuần, kết quả chiếu chụp cho thấy, buồng gan của nạn nhân thực tế đã tự phục hồi y hệt trước khi xảy ra tai họa!

Có chi tiết thú vị: theo kết quả nghiên cứu mới nhất – để duy trì cuộc sống, chúng ta chỉ cần buồng gan nhỏ bằng 25 phần trăm so với thực tế. “Nhà máy” và bộ lọc hoàn hảo của gan dường như đã lường trước những rắc rối có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên chỉ duy trì chế độ làm việc bằng 25 phần trăm “công suất thiết kế”.

Tuy nhiên gan cũng có những mặt yếu, những kẻ thù rất dễ làm rối loạn chức năng gan, trong đó sỏi mật là một trong nhiều hậu quả. Những kẻ thù của gan là chất béo, rượu, một số virus và hóa chất độc hại (chủ yếu do tân dược sử dụng trong quá trình điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau).

- Trường hợp sỏi mật của cháu gái – ông Long phán đoán – thủ phạm làm rối loạn chức năng gan có thể là chất béo và hóa chất độc hại. Như vậy, muốn chữa tận gốc chứng bệnh, cần điều chỉnh chức năng gan bằng thảo dược “cây nhà, lá vườn” chủ yếu thông qua giải pháp loại bỏ mọi hợp chất độc hại, làm sạch nội môi của gan. Sẽ chỉ giải quyết phần “ngọn” - nếu can thiệp bằng phẫu thuật (mổ phanh kinh điển hoặc phẫu thuật nội soi) để lấy sỏi. Và chắc chắn sỏi lại xuất hiện – sau thời gian nhất định, vì vấn đề vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Nghe lời giảng giải của cựu giảng viên Đại học Dược Hà Nội, dược sỹ Đào Kim Long, tôi chợt nhớ đến câu chuyện có thực về lý do sưu tầm bài thuốc gia truyền chữa sỏi mật của bác sĩ Đoàn Sinh (Phòng khám tại đường Máy lạnh, Thị trấn Cầu Diễn, Hà Nội), đại tá nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện 198 Hà Nội (tạp chí Tri thức trẻ từng có bài viết giới thiệu). Người thầy thuốc khoác áo lính thực thà kể, trong thực tế nhiều chục năm hành nghề, đã có thời gian ông phát ngán, vì với cùng một bệnh nhân – cứ vài năm lại buộc phải mổ phanh bụng, để lấy sỏi mật, không hiếm trường hợp tổng cộng tới 4-5 lần.

Tiếp theo ông Long lý giải lý do châm cứu chữa sỏi mật. Nếu chỉ uống thuốc Nam y – tác giả lý thuyết Thần châm độc đáo chậm rãi – chữa được bệnh tận gốc, song thời gian điều trị sẽ kéo dài, bởi ngay cả trường hợp nội môi đã được làm sạch, chức năng gan đã trở lại bình thường cũng đòi hỏi nhiều ngày, để hòa tan lượng sỏi đã tích tụ trong túi mật và đào thải chúng ra khỏi cơ thể qua đường ruột. Vì thế cần thiết phải bổ sung những tác động nội sinh khác do Thần châm mang lại. Và tác giả lý thuyết Thần châm mô tả lịch sử phát triển của châm cứu.

Châm cứu có nguồn gốc đã nhiều ngàn năm. Người nguyên thủy chỉ có hai hoạt động chính: săn bắt con mồi và chạy trốn kẻ thù. Cả hai thường thực hiện với cường độ cao và quyết liệt, khiến nguồn năng lượng dự trữ ATP (Adenosine Triphosphate) ở các bó cơ bị cạn kiệt đến mức chúng bị co rút khẩn cấp. Hiện tượng thường gọi là chuột rút. Chuột rút có thể xảy ra cục bộ ở chân, tay, lưng, cổ...hoặc toàn thân làm tê liệt mọi cử động khiến người đang chạy bị ngã, đang bơi dưới nước bị chìm...

