'Câu lạc bộ 1 tỷ USD' chỉ còn 1 thành viên

'Câu lạc bộ 1 tỷ USD' chỉ còn 1 thành viên
TP- Tính đến phiên cuối tuần qua, “Câu lạc bộ 1 tỷ USD” chỉ còn duy nhất ACB, hàng loạt DN khác cũng đã rời khỏi danh sách “Câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng” do thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn chưa hồi phục…
'Câu lạc bộ 1 tỷ USD' chỉ còn 1 thành viên ảnh 1
Hiện chỉ còn ACB vốn hóa hơn 1 tỷ USD

Trước đó, vào đầu tháng 4/2008, khi VN- Index còn trên 500 điểm, vẫn có 4 doanh nghiệp có tổng giá trị thị trường (vốn hóa) trên 1 tỷ USD (17.000 tỷ đồng) gồm Công ty sữa Việt Nam (VNM), Đạm Phú Mỹ (DPM) Sacombank (STB) và NH ACB (ACB).

Mặc dù tiêu chuẩn chứng khoán được niêm yết tại sàn TPHCM được xem là khắt khe hơn sàn Hà Nội nhưng ACB của sàn Hà Nội luôn là DN có mức vốn hóa cao nhất thị trường niêm yết.

Ngày 1/4/2008, vốn hóa của ACB gần 25.000 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD) thì vốn hóa của DN cao nhất sàn TPHCM là VNM chỉ hơn 19.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên vào thời điểm trên, ngoài ACB thì sàn Hà Nội chưa có DN nào có mức vốn hóa trên 10.000 tỷ trong khi sàn TPHCM có đến 7 DN (gồm: VNM, DPM, STB, PPC, VPL, PVD, VIC). 7 tháng trôi qua, khi VN-Index từ trên 500 rơi xuống 352 điểm và HASTC- Index về sát 100 thì chỉ còn ACB có vốn hóa trên 1 tỷ USD với 19.850 tỷ đồng.

Hiện, tổng giá trị thị trường của VNM còn 15.100 tỷ, DPM gần 16.000 tỷ đồng và STB còn 12.000 tỷ. Như vậy, “CLB 1 tỷ USD” đang dần tan biến theo đà suy giảm của TTCK Việt Nam.

CLB 10.000 tỷ đồng đến nay cũng chỉ còn 5 cái tên gồm ACB, DPM, VNM, STB và Tổng Công ty tài chính dầu khí (PVF) mới lên sàn có tổng vốn hóa 10.400 tỷ đồng.

Những DN nằm trong “CLB 10.000 tỷ” trước đây như PVD, VPL, VIC, PPC nay đã không còn nằm trong danh sách này hay nhiều DN có mức vốn hóa nằm trong TOP 20 đầu năm 2008 nay cũng “bốc hơi” hàng ngàn tỷ đồng như FPT, KBC, SSI, ITA…

Hàng chục ngàn tỷ đồng biến mất khỏi TTCK không có gì lạ khi tổng vốn hóa TTCK Việt Nam tính cả sàn Hà Nội lẫn TPHCM gần 20 tỷ USD vào cuối tháng 10/2007 nay chỉ còn 12,3 tỷ USD. Do quy mô còn nhỏ và có quá ít DN niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nên mức suy giảm trên của TTCK Việt Nam vẫn được xem “chưa là gì” so với các TTCK lớn trên thế giới.

TTCK Mỹ đã từng mất 1.000 tỷ USD trong một phiên ngay sau khi Hạ viện Mỹ bác kế hoạch giải cứu thị trường tài chính sáng 30/9/2008 (giờ Việt Nam).

Đầu tháng 11/2008, tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư chứng khoán lừng danh nhất thế giới Warren Buffett thông báo lợi nhuận quý III giảm tới 77% và thua lỗ hơn 1 tỷ USD!

Hy vọng vào “đại gia”

Dù tổng vốn hóa giảm khá mạnh nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia chứng khoán, các cổ phiếu của những DN trên vẫn sẽ “dẫn dắt” TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện, tổng số DN niêm yết tại sàn Hà Nội và TPHCM là 316 với tổng vốn hóa thị trường tính đến cuối tháng 10/2008 gần 12,5 tỷ USD. Chỉ số P/E trung bình của các DN niêm yết đang xuống dưới 10 lần và P/B (giá cổ phiếu/ giá trị sổ sách) trung bình chỉ còn 1,8 lần. Hiện, đã có hơn 20 loại cổ phiếu giao dịch với giá dưới mệnh giá hay thấp hơn giá trị sổ sách.

Trên thực tế các DN nằm trong TOP 10 vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam vẫn làm ăn tốt, đạt lợi nhuận cao trong 10 tháng qua. ACB chia cổ tức 25% bằng tiền mặt, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2008 đạt gần 1.400 tỷ; VNM lợi nhuận hết quý 3/2008 hơn 1.000 tỷ, STB lãi hơn 950 tỷ, DPM cũng đạt lợi nhuận gần 1.600 tỷ tính đến hết quý 3/2008; những “đại gia” khác như PVD, FPT, PVF đều dự kiến lãi xấp xỉ 1.000 tỷ đồng trong năm 2008…

Trong số những DN trên chỉ có VIC và VPL có mức lợi nhuận khá  “khiêm tốn” khi tính đến hết tháng 9/2008 VIC đạt 116 tỷ còn VPL chỉ gần 31 tỷ đồng!

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia chứng khoán thì lợi nhuận trên thấp hơn nhiều so với quy mô của VIC, VPL cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư dù nhiều người đã lường trước được tình hình khó khăn chung. Tuy VIC được xem là “cha đẻ” của VPL nhưng hiện vốn hóa của VPL 9.850 tỷ đồng cao hơn mức 9.360 tỷ đồng của VIC.

Bất chấp TTCK đang ảm đạm, nhiều cổ phiếu đã và đang nằm trong CLB 1 tỷ USD hay 10.000 tỷ đồng giảm không nhiều và được xem là những loại cổ phiếu có tính thanh khoản cao, được nhà đầu tư trong và ngoài nước giao dịch nhiều trong thời gian qua.

ACB, VNM, DPM, STB, PVD… luôn nằm trong TOP 10 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất  chứng tỏ các loại cổ phiếu này không chỉ mạnh về lượng mà còn được nhà đầu tư trọng về chất.

Các DN trên hiện cũng là những DN có lượng cổ phiếu niêm yết nhiều nhất thị trường niêm yết như ACB đang niêm yết 462 triệu cổ phiếu,  DPM 380 triệu cổ phiếu, STB 444 triệu, VNM 175 triệu, PPC 326 triệu, VIC 120 triệu, VPL 100 triệu và PVD 110 triệu.

Ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng GĐ CTCK SBS cho rằng với thực lực của các DN hàng đầu TTCK cũng như kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận, triển vọng khá ấn tượng của họ gầy dựng nhiều năm nay thì trong thời gian tới các cổ phiếu này vẫn được ưa chuộng.

Nhà đầu tư cũng đang hy vọng, danh sách CLB 1 tỷ USD và 10.000 tỷ đồng chỉ trống vắng tạm thời và khi TTCK hồi phục danh sách này sẽ lại dài thêm vì với họ đây cũng là “hàn thử biểu” của TTCK và nền kinh tế Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...