Câu hỏi và chờ đợi

Câu hỏi và chờ đợi
TP - Tất cả 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) đều đã được cứu sống và trở về bên người thân. Khi tĩnh tâm nhìn lại, hàng loạt câu hỏi vẫn còn “mắc kẹt” lại đó cùng đống đất đá.

Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng cứu hộ tới từ 21 đơn vị, với hơn 600 người trực tiếp tham gia trong 3 ngày, cuối cùng kết quả thành công mỹ mãn. Lần lượt 1, rồi 2, 3… công nhân được cứu ra ngoài, tiếng hò reo, vỗ tay vang dậy núi rừng.

Càng vui hơn khi sáng 22/12, toàn bộ 12 công nhân đã khỏe và về với gia đình. Những nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc, mãn nguyện của các nạn nhân cùng người thân thường trực và thay thế cho những giọt nước mắt tuyệt vọng, những ánh nhìn thẫn thờ những ngày trước.

Tuy vậy, tới lúc này, khi nhìn lại mới thấy còn quá nhiều câu hỏi còn đó. Tại sao một dự án thủy điện được khảo sát, thiết kế kỹ càng, trải qua nhiều cấp kiểm duyệt, ấy thế mà, khi xây dựng cả nhà thầu thi công lẫn chủ đầu tư đều phải “bất ngờ” vì địa chất yếu quá, phức tạp quá.

Những tên tuổi lớn trong thi công đường hầm như Lũng Lô, Vinaconex, Vinavico… đều phải “bó tay” khi chỉ đào được 600/720 m chiều dài hầm. Để rồi, dự án phải dừng thi công mất mấy năm, khi đơn vị mới vào thi công mới được 2 tháng thì xảy ra sự cố, chút nữa đã lấy đi sinh mạng 12 con người.

Tại sao một đường hầm đã dừng thi công gần 3 năm, nhiều vị trí đất yếu được gia cố tạm qua nhiều năm mà khi khởi động lại đơn vị thi công lại “không khảo sát lại, chỉ căn cứ theo hồ sơ của chủ đầu tư cung cấp?” - như lời một cán bộ của Cty CP Sông Đà 505 nói. Còn trước đó chủ đầu tư có khảo sát lại độ an toàn của hầm hay không, hiện chủ đầu tư vẫn chưa lên tiếng.

Càng bất ngờ hơn khi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tiết lộ, dự án này từng gặp sự cố sạt lở (hiện vẫn còn hai dấu tích đất sụt trên đỉnh đồi), tỉnh từng lập đoàn liên ngành kiểm tra, nhắc nhở. Nhưng rồi việc thi công vẫn được tiếp tục và tai nạn vẫn xảy ra – điều mà chính các cơ quan chức năng cũng đã từng lo ngại. Tại sao vậy?

Những câu hỏi tại sao tiếp nối hết câu này lại xuất hiện câu hỏi khác. Sẽ còn bao nhiêu câu “tại sao” nữa? Nhưng vẫn còn một câu hỏi chủ đạo bao trùm tất cả: Tại sao tai nạn lại xảy ra, khi chúng ta có một bộ máy quản lý, giám sát từ trung ương tới địa phương, từ chủ đầu tư tới đơn vị thi công?

Sau sự cố, đem câu hỏi tới các nơi chỉ nhận được những cái chỉ tay từ trên xuống dưới, dưới lên trên; cơ quan nọ sang ban ngành kia. Kết cục đó vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Chờ đợi câu trả lời tới bao giờ? Câu hỏi đó cứ mỗi sau sự cố, vụ việc lại trường diễn. Hy vọng lần này không phải chờ lâu, như thể ngưỡng phải chờ để 12 nạn nhân được cứu sống.

MỚI - NÓNG