Khi các cơ bị co cứng ép chặt và siết mạnh lên các sợi dây thần kinh gây cảm giác đau đớn, người nguyên thuỷ lấy tay cào cấu, xoa bóp và sau đó tìm những hòn đá có cạnh sắc nhọn đâm, ấn vào những chỗ bị co cứng, nhiều khi đâm mạnh đến chảy máu, để tự cứu. Đó là động tác châm cứu đầu tiên của loài người và thạch châm (dùng đá để châm) ra đời. Huyệt và thuật châm cứu được tổ tiên loài người tình cờ phát hiện như vậy.

Thạch châm chỉ nhằm cứu thoát tình trạng chuột rút do hiện tượng thiếu máu cục bộ dẫn tới co cứng cục bộ. Khi ấy chưa có khái niệm về huyệt, mạch, kinh lạc...Xã hội loài người phát triển, những người thầy châm nguyên thuỷ về sau đã thay hòn đá có cạnh sắc bằng que, gai, tre,trúc...nhọn tự nhiên hoặc con người chế tác. Hình thức dùng que, gai, tre trúc nhọn để giải cứu các trường hợp bị chuột rút gọi tắt là trúc trâm.

Thạch châm và trúc trâm là hình thức châm cứu cổ sơ nhất có thể gọi là giai đoạn đại trường châm.

Nhược điểm cơ bản của đại trường châm là phá hoại tổ chức cơ thể, tổn hao cơ và mạng thần kinh, dễ gây viêm nhiễm và để lại sẹo. Vì vậy, khi loài người biết dùng kim khí trong sinh hoạt đời sống, thạch châm, trúc trâm đã cáo chung, nhường chỗ cho vi châm. Người thầy châm cứu sử dụng những chiếc kim được chế tác từ kim loại: đồng, vàng, bạc....từ thô, đến rất nhỏ. Y văn ghi lại, cho dù khi đó nhân loại vẫn chưa có kiến thức về vi khuẩn và nhiễm khuẩn, nhưng theo kinh nghiệm, thầy châm cứu đã biết dùng ngọn lửa sẵn có của bếp củi hoặc “lửa hoả thang” (đốt rượu) để hơ kim trước khi châm, để tránh tai biến nhiễm trùng.

Ban đầu châm cứu chỉ để cấp cứu, khi bị co cơ, chuột rút. Người nguyên thuỷ chưa có khái niệm về huyệt, nhưng từ kinh nghiệm thực tế gom nhặt của nhiều thế hệ, họ dần nhận biết những điểm, những vùng ổn định trên cơ thể khi châm kim sẽ phát huy tác dụng chữa bệnh và đặt tên cho chúng. Cùng thời gian kinh nghiệm được tích luỹ, số huyệt được đặt tên ngày càng nhiều. “Nội Kinh”, sách y khoa cổ nhất Trung Hoa đã ghi được 295 huyệt. Đến thế kỷ XVII, sách “Châm cứu Đại Thành” của Dương Kế Châu ghi được 763 huyệt. Lịch sử châm cứu Việt Nam trải qua hàng ngàn năm, các tác giả được thống kê trong thư tịch như An Kỳ Sinh thời An Dương Vương, Khổng Minh Không triều Lý, Tuệ Tĩnh triều Trần, Nguyễn Đại Năng triều Hồ và đến thế kỷ XVII-XVIII, Hải Thượng Lãn Ông đã ghi trong “Y Tôn Tâm Lĩnh” 702 huyệt. Các huyệt trên cơ thể được đặt tên, thầy châm nhiều thế hệ phát hiện tác dụng gần giống nhau của một số huyệt nằm trên một đường ổn định, nên đã xuất hiện khái niệm về kinh, mạch.

Dưới con mắt của khoa học hiện đại, khi dùng vật nhỏ sắc nhọn bằng đá, bằng tre hoặc kim loại...châm sâu vào tổ chức của cơ thể và để chúng ở đó trong thời gian nhất định, chúng có bản chất như một “dị vật” của cơ thể. Không dung nạp dị vật là đặc tính cơ bản của mọi cá thể sinh vật. Khi có dị vật xâm nhập vào cơ thể, tổ chức sống của cơ thể sẽ tự huy động mọi nguồn năng lượng nội sinh có thể nhằm loại bỏ hoặc vô hiệu hoá sự xâm hại của dị vật.

