Cầu vượt thép không an toàn

Giờ cao điểm xe lưu thông trên cầu vượt rất đông, khi xảy ra va chạm rất dễ bị văng xuống dưới. Ảnh: Ngô Bình.
Giờ cao điểm xe lưu thông trên cầu vượt rất đông, khi xảy ra va chạm rất dễ bị văng xuống dưới. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Hệ thống lan can cầu vượt bằng thép quá thấp, được gắn trực tiếp xuống nền đường khiến người ngồi trên xe máy, ôtô dễ rơi xuống mặt đường dày đặc phương tiện lưu thông mỗi khi xảy ra va chạm trên cầu.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường cho rằng, thiết kế cầu vượt thép tại TPHCM và một số địa phương không đảm bảo an toàn cho người tham gia lưu thông, gây phiền hà cho người dân sống trong khu vực.

“Điểm đen” giữa lòng thành phố

Tại cầu vượt thép Cây Gõ, từng xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến một cháu bé thiệt mạng, nhiều người bị thương nặng, trong đó có một người bị rơi xuống đường từ độ cao gần 10m. Lan can cầu vượt chỉ cao hơn 1m, có ba thanh sắt hình tròn bắc ngang, khoảng hở giữa ba thanh sắt khá rộng đến nỗi một người lớn có thể chui lọt qua. Phía dưới là dòng xe lưu thông dày đặc.

Theo khảo sát của Tiền Phong, nhiều cây cầu vượt thép tại TPHCM không có lề bộ hành nên xe máy lưu thông sát lan can. Lan can cầu chỉ cao đến hông người đang ngồi trên xe máy nên khi xảy ra va chạm, người đi xe máy dễ rớt khỏi cầu.

Tại cầu vượt giao lộ đường 3/2 - Nguyễn Tri Phương (quận 10), chị Nguyễn Thị Nhâm (32 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cho biết mỗi khi đông xe, chị thường phải chạy sát với thành cầu bằng sắt, phần tay lái của xe máy nằm ngang tầm nên rất dễ vướng lan can khi các xe va quẹt nhau.

“Tôi từng bị ngã mấy lần. Rất may là không rơi xuống đường” - Chị Nhâm nói.

Tại cầu vượt bằng thép nút giao thông Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa  và cầu vượt thép tại ngã tư Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (cùng thuộc quận Tân Bình), lan can cầu được thiết kế bởi các thanh sắt vuông dựng đứng nên xe máy càng dễ bị vướng tay lái. Mặt cầu chật hẹp được chia thành hai làn cho xe lưu thông hai chiều. Làn đường khá hẹp, bố trí xe ô tô và xe máy lưu thông hỗn hợp. Giờ cao điểm, xe qua các cây cầu này rất đông, xe máy thường bị ép chạy sát với lan can cầu.

Anh Nguyễn Văn Dũng (bảo vệ cửa hàng dưới cầu vượt Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa) cho biết đã xảy ra nhiều vụ TNGT giữa ô tô và xe máy. Nhiều người đi xe máy bị ngã, văng và va đập vào thành cầu.

Quy chuẩn, tiêu chuẩn… chưa có

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, cầu vượt thép, hệ thống lan can trên cầu được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn và được nghiệm thu trước khi đưa vào khai thác. Sau khi TNGT xảy ra, Sở đã yêu cầu các khu quản lý giao thông đô thị rà soát lại chiều cao, độ chịu lực của lan can cầu vượt thép. 

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, Bộ GTVT có tiêu chuẩn 22-05 dịch từ tiêu chuẩn của Mỹ năm 1998 dành cho đường ngoài đô thị. Ở Việt Nam hiện chưa có tiêu chuẩn thiết kế cầu trong đô thị. Đến năm 2014, khi Chính phủ ban hành Nghị định 46 về quản lý chất lượng mới quy định cầu vượt sông và metro (tàu điện ngầm) ngoài đô thị giao cho Bộ GTVT. Quy định này cũng không đề cập đến cầu trong đô thị như cầu vượt thép.

TS Phạm Sanh nói: Bộ Xây dựng có bộ tiêu chuẩn về thiết kế đường trong đô thị nhưng chưa có tiêu chuẩn về thiết kế cầu. Khi thiết kế cầu, thường những người trong ngành giao thông lấy những tiêu chuẩn ngoài đô thị để thiết kế. Dù lấy tiêu chuẩn của Mỹ, khi có xe máy trên cầu, chiều cao tối thiểu của lan can phải là 1,4m.   

Theo TS Chu Công Minh, Phó chủ nhiệm Bộ môn Cầu đường Đại học Bách khoa TPHCM, cầu bình thường có lề bộ hành rộng từ 1,5 m, cao từ 20cm so với mặt đường. Lan can được lắp trên lề bộ hành bằng thép râu câu móc từ dưới lên nên rất chắc chắn, có thể chịu được lực đâm va rất lớn. Ngoài ra, do có lề bộ hành nên lực đâm bị hạn chế, người và phương tiện khó rơi xuống đường. Trong khi đó, cầu vượt thép không dành cho người đi bộ, không có lề bộ hành. Lan can được lắp đặt trực tiếp dưới mặt đường, độ chịu lực thấp hơn. 

“Nếu xe chạy với tốc độ 60 km trở lên đâm vào thì lan can rất dễ bị sập, khiến xe rơi xuống đường. Hơn 80% số vụ TNGT là do lỗi của người điều khiển phương tiện nên cần phải lắp biển báo hạn chế tốc độ khi xe lên cầu vượt” - TS Minh nói.

Đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Cty Cổ phần Tiên Phong chuyên thi công các công trình kỹ thuật giao thông, cho biết, ở các nước phát triển, lan can cầu vượt trong đô thị được thiết kế cao hơn Việt Nam, phía trên có lưới ngăn đồ vật, người, xe từ trên cầu rơi xuống đường…

“Lưới còn giúp hạn chế tiếng ồn, ngăn chặn hình ảnh “nhạy cảm” từ các nhà dân xung quanh có thể vô tình đập vào mắt những người đang lưu thông trên cầu. Dù có thiết kế theo tiêu chuẩn nào thì cũng cần phải xem lại thiết kế cầu vượt thép vì mạng sống của người dân là quý nhất. Hơn nữa một số cầu vượt thép vừa qua tại TPHCM đã lộ nhiều bất cập như gây ùn tắc, lún, trồi nhựa” - ông Quân kiến nghị.

XEM THÊM:

>> Vì sao Bộ trưởng Thăng yêu cầu “nhổ” người?
>> Bộ trưởng Thăng muốn cán bộ thử đu dây qua sông
>> Bộ trưởng Thăng: 'Tôi nghe nói xin một nốt xe mất 500 triệu'

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.