Cha con nhà thơ Sơn Núi và giấc mộng đồi sim

Nhà thơ Sơn Núi (Nguyễn Đức Sơn)
Nhà thơ Sơn Núi (Nguyễn Đức Sơn)
TP - Đường đi Bảo Lộc cuối Thu, dã quỳ vàng sậm trong mưa, lượn quanh những quả đồi mềm mại. Hồi hộp không biết Phương Bối giờ ra sao. Hồi hộp gặp nhà sư – nhà thơ Vân Khùng (Nguyễn Đức Vân) và mong gặp nhà thơ lừng lững trong nhóm tứ quái của Sài Gòn xưa – Sơn Núi tức Nguyễn Đức Sơn…

Trồng sim và dựng chùa Sim

Nghe nói cách đây hơn 10 năm Vân Khùng một mình một lều vải trên vùng đồi trơ trọc, kiếm sim về trồng. Hồi nhỏ, nhà nghèo xác xơ thường theo mẹ đi hái sim mang ra chợ bán lấy mấy đồng bạc lẻ. Đứa trẻ mơ mộng từng mơ sau này lớn lên có thể trồng cả một đồi sim tím cho thoả thích. Hắn khùng lắm nên hễ ước mơ gì là sống chết làm bằng được. Học xong cao đẳng Phật giáo, về Sài Gòn theo bạn đi làm báo, ngạt thở với đô thành, hắn nhớ lại mộng xưa nên bỏ về Phương Bối, mua khoảng đồi để trồng sim. Mà hắn xu không dính túi, cơm không có ăn, áo không có mặc, chỉ có giấc mơ đồi sim. Đận nào đói quá hắn đi cái xe máy lọc xọc về Sài thành, thảy mấy bài viết, chủ yếu bạn bè thương cho hắn mấy đồng nhuận bút ứng trước, rồi hắn quày quả xành xạch cái xe máy lại lên núi. Người gầy da bọc xương, mắt sáng quắc.

Dân trong vùng thấy một người mặc áo xám tu hành ngủ lều trồng sim thì lạ lắm. Riết rồi cũng quen. Nghe đâu đồi sim đã trở thành một hiện tượng khiến truyền hình Sài Gòn làm mấy chương trình cảm động lắm. Trồng được đồi sim rồi thì hắn lại mơ. Giấc mơ khùng điên hơn nữa: khắc ca dao vào những tảng đá bày ở đồi sim để các thế hệ trẻ lên chơi tìm hiểu và từ đó biết yêu ngôn ngữ Việt! Thật là không tưởng! Những viên đá hàng tấn hàng tạ, làm sao hắn có tiền mà làm? Vậy mà bây giờ nghe nói hơn chục tảng đá đã được những người “mê” hắn ủng hộ tiền để thuê mua chở về đồi sim!!! Nghe nói cả giáo sư Trần Văn Khê cũng là một trong những người hết sức ủng hộ hắn chuyện này.

Và hắn xây một ngôi chùa nhỏ xíu, gọi là chùa Sim. Xe đi cứ hỏi chùa Sim là dân ai cũng biết, chỉ bảo tận tình. Dưới chân đồi có bà lão tóc bạc tự hào nói với: các cô cứ đi thẳng lên đồi là tới nhà thầy, tôi cũng là Phật tử của thầy đó nha cô. Lòng mừng thầm, vậy là Khùng sống được ở đây, gần dân, được dân thương… Nhớ lại duyên hội ngộ 10 năm trước đây. Một buổi có số điện lạ gọi, giọng Nam khó nghe mà hối hả. Cố lắm thì cũng lơ mơ rằng có một nhà tu hành tình cờ đọc được một bài thơ của mình trên Tinh hoa trẻ, có sáng tác một bài hát dựa trên lời bài thơ, giờ muốn ra đĩa, xin bản quyền lời mà đi tìm mìnhtưởng không thể nào tìm ra... Rồi từ đó, hắn thi thoảng gọi điện. Hắn là người hoang dại, đâu cần biết đời sống thị thành khốn đốn ra sao? Nhiều khi mình đang đi giữa đường đông tắc cũng phải dừng lại vì hắn gọi tới tấp, tưởng chuyện chi thì hắn nói trời ơi hắn mới viết một bài thơ hay là một bài hát gì đó, rồi cứ thế hắn đọc một mạch, hát một hơi! Có lúc 11h đêm mình vừa trải qua một cơn hoạn nạn khốn cùng nào đó, nước mắt nước mũi còn sưng húp thì hắn gọi điện, hắn cứ hét vào trong điện thoại rằng hắn đang đi giữa đồi trăng Phương Bối này T ơi, trăng chảy như nước bạc ròng thích lắm!... Điên vậy đó.