Châm cứu chính là phương pháp huy động nguồn năng lượng tiềm ẩn và to lớn này để chữa bệnh. Năng lượng được sử dụng để loại bỏ dị vật rất đa dạng, bao gồm nhiều cơ chế như cơ chế giảm đau, kháng thể, miễn dịch, cơ chế hệ bạch huyết để loại bỏ vi khuẩn, cơ chế hàn gắn sinh cơ, giãn nở mao mạch, niệu quản, đông hoặc tan máu, tan sỏi mật, sỏi thận...

Đặc tính không dung nạp dị vật tồn tại ở cả các cơ thể đơn giản chưa có cấu trúc thần kinh, hoặc cơ cấu thần kinh chưa phát triển. Năng lượng loại bỏ dị vật thường trưc trong cơ thể sống và rất mạnh. Không thể loại bỏ hạt cát tình cờ lọt vào cơ thể bằng cách làm tan ra hoặc đẩy ra khỏi người, con trai huy động xà cừ bao chất “dị vật” và dần biến nó thành viên ngọc. Trong chiến tranh chúng ta từng chứng kiến không ít trường hợp con người bị mảnh bom bi, mảnh đạn nhỏ lọt vào sâu bên trong cơ thể không thể mổ gắp ra, chúng thường lẩn sâu vào thể cơ, sát với xương. Thế nhưng sau thời gian nhiều năm, những “dị vật” đó bị đẩy dần ra lớp mỡ dưới da, có thể dễ dàng sờ nắn, song không đau vì chúng đã được “gói” trong một lớp màng bọc an toàn.

Cơ thể đông vật bậc cao, nhất là con người còn có một loại năng lượng khác được lương y tận dụng trong châm cứu, đó là năng lượng sinh ra từ phản ứng tự vệ (phản vệ). Năng lượng sinh ra từ phản ứng tự vệ xảy ra tức khắc và quyết liệt: một luồng gió bất chợt, mùi hương lạ, một tiếng động, một ánh mắt....có thể làm cho con vật hoặc cá thể gục ngã, chết đứng giống như cua đột ngột nhìn thấy ếch hoặc chuột đối mặt với mèo. Ứng dụng ngồn năng lượng kỳ lạ này, chỉ cần một số chiếc kim châm, người thầy thuốc có thể cứu mạng sống đối tượng không may gặp nạn.

Thực chất châm cứu hiện đại vẫn sử dụng hai nguồn năng lượng đã kể để chữa bệnh, song hầu hết vẫn phụ thuốc hoàn toàn vào sơ đồ hệ huyệt mạch cổ xưa. Dược sĩ-lương y Đào Kim Long xếp tất cả vào trường phái châm cứu nguyên thuỷ.

Và ông coi mọi cái gọi là “thành tựu sáng tạo của châm cứu hiện đại” như thuỷ châm (tiêm thuốc bổ, thuốc chữa bệnh vào huyệt....), cấy chỉ (cấy chỉ tự tiêu catgut dùng trong phẫu thuật vào huyệt) vào huyệt; hoặc trường châm (sử dụng kim to, dài))...là trái với quy luật sinh học của châm cứu nguyên bản. Bởi thực chất trong “thuỷ châm” các dịch tiêm vào sẽ tan vào hệ tuần hoàn và chỉ để lại những thương tổn tại chỗ, cơ thể phải mất nhiều năng lượng để phục hồi, hàn gắn lại, đôi khi còn gây tai biến phản ứng huyệt do thuốc. Thủ thuật “cấy chỉ” là đưa chỉ chỉ catgut vào các huyệt buộc cơ thể phải huy động năng lượng, để làm tiêu chỉ, người suy yếu có thể bị viêm nhiễm, vì cơ thể không đủ năng lượng loại bỏ dị vật. Còn hình thức trường châm (dùng kim to, dài hơn bình thường) phá huỷ nhiều mô cơ, dây thần kinh...không khác gì kim bằng trúc, bằng tre của người nguyên thuỷ từ kỷ nguyên đại trường châm. Riên với châm cữu Thần châm, “dị vật” – kim châm có kích thước nhỏ và được lưu lại cơ thể trong thời gian ngắn (45-60 phút); khi châm bệnh nhân không bị đau, gần như không gây tổn hại mô cơ và thần kinh, có tác dụng tối đa trong việc huy động năng lượng của cơ thể đến nơi cần thiết và phát huy tối đa khả năng phục hồi và chữa bệnh, kể cả những người có sức khoẻ yêu do mắc bệnh hiểm nghèo.

