Cha chung không ai khóc

Cha chung không ai khóc
TP - Hơn 4.000 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp được giao cho cộng đồng ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, Đăk Lăk quản lý bảo vệ, sau một thời gian đi vào hoạt động đã bị tàn phá nghiêm trọng.

Rừng giao cho buôn làng bị tàn phá nghiêm trọng:

Cha chung không ai khóc

Năm 2004, UBND huyện Ea H’leo giao 6 tiểu khu gồm 4.399 ha rừng và đất lâm nghiệp ở xã Ea Sol cho người dân 4 buôn quản lý trong vòng 50 năm. Theo đó, các cộng đồng được giao rừng được trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu, được chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, được hưởng lợi một phần sản phẩm khai thác từ rừng tự nhiên sau khi nộp ngân sách... Đây là nguồn thu nhập đáng kể, góp phần đảm bảo đời sống cho người làm nghề rừng.

Sau khi nhận rừng, thời gian đầu các buôn ở Ea Sol đã bảo vệ khá bài bản, lập ra Ban quản lý rừng và các tổ, nhóm với tổng số thành viên tham gia bảo vệ rừng mỗi buôn từ 60 đến 70 người luân phiên canh gác. Nhưng được một thời gian, khi người dân thấy vẫn khó thoát nghèo với mức thu nhập ít ỏi từ việc canh giữ rừng, nên bỏ mặc như rừng vô chủ.

Trong gần 8 năm, rừng giao khoán của buôn Chăm, buôn Điêk, buôn Ta Ly, buôn Ka Ry thường xuyên bị chặt phá để lấy gỗ, làm trụ tiêu và lấy đất sản xuất. Nhiều người dân ở các địa phương lân cận cũng tranh thủ vào vùng rừng do các buôn quản lý để xâm canh, số khác thì mua lại diện tích mà đồng bào trong buôn xâm canh. Đến nay, bao nhiêu diện tích rừng bị xâm canh trái phép cũng chưa có thống kê chi tiết, như lời Phó Chủ tịch xã Ea Sol, ông KSơr Grư thì có thể là một nghìn hecta, hoặc nhiều hơn. Chỉ riêng buôn Điêk nơi được giao 525ha rừng thì nay đã mất 280 ha.

Dong xe theo tỉnh lộ 15 nối xã Ea Sol với tỉnh Gia Lai, qua những khu rừng do cộng đồng các buôn quản lý PV dễ dàng bắt gặp những đám rẫy mới bị chặt hạ ngay bên vệ đường, cây cối to nhỏ đổ ngổn ngang. Nhiều khu vực cây rừng trước kia đã nhường chỗ cho những rẫy sắn, điều... Trên đường, hàng chục chiếc xe công nông nối đuôi nhau chất đầy gỗ. Hỏi lấy gỗ từ đâu, một người dân hồn nhiên: “Từ rừng cộng đồng chứ đâu?”.

Trong số 4 buôn được giao rừng thì nay chỉ có buôn Ta Ly (quản lý 1.127 ha) được coi là điển hình trong việc quản lý và bảo vệ rừng là vẫn còn giữ được rừng nhưng để được danh hiệu, đồng bào phải chịu không ít phiền toái. Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng buôn Ta Ly cho biết: “Giữ rừng bây giờ khó quá. Các buôn xung quanh không còn rừng nên người ta đang muốn phá rừng buôn Ta Ly để lấy củi, lấy gỗ. Có tháng Ban quản lý bắt giữ được hơn 40 xe chở gỗ”. Theo ông KSơr Grư, Phó Chủ tịch xã, nguyên nhân của thực trạng trên là phần lớn diện tích rừng giao cho dân đều là rừng nghèo kiệt, không có lâm sản phụ, đất đai quá xấu, khí hậu khắc nghiệt, kinh phí cho quản lý và bảo vệ quá ít.

Phó Chủ tịch huyện Ea H’leo, ông Y Manh Adrơng cho biết: Để cứu rừng cộng đồng xã Ea Sol, chính quyền địa phương nơi đây đã xin chủ trương cho cộng đồng được giao rừng liên kết với các Cty trồng rừng và trồng cao su để người dân có thêm thu nhập, có chi phí để quản lý, bảo vệ rừng. Trên diện tích rừng đã bị xâm canh, các Cty được phép đầu tư vốn để trồng cây, người dân sẽ được trả tiền công và hưởng 12% lợi nhuận. Đến nay, Tỉnh đã cho phép liên kết 1.500ha rừng và đã có 2 doanh nghiệp vào triển khai dự án.

Ông Hà Công Bình-Chi cục trưởng Lâm nghiệp Sở NN&PTNT Đăk Lăk: “Cách đây gần 3 năm, tôi tháp tùng Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát về Ea H’Leo kiểm tra mô hình mẫu, đã cảnh báo những cán bộ có trách nhiệm ở địa phương trước hiện tượng dân bắt đầu róc phá cây, chiếm dần mỗi người vài khoảnh nhỏ, dưới mức xử lý hình sự nên chưa có ai bị khởi tố, nhưng nếu không có biện pháp ngăn chặn tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng”. HTN

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG