Cha hiệp sĩ bị sát hại: 'Việc nghĩa, con cứ làm!'

Nỗi đau quá lớn với những người ở lại. Ảnh: Thanh Trần.
Nỗi đau quá lớn với những người ở lại. Ảnh: Thanh Trần.
TP - “Tôi sẽ gắng nói cho cháu hiểu thế nào là hiệp sĩ, hiểu công việc mà cha cháu xả thân. Đau đớn, nhưng cháu phải tự hào vì người cha hiệp sĩ của mình, từ đó mà sống cho nên người. Cả nhà tôi cũng vậy, sẽ cùng cố gắng vượt qua chứ không gục ngã. Mai này nhắc về Thôi, mãi nhớ đó là đứa con biết đấu tranh với cái xấu để bảo vệ an toàn cho mọi người”, ông Nguyễn Bỉ, cha anh Thôi nói.

Sáng qua (16/5), “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi đã về với đất mẹ tại vùng quê nghèo thôn Chánh Khoan Tây (xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Ba ngày sau sự việc kinh hoàng xảy ra, nước mắt gia đình đã cạn khô, họ dần chấp nhận nỗi đau mất con, mất chồng, mất cha, mất đi người anh em hiền từ nghĩa hiệp.

Đau đớn nhưng tôi tự hào về con

Con đường mù bụi đất đỏ từ nghĩa trang nơi anh Thôi nằm lại về đến nhà dài như vô tận, bởi chẳng ai còn đủ sức để bước sau biến cố quá đột ngột với gia đình. Ông Bỉ khấn vái cùng thầy cúng cơm cho con xong, quay lại tiếp chuyện chúng tôi với khuôn mặt phờ phạc, nói hụt hơi vì những xúc cảm đan xen. Ông kể anh Thôi vào Sài Gòn từ năm 16 tuổi, làm đủ nghề, từ bưng phở, dọn bàn, rồi sau này là xe ôm để mưu sinh. Ông không nhớ rõ con số, chỉ áng chừng năm bảy năm trở lại đây, anh Thôi về thăm nhà khoe có tham gia vào đội “hiệp sĩ Sài Gòn”, hàng ngày sau giờ làm cùng anh em truy bắt cướp giật, trộm cắp. “Tui biết cái nghề dính tới cướp nguy át phần lành, mình tay không, tụi nó có dao, có mã tấu, hoặc tụi nó chạy thoát, hoặc mình bắt gọn được, chứ vô thế đối đầu là một mày hai tao. Nó còn thì mình mất. Vậy thôi! Lo! Nhưng tui cũng động viên cháu việc chính nghĩa, con cứ làm”. Ông vừa kể, vừa hướng đôi mắt về di ảnh người con trai ngoan hiền trên bàn thờ nghi ngút khói hương, giọng trầm buồn: “Với lại nó nói với tui nó đam mê nghề ni, mỗi lần bắt được bọn trộm cướp là tẩy được một mối lo cho bà con, nó cũng vui và hãnh diện lắm”.

Cha hiệp sĩ bị sát hại: 'Việc nghĩa, con cứ làm!' ảnh 1 Đại diện báo Tiền Phong trao tiền bạn đọc hỗ trợ gia đình anh Thôi. Ảnh: Giang Thanh.

Đêm 13/5, hay tin con gặp nạn, ông thúc hai người con trai ở nhà đi ngay vào Sài Gòn. Ông cháy ruột cháy gan, nguyện cầu hy vọng con chỉ bị thương, nặng nhẹ gì cũng được, miễn còn sống. Cho tới lúc người thân chạy xuống tận nhà báo tin Thôi mất, cả nhà ông như hóa điên, không ai chấp nhận nổi sự thực quá đỗi đột ngột này. “Chúng nó tàn nhẫn quá…”, ông nghẹn ngào. Hơn một ngày sau, thi thể anh Thôi đưa về tới nhà, đứa con hiền lành lễ phép nằm bất động trong quan tài như ngàn mũi dao đâm vào lồng ngực của hai vợ chồng già. Bà Nguyễn Thị Ô (66 tuổi, mẹ anh Thôi) ngất lên ngất xuống vì lần cuối gặp con lại trong tình cảnh đớn đau như thế này. Buổi sớm đưa con ra nghĩa trang, bà một hai đòi lao xuống huyệt cùng con, dù người đã oặt như cọng bún.

Dụi đôi mắt cay xè vì khóc và thức ngủ nhiều ngày, ông Bỉ nói suốt mấy hôm Thôi về, rất nhiều cơ quan, đoàn thể khắp nơi tới thăm hỏi, động viên và chia sẻ với gia đình. Cộng thêm những tấm giấy khen, bằng khen mà Thôi được trao, ông trấn an bản thân và cả nhà rằng việc làm của con trai mình đã được mọi người công nhận lẫn cảm phục. “Sự quan tâm ấy giúp gia đình tôi vơi bớt phần nào đau xót, và hiểu ra rằng sự ra đi của con không hề vô nghĩa. Tôi không trách cháu liều mạng, bởi vào tình thế ấy, đã mang tiếng là “hiệp sĩ”, đã nghe dặn việc chính nghĩa cứ làm, thì không chỉ cháu, mà ai cũng hành động vậy thôi. Đau đớn, nhưng tôi tự hào về con mình”, ông trải lòng.

Cha hiệp sĩ bị sát hại: 'Việc nghĩa, con cứ làm!' ảnh 2 “Từ từ, con sẽ hiểu thế nào là hiệp sĩ và công việc ba con đã dấn thân mà ngã xuống”, Ông Nguyễn Bỉ ân cần dặn dò cháu nội, con trai anh Thôi.

