Cầu ngư cho biển cả thái bình

Cầu ngư cho biển cả thái bình
TP - Sáu năm nay, mỗi lần làm chủ tế lễ cầu ngư nhằm ngày 16 tháng giêng cho ngư dân Đà Nẵng, cựu thuyền trưởng Hồ Ngọc Tham (Xuân Hà, Thanh Khê) đều thêm vào văn tế một câu ngoài sổ sách: Cầu ngư dân làm ăn ở Hoàng Sa yên ổn, thái bình.

> Khan hiếm lao động biển
> Phục dựng Lễ hội Cầu ngư

Hôm qua, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức lễ cầu ngư, cầu an cho ngư dân trên địa bàn quận cũng như thành phố Đà Nẵng nhằm mở biển đầu năm, cầu chúc cho mưa thuận gió hòa, đi biển được an bình. Cầu cho Nam Hải long thần (tức ông cá Voi) luôn phù hộ cho ngư dân vượt qua bão tố.

Lão ngư Hồ Văn Thương (80 tuổi, Xuân Hà), người có 30 năm làm thuyền trưởng ở Hoàng Sa, hiện bây giờ là trưởng làng Hà Khê, nơi tập trung đa phần ngư dân cũng là trưởng đoàn, cho hay: Năm nay do kinh phí eo hẹp, lễ hội chỉ được tập trung vào một ngày, trong đó ngư dân chú trọng phần lễ, bao gồm lễ Nghinh thần và lễ tế chính (cầu an, cầu ngư).

“Chúng tôi là những bậc cao tuổi ở Hà Khê, bàn bạc nhau kỹ rồi, năm nào quận giao cho Xuân Hà tổ chức, văn tế cầu ngư, cầu an phải đọc chính xác, nhưng ngoài ra, tinh thần của lễ cầu ngư chủ yếu là cầu mong được yên ổn làm ăn ở Hoàng Sa, Trường Sa”.

Ông Thương 20 tuổi đã làm thuyền trưởng tàu buồm, đánh bắt dọc từ Khánh Hòa tới tận Quảng Bình, sau này gắn cuộc đời với ngư trường Hoàng Sa với nghề câu mực. Hiện nay, mấy người con trai của ông cũng gắn bó nghề biển với 2 tàu xa bờ.

“Nghề biển không nói trước điều gì, kinh nghiệm một phần nhưng yếu tố may mắn không thể thiếu. Mình lòng thành lạy tạ Ông (cá voi), ắt được yên ổn làm ăn, trúng luồng cá”.

Hơn 10 năm nay, mỗi lần đến lễ cầu ngư hay hội làng là mỗi lần quan tư lễ Lê Văn Giàu (70 tuổi, cựu thuyền trưởng Hoàng Sa) lại nâng niu những tờ văn tế được cất bọc cẩn thận.

“Đó là những tờ văn tế được sao lại của tiền nhân, có cách đây đã hơn 300 năm rồi. Theo nguyên tắc là có sao đọc vậy, không được thay đổi, tuy nhiên, trước đây chúng tôi đi biển còn yên ổn làm ăn, giờ thấy con cháu ngư dân vất vả quá”.

Năm 1996, trong chuyến câu mực xà cách đảo Hải Nam 8 hải lý, tàu của ông Giàu bị gãy bánh lái, chìm trong bão khiến một thuyền viên thiệt mạng. Kể từ đó, ông Giàu bỏ luôn nghề biển.

“Hồi đó giữa ngư dân ta và Trung Quốc vui vẻ lắm, mời nhau chén rượu, cho nhau cả bịch thuốc rê, chẳng ai nói gì. Giờ thì không như trước. Cứ mỗi lễ cầu ngư đầu năm, các bậc người già như chúng tôi chỉ biết lấy lòng thành ra cầu Ông cho yên bình ở Hoàng Sa, đừng gây gổ nhau, để dân làm ăn” - ông Giàu bày tỏ.

Buổi chiều, ngay sau phần lễ, phần hội với nhiều cuộc thi như ngoáy thúng, đan lưới, kéo co, đẩy gậy, làm gỏi cá… diễn ra hấp dẫn. Ngay sau lễ hội cầu ngư, hàng chục tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng sẽ chính thức tiến ra Hoàng Sa, mở biển đầu năm mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.