Thần châm là môn phái châm cứu do dược sỹ-lương y Đào Kim Long sáng tạo sau thực tế 40 năm nghiên cứu và đúc kết từ thực tế điều trị. Thần châm tôn trọng mọi phát hiện cổ và tân về huyệt mạch của châm cứu nguyên thuỷ, song không lệ thuộc vào những cơ chế giải thích về huyệt mạch theo châm cứu nguyên thuỷ. Thần châm ứng dụng hai đặc tính sinh học không dung nạp dị vật và phản ứng tự vệ cơ bản nhất của cơ thể động vật để trị bệnh cứu người.

Trở lại kỳ tích kết hợp châm cứu và uống thuốc Nam Y cứu thoát cháu trai tôi không phải lên bàn mổ vì nghi sỏi niệu quản đã nhắc ở đầu bài viết. Bệnh nhân là con trai nữ bác sĩ công tác tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Mẹ đưa con đến bệnh viện cấp cứu sau hai ngày đau bụng quằn quại, mất ăn mất ngủ. Kết quả siêu âm ổ bụng không thấy sỏi mật, không sỏi thận, không sỏi bàng quang. Dựa vào triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ chẩn đoán: “nghi ngờ sỏi niệu quản”, cho dù trên hình ảnh không nhìn thấy sỏi. – Sẽ phải phẫu thuật, nếu cơn đau tái phát, sau thời gian liều thuốc giảm đau hết tác dụng – bác sĩ điều trị khẳng định. Không muốn con lên bàn mổ, biết tôi nhiều năm làm Tri thức trẻ, người mẹ nhờ, “bác giới thiệu lương y cao tay, giải quyết, nếu không được, đành phải mổ”.

Tôi đưa cháu trai đến gặp ông Long.Ông Long mỉm cười, nhẹ nhàng nói, sẽ chữa được, sau khi xem hình ảnh trên phiếu xét nghiệm- tương tự trường hợp cô giáo tiểu học ở Phú Thượng (Quận Tây Hồ, Hà Nội), vì lý do khoa học chưa biết - cháu trai bị co thắt niệu quản (đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang). Chỉ cần ba lần châm cứu và uống vài thang thuốc.

Cháu tôi vừa tốt nghiệp đại học (kỹ sự xây dựng), mới đi làm, ham công việc, không thể thu xếp thời gian chỉ được ông Long châm cứu duy nhất một lần – buổi sang tôi đưa cháu đi và sau đó uống sáu thang thuốc (12 ngày). Đến nay đã hơn ba năm vẫn khỏe mạnh bình thường, bệnh không tái phát.

Riêng trường hợp sỏi mật của con gái tôi, ông Long khẳng định, vì phức tạp hơn, cần phải châm cứu 10 lần. Có thể mỗi tuần hai lần hoặc một lần/tuần. Châm cứu sẽ phát huy tác dụng huy động năng lượng nội sinh làm tan sỏi và qua đường ống dẫn mật, đẩy xuống tiểu tràng và thải ra khỏi cơ thể.

Vì công việc, mỗi tuần con gái tôi chỉ có thời gian lên nhà ông Long (Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội) một lần. Do đông bệnh nhân, ông chỉ có thể tự tay châm cứu cho con tôi lần đầu; những lần sau hoặc bác sĩ Đào Trung Nguyên (con trai ông Long) hoặc y sĩ Nguyễn Danh Phương thực hiện công việc. 17 chiếc kim dài khoảng 3-4 cm được châm vào nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể trong thời gian 45 phút. Lần cuối rơi vào đúng ngày 1 tháng Năm. Trong thời gian đó con gái tôi đều đặn uống thuốc Nam Y Đạo Pháp. Ngày 6 tháng Năm, con gái tôi đến Bệnh viện Xanh Pôn kiểm tra. Bác sĩ siêu âm Trần Văn Phúc khẳng định kết quả xét nghiệm:

“- Đường mật trong và ngoài không giãn, không thấy sỏi. Túi mật không to, thành mỏng, không có sỏi, dịch mật trong”.

Lại thêm một kỳ tích của Thần châm và thuốc Nam y!

Ngọc Báu – Vinh Thu
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.