Xoa đầu đứa cháu nội Nguyễn Thành Đạt (10 tuổi) trong phút chốc mồ côi cha, ông chậm rãi ân cần rằng có thể bây giờ cháu chỉ biết mình mất cha, nhưng từ từ cháu sẽ hiểu được cha mình ngã xuống khi làm việc nghĩa, một công việc mà chỉ những người tốt bụng, dũng cảm mới dám làm.

Câu chuyện của anh Thôi không chỉ là chuyện của gia đình, mà còn là nỗi niềm của cả vùng quê Chánh Khoan Tây. Ngày di quan, đoàn người đưa tiễn nối nhau dài dằng dặc, ken kín nghĩa trang. Dù vài ba năm anh mới về nhà, nhưng trong tâm trí họ, anh là người chất phác và lễ phép. Bà Nguyễn Thị Hoài (hàng xóm), kể: “Đợt nào về nó cũng qua thăm từng nhà, gặp ai cũng chào hỏi rất dễ thương. Cả xóm này nghe tin nó mất bàng hoàng quá. Thôi xứng đáng là tấm gương nghĩa hiệp, quả cảm cho lớp trẻ noi theo”.

Dạy con giúp người bằng mọi cách có thể

Tiễn anh Thôi về với đất, chị Nguyễn Thị Thanh Dung (41 tuổi, vợ cũ của anh) rũ rượi trong căn phòng tối tăm bởi người đàn ông từng đầu ấp tay gối với mình ra đi quá đột ngột. Chỉ cần nhắc tới tên anh, chị trào nước mắt, mếu máo kể anh hiền như cục đất, chăm làm và thương con. Công việc chạy xe ôm kiếm năm cọc ba đồng, vậy mà hầu như cuối tuần nào anh cũng chạy sang chở con đi chơi, ăn uống bất kỳ thứ gì con thích. “Tính anh Thôi thật như đếm, người lại nhỏ con, có điều dũng cảm lắm, cứ việc gì giúp người khác là không né đâu. Biết anh tham gia đội bắt cướp, tui cũng khuyên ngăn hết lời, nhưng anh quyết đó là đam mê rồi, không bỏ được”, chị nói. Còn với bà Ô, bà chia sẻ: “Tui cũng can hết đường, còn dọa con làm việc nớ, nhỡ có chuyện chi thì má lấy tiền mô vô đưa con về. Nó qua quýt nói nghỉ, thực chất vẫn làm. Bẵng một thời gian, tui thấy nó gọi về khoe bắt cướp có công, được tuyên dương, khen thưởng. Bằng khen nó mang về, vẫn treo ở trong nhà…”, kể đến đây, bà Ô nghẹn lời không nói được nữa. Nhìn đứa cháu đang tuổi ăn tuổi chơi, chưa thấu hết nỗi đau mất cha, đắng đót bất hạnh như thế nào, bà thấp thỏm rồi cả quãng đời về sau, ai sẽ thay cha lắng lo, chăm sóc.

Chị Dung kể từ hôm ba mất, Đạt cứ hỏi mẹ “mai mốt con đi học về ba không đón con, không chở con đi ăn, đi chơi nữa hả má?”. Lo việc cho anh xong, mẹ con chị sẽ vào lại Sài Gòn, bảo bọc nhau sống tiếp. “Tui sẽ cho nó đi học bơi, học võ hay gì đấy để tự vệ, khi cần có thể giúp được người khác. Tui cũng sẽ kể cho nó nghe ba nó đã từng sống như thế nào, kể về các chú, các bác - những đồng đội của ba nó để dạy nó phải sống tốt, sống thật có ích và sống kiên cường”, chị Dung bùi ngùi. Chúng tôi hỏi, liệu sau này cháu Đạt muốn nối nghiệp ba làm “hiệp sĩ” giúp người, chị có đồng ý không? Người phụ nữ ngoại tứ tuần ấy lặng người, quay mặt đi lau nước mắt. “Tôi không nói trước được mình có đủ can đảm đồng ý cho con bước vào con đường nguy nan như cha không, nhưng tôi sẽ nhắc nhở cháu phải biết yêu thương và giúp đỡ mọi người bằng mọi cách có thể”.   

Tối 15/5, thừa ủy quyền của BCH T.Ư Đoàn, anh Lương Đình Tiên, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Định, đã đến thăm hỏi gia đình. Đồng thời trao tặng bằng khen của T.Ư Đoàn cho “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi vì đã dũng cảm quên mình bảo vệ, cứu tài sản của nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Sáng 16/5, đại diện báo Tiền Phong cũng trao 22 triệu đồng do bạn đọc hỗ trợ cho gia đình anh Thôi.

Như đã thông tin, vào tối 13/5, trên địa bàn quận 3, TPHCM, nhóm hiệp sĩ quận Tân Bình trong lúc truy đuổi, bắt giữ các đối tượng trộm cắp xe máy của người dân, đã bị các đối tượng này sử dụng hung khí tấn công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.Do vết thương quá nặng anh Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, quê Bình Định) và anh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đã tử vong. Các hiệp sĩ Trần Văn Hoàng (SN 1971, ngụ quận Tân Bình), Nguyễn Đức Huy (SN 1996, ngụ quận Tân Phú) và Đinh Phú Quý (SN 1996, ngụ huyện Củ Chi, cùng tại TP HCM) bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Hiện thời 3 hiệp sĩ này đã qua cơn nguy kịch.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.