Chưa bao giờ ta hiểu ngộ và mê / Chỉ thấy trái tim mềm trên lá cỏ / Những đêm sương rơi ướt nỗi vô cùng / Ta liếm nhẹ lên trên từng chiếc lá / Thấm vị mặn đất trời không sao tả / Của tình thương vô lượng quả đất này. (Nguyễn Đức Vân)

Hắn bảo: những ngày một mình đói khát trồng sim mới là những ngày hạnh phúc nhất vì hắn được thực sự một mình, có đêm trăng hắn cứ trần truồng giữa đồi sim mà hát ca. Dần dần đồi sim có người lên thêm, hắn phải mặc quần áo như người thường, thật là một mất mát. Nghe hắn kể giọng thê thảm mà phì cười. Nhưng mình lặng người. Hắn ở với thiên nhiên từ tấm bé, hắn với cây rừng, trăng gió là một. Có mảnh vải nào ngăn hắn được với những suy nghĩ và cảm nhận mạnh mẽ, ngùn ngụt lửa và thẳng thật tới trần trụi như hắn chứ? Nên dù hắn cực đoan mà vẫn thật đáng yêu quý, trân trọng vô cùng. Bởi vậy, nhiều người khắp nơi tìm đến với hắn, giúp đỡ hắn. Dân quanh vùng thì khỏi nói. Ai có vấn đề gì đều tìm đến hắn hỏi han.

Cha con nhà thơ Sơn Núi và giấc mộng đồi sim ảnh 1 Tranh: Huỳnh Ty

Đang ngồi đọc thơ, đàn hát bên bếp củi thì hai con Mực và Cừu sủa vang, chạy vụt ra đầu ngõ. Trong màn mưa đen thui lấp loáng ánh đèn và tiếng xe máy. Hoá ra một người dân trong vùng chạy xe lên chỉ để nói với Khùng rằng đã lo xong việc cho đứa con ngỗ ngược mải chơi game bỏ học, muốn cảm ơn Khùng giúp đỡ việc chi đó và nhờ Khùng có hôm nào khuyên nhủ giúp đứa con… Nhìn người đàn ông chân bám đất bùn, áo mưa lụp sụp, đầu còn đeo một cái đèn đi đêm mới thấy hết ảnh hưởng tinh thần của Khùng đối với dân quê như thế nào. Họ yêu và tin Khùng biết bao. Bởi chính Khùng cũng yêu thương con người, yêu thiên nhiên,cỏ cây đến điên cuồng. Có lẽ phần nào những đức tính này có ảnh hưởng từ cha hắn, hắn là một trong 8 người con của ông Sơn núi, một nhà thơ nằm trong nhóm tứ quái của Sài gòn xưa và nổi tiếng điên khùng.

Cách “thử lòng” của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn

Có câu thơ của Nguyễn Đức Sơn mà mọi người thường nhắc “em chưa đái mà hồn anh đã ướt”, thực ra đọc cả bài thơ mới hiểu hết, chứ trích dẫn mỗi câu ấy thôi thì chỉ gợi tò mò. Mình muốn trích ở đây khổ thơ cuối: “Bắt đầu thở là bắt đầu hạnh phúc / Không bao giờ anh nói dối em đâu /Ôi bất động ngàn năm thân gỗ mục /Cửa tồn sinh em hãy mở cho lâu”. Quả thực là không dễ để vượt qua lớp vỏ ngôn từ, rung động được với cái thẳm sâu, kỳ lạ của thơ ông Sơn Núi. Tiếng tăm ông nghe đã lâu nay, lên núi lần này mình hết lòng muốn được gặp ông. Khùng có vẻ ái ngại lắm, hắn cứ lúng búng rào trước đón sau là ổng hay chửi bậy, hay nói chướng lắm đó nha… Mình bảo không sao, mình chịu được vì mình đã từng nghe nói ổng chửi đuổi ối người danh tiếng, chức quyền rồi, mình có xá chi. Sáng hôm sau, mình dậy sớm, đi dạo loanh quanh đồi sim đồi cam, rồi ngồi bên gác hiên chùa, thiền độ non tiếng. Linh tính mách bảo là ông Sơn núi sắp qua chơi rồi kia nên mình quay về. Y như rằng, vừa vào đến sân ngó ra đã thấy một thanh niên chở tới một ông già rất già, chân tay run rẩy không vững nữa, đầu đội một cái mũ của phi công Mỹ ngày xưa đã bạc phếch gần như trắng đục, lớp lót trong đã rách tã, bên mình khoác cái túi dù dã ngoại còn tốt, chân đi giày buộc dây khá sạch sẽ. Là ông Nguyễn Đức Sơn đây rồi. Mình chạy ra đón, dìu ngồi võng. Ông thật rõ là một người khùng điên mà sao thấy ông thân thương lắm mới lạ. Trông ông đẹp, dù tuổi cao và đã yếu lắm nhưng gương mặt vẫn lộ rõ vẻ thông tuệ và mạnh mẽ.

