Ở thời buổi kỹ thuật số, báo điện tử và các trang mạng xã hội tràn lan như hiện nay, phải là người dũng cảm và kiên trì lắm mới có thể đọc hết được từng ấy trang sách in. Thế mà dịch giả, nhà thơ Lê Bá Thự vẫn cho ra đời hai tập sách dày cộp cùng một lúc. Chắc lẽ ông phải có cái lý của mình. Theo tôi, đây là một cố gắng trên mức bình thường, nếu không muốn nói là phi thường.
Trong suốt 25 năm miệt mài, làm việc cật lực như một “phu chữ”, dịch giả Lê Bá Thự, một người học đại học, làm thạc sĩ tại Ba Lan rồi làm đến Bí thứ thứ nhất đại sứ quán ta tại nước này, đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm văn học dịch đồ sộ, gồm 26 đầu sách giá trị (nhiều đầu sách được tái bản) - tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cười và thơ của nền văn học Ba Lan.
Như vậy, bình quân mỗi năm ông có hơn một đầu sách dịch. Bên cạnh đó ông còn là tác giả của hai tập thơ Hoa giẻ và Đi về ngày xưa. Trong hai tập sách Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết xuất bản lần này, có hàng chục bài giới thiệu, bình luận của chính dịch giả nhà thơ và của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, Hồng Diệu, Vân Long, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Ninh Hồ, Văn Giá, Văn Đắc, Trịnh Thanh Sơn, Lê Tuấn Lộc, Đỗ Ngọc Yên, Vi Thuỳ Linh, vv…
Ngoài ra ông còn có nhiều bài viết, tham luận về văn học dịch, chân dung các nhà văn Ba Lan, hàng loạt bài bút ký… Bên cạnh đó là 101 truyện cười đặc sắc, 6 truyện ngắn hay, trên 20 bài thơ dịch của ba nhà thơ lớn Ba Lan (trong đó có hai nhà thơ được giải Nobel), và 47 bài thơ trong tập thơ Đi về ngày xưa ( được gọi là “sách trong sách”).
Phần lớn những tác phẩm văn chương Ba Lan mà ông chọn để dịch ra tiếng Việt đều là những cuốn sách giá trị, được các nhà bình luận văn học đánh giá cao, được bạn đọc Ba Lan mến mộ. Và qua các bản dịch của ông, chúng cũng cuốn hút được độc giả Việt Nam.
Lê Bá Thự đã “chọn đúng và chọn trúng” tác phẩm để dịch, đã “dịch đúng và dịch hay” theo tiêu chí dịch thuật của ông. Lê Bá Thự nói “Tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết. Cái khổ của người dịch là ở đó. Nhưng cái tài của người dịch cũng là ở đó.
Tác giả viết kiểu gì, văn phong gì, bút pháp gì và đề tài gì thì người dịch cũng dịch đúng và dịch hay”. Có thể nói ông là một trong số những dịch giả Việt Nam có lượng đầu sách dịch lớn và có chất lượng. Ghi nhận công lao đóng góp của Lê Bá Thự, Tổng thống Ba Lan đã tặng thưởng Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan cho ông.
Lê Bá Thự cho rằng, “dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên bản (bản gốc) bằng ngôn ngữ khác”. Làm việc theo quan niệm như vậy ông đã gặt hái được khá nhiều thành công. Bản dịch tiểu thuyết Hy vọng của Lê Bá Thự đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao Giải thưởng văn học năm 2014.
Trước đó ông cũng đã được nhận nhiều phần thưởng khác như: Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch tiểu thuyết Quà của Chúa (năm 2010); tặng thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội (2004, 2008) cho những truyện dịch hay nhất năm đã in trong tạp chí này; giải thưởng cuộc thi thơ của báo Người Hà Nội (1999- 2000); giải thưởng cuộc thi viết của báo Tiền Phong (2002)…
Ngoài dịch thuật, mảng chủ công, Lê Bá Thự còn là một nhà thơ. Hai tập thơ: Hoa giẻ (2002) và Đi về ngày xưa (2016) tuy ra đời vào hai thời điểm cách xa nhau, nhưng cảm hứng xuyên suốt của hai tập thơ vẫn là tình cảm quê hương, những kỷ niệm buồn vui nhưng rất trong sáng, hồn nhiên của một thời trai trẻ.
Hầu hết các bài thơ trong hai tập thơ này đều rất đời thường, mộc mạc mà man mác (nhận xét của nhà thơ Bằng Việt). Với tôi, thơ của Lê Bá Thự là một hành trình đi tìm lại những gì đã mất trong quá vãng. Cái ngày xưa ấy đối với nhà thơ lúc nào cũng ám ảnh sự trinh nguyên, tinh khiết và thánh thiện đến lạ kỳ.
Đọc hai tập sách khá đồ sộ Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết người đọc có cơ hội tìm hiểu những thành tựu dịch thuật và sáng tác của ông trên chặng đường văn chương 25 năm qua, cho dù chưa được đọc hết 28 tác phẩm đã in của ông. 25 năm dịch và viết của dịch giả, nhà thơ Lê Bá Thự cũng là 25 năm làm cầu nối: Cầu nối trên lối đi về đi tìm lại những gì một đi không trở lại của tuổi thơ hồn hậu yêu thương và quan trọng hơn là góp phần làm chiếc cầu nối tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam- Ba Lan.
_____________
(*). Lê Bá Thự: 25 năm dịch và viết. Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2016.