PV: Trong vai trò là một thạc sỹ giáo dục học, chuyên gia nghiên cứu về giáo dục học, vấn đề dạy con của các bậc phụ huynh hiện nay quả thật có nhiều trở ngại, vừa là chuyên gia cũng là phụ nữ của gia đình, chị có thể nói rõ hơn về kỹ năng thấu hiểu và giao tiếp như thế nào để hiệu quả với con trẻ?
Như đã nhắc đến ở câu hỏi trên, mỗi trẻ là một cá thể độc lập với sự phát triển về tâm lý, thể lý hoàn toàn khác nhau và chắc chắn ở từng đứa trẻ đều có những điểm khác biệt mà khi chúng ta chịu khó tìm hiểu sẽ thấy vô cùng thú vị. Từng ngày, chúng lớn lên một chút và có thể sẽ rẽ theo những hướng mà người lớn mình chưa chắc đã hình dung ra nó như thế nào; thế nên, tôi không dùng từ thấu hiểu. Tôi cũng như nhiều người phụ nữ khác, việc giao tiếp với con trẻ là cả một hành trình; tôi cùng con tạo nên những cam kết mà trong đó từ thông cảm đến đồng cảm là nền tảng để chúng tôi cùng tìm ra tiếng nói chung trong giao tiếp, sinh hoạt cùng nhau.
Ở Rồng Việt, với vai trò CEO là một công việc thì ở nhà, tôi nghiêm túc xem vai trò làm mẹ cũng là một công việc. Tôi cho con hiểu điều đó và ngược lại con cũng vậy. Dĩ nhiên, từng tên gọi công việc ở công ty sẽ chuyển hoá phù hợp trong bối cảnh gia đình. Trong mọi việc, Tôi lắng nghe con với tâm trí người mới bắt đầu chứ không phải là một chuyên gia; và sự khác biệt rất rõ trong kết quả khi mình giữ được điều đó. Và tôi cho rằng, việc giao tiếp cùng con không khó, cái khó là ở chỗ mình có hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động đó, con cũng là một khách hàng của mình cần chăm sóc.
PV: Là một chuyên gia, chị có thể đưa ra vài lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh khi tiếp cận với con cái, để bọn trẻ có thể cảm thấy thoải mái trò chuyện cùng?
Thực ra như bạn biết là mọi việc đều có thể thực hiện và thậm chí là làm rất tốt, nếu chúng ta muốn và nghiêm túc dành thời gian cho nó. Những yếu tố như tính chất công việc, khoảng cách thế hệ là câu chuyện muôn thuở nên với tôi công thức đơn giản, chỉ có hai bước:
Bước 1: Hiểu chính mình, luôn cập nhật sự thay đổi của thời đại để hiểu chúng ta đang chịu ảnh hưởng những quy luật nào.
Bước 2: Duy trì việc giao tiếp cùng con để hiểu con. Hãy là người bạn thân thiết của con trước khi là người mẹ dẫn đường.
Việc duy trì trong giao tiếp với con rất quan trọng, nó giống như mình theo dõi các chỉ số phát triển của con, qua đó mới hiểu con đang như thế nào, nhu cầu ra sao và mình sẽ phải có những điều chỉnh phù hợp, từ đó tôi tin sẽ có hiệu quả.
PV: Trong suốt quá trình công tác cho đến nay, động lực nào để chị vẫn tiếp bước và thậm chí xem đó như là sứ mệnh mình cần phải làm?
Không gì hạnh phúc hơn việc mình đồng hành cùng sự phát triển của con trẻ; hơn 11 năm qua, hành trình của Rồng Việt đi không hề dễ dàng nếu không nói là gian nan. Nhưng nhìn thấy sự chuyển biến tích cực dù rất nhỏ của từng trẻ đến với Rồng Việt là điều thôi thúc tôi mỗi ngày phải làm gì để cải tiến, để những đứa trẻ đến với mình phải được phát triển như chính chúng xứng đáng được như vậy. Điều đó nghe đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Một yếu tố quan trọng đó là, tất cả thành viên của Rồng Việt đều hiểu điều đó và hạnh phúc mỗi ngày với sứ mệnh của mình.
PV: Câu nói “Tôi chọn khác biệt trong giáo dục để không một ai bị bỏ lại phía sau”, khác biệt là một lựa chọn táo bạo vì chỉ có người bản lĩnh mới dám chinh phục, qua câu nói ấy chị muốn truyền tải thông điệp gì?
Nếu tìm thấy sự giống nhau, điểm tương đồng sẽ giúp mình cảm thấy yên tâm trong cuộc sống; thì sự khác biệt có khi đem lại cảm giác sợ hãi, rủi ro… dẫn đến việc ta sẽ bị chùn bước. Nhưng nếu ngại thay đổi và ta an nhàn chấp nhận với những gì đang có, thì lấy đâu cho sự đổi mới? Vì bản chất quy luật của sự phát triển là “phá vỡ” đi những hướng đi truyền thống để tìm ra những con đường mới tươi sáng hơn.
PV: Với vai trò là người sáng lập Rồng Việt, chị hãy đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ khi dấn thân vào lĩnh vực này, những tố chất tiên quyết để có thể thành công?
Tôi rất thích từ dấn thân mà bạn dùng, mỗi người sẽ có quan niệm thành công khác nhau và có công thức chung để đạt điều đó là hiểu rõ mình là ai, mình muốn gì thì khi đó làm như thế nào để đến đó là không còn khó nữa. Để trả lời cho từng câu hỏi đó lại là hành trình của mỗi cá nhân. Tôi trước giờ chỉ nghĩ là mình phài tập trung vào thứ mà mình giỏi nhất, vì điểm mạnh của mỗi cá nhân chỉ nằm ở đó vì thế phải khai thác triệt để, trau dồi và nâng tầm nó.