Cha con nhà thơ Sơn Núi và giấc mộng đồi sim ảnh 2 Nhà thơ Nguyễn Đức Vân (phải) cùng tác giả

Rồi, ngồi xuống là ông chửi liền nhé. Mình giới thiệu ngắn gọn, lễ phép lắm. Nghe xong, ông bảo: người Bắc hả, thẩn nào giống ăn trộm. Bọn Nam giống kẻ cướp còn bọn Bắc giống ăn trộm. Mình cười hiền bảo: vâng, ông ơi con là kẻ trộm nhưng chỉ đôi lần trộm sách thôi ông à. Ông cười: chị Hai người Hà Nội hả? Sao người Hà Nội mà cái mặt ngu ngu không giống người Hà Nội vậy ta? Mình lại cười ôm lấy tay ông: vâng, ông ơi, không những con ngu mà đại ngu đó ông. Đến cỡ này, ông có vẻ hài lòng, ưng ưng cái bụng muốn nói chuyện với “con ngu” rồi nên ông mới bỏ cái mũ cối xuống bàn, chịu uống nước, ăn chè lam và mứt hồng bì mình mời. Mình tặng sách cho ông, ông giở ra xem và bảo: nào, để xem chị Hai viết cái chi lăng nhăng trong này nào. Mình để ông xem vài bài thôi rồi bảo ông cất đi ông ơi, cái này con viết lăng nhăng vài câu bát nháo, ông cứ cất bỏ túi, ngồi uống nước ăn mứt và nói chuyện cho con nghe với ông ơi. Thế là ông mở cái túi cho mình xem cuốn Nhà thơ kiệt xuất Nguyễn Đức Sơn, ông bảo: cái thằng viết cuốn này bát nháo, đáng lẽ nó phải viết: nhà thơ kiệt sức mới phải chớ! Em (ông xưng “em” với chị Hai) đã bảo với hắn, tầm hắn không hiểu nổi thơ em đâu, đừng có viết mà nó vẫn cứ viết… Cô đọc thử thơ em đi, đọc thơ em coi chừng được nửa quyển đã hộc máu đó nha… Đó, nói chuyện với ông là khủng khiếp vậy đó, mà chuyện gì ông cũng đùa bậy phát phì cười.

Ngày xưa, ông từng là giảng viên đại học Sài Gòn rồi ông theo kháng chiến vào bưng. Rồi ông lại bỏ bưng biền mang theo vợ con chọn vùng Phương Bối làm nơi ẩn dật. Vợ ông là một phụ nữ lai Pháp, đẹp tuyệt trần. Ông đã dứt bà ra khỏi nơi cửa Phật để theo ông. Chuyện ông làm thế nào để lấy được bà thì lại là một câu chuyện dài kỳ lạ khác. Ông không đi sang Mỹ, sang Pháp vì ông yêu quê hương đất nước của ông quá. Ông yêu thiên nhiên nên ông gớm thị thành. Cả cuộc đời ông gắn với rừng núi, đói nghèo, ẩn dật, thơ ca và Phật giáo. Ông cực đoan, nói năng và sinh sống rất dị kỳ.

Chỉ một vài giờ với ông Sơn núi mà khiến lòng mình hoang mang, chấn động. Đúng là ông khùng điên và hay chửi bậy, hay nói ngang xương, nhưng đó là cái cách thử lòng của ông thôi. Ai bỏ bớt được cái ngã của mình thì người ấy sẽ gần được ông tiên khùng đó, mình nghĩ vậy. Hình như ông giả điên để được yên, được sống theo ý mình, có thể kiêu hãnh trong bần hàn? Mình thấy yêu quý, thân thiết với ông như thể đã quen biết ông từ đời nảo đời nào. Câu chuyện cuộc đời của ông và của Nguyễn Đức Vân con ông khiến mình suy nghĩ nhiều nhiều lắm. Có thoáng một nỗi cảm thương rằng, phải chi thời thế không khắc nghiệt đến thế, ông đã có thể trở thành một nhà thơ -một nhà giáo lớn nhập thế giúp đời, con của ông đã làm được nhiều việc lớn hơn nữa thoả trí lực của cậu ấy… Sang chấn nhất là mình cảm nhận được hai con người lạ lùng ấy nhắc nhở mình về giấc mơ trở về nguồn cội, với thiên nhiên, với tự do trong trẻo, với phẩm cách lẫm liệt của một con người dám sống chết với ước mơ, dám từ bỏ thực sự, tất cả, cả tấm áo che thân, cả vờ vịt che bản năng sinh tồn và dám thể hiện thực sự cái mình nghĩ, mình cảm mà không e sợ bất cứ miệng lưỡi, bạo lực thế gian nào. Những con người sống với những thức cảm thiêng liêng trong người khiến họ khùng điên so với những người bình thường và họ thực sự Đẹp, trong vắt. Tạm biệt ông Sơn núi, ôm lấy ông mà nghe ông hỏi: rồi chị Hai đi có trở lại nữa không?- khiến mình vội quay đi mà chảy nước mắt. Phải, bao giờ thì mình biết Trở Về?

H.A

Phương Bối - tháng 11 năm 2016 (sửa lại tháng 9 năm 2019, trong những ngày nghe tin nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đang ốm nặng).

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.