Câu hỏi sau hai kỳ thi

TP - Tuần qua, điểm sàn và điểm chuẩn vào các trường ĐH-CĐ trên toàn quốc đã được công bố. Một mùa thi tốn kém với hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ của hàng triệu thí sinh lại qua đi, song hàng loạt những bất cập lẫn âu lo cho nền giáo dục nước nhà vẫn còn ở lại.

> Ma trận

Thậm chí, những số liệu quá vênh nhau từ hai kỳ thi này qua nhiều năm càng khiến các vấn đề của giáo dục Việt Nam đã nóng lại càng thêm nóng.

Năm nay, trong tổng số ngót 1 triệu thí sinh THPT trên cả nước có tới 98,97% đỗ tốt nghiệp (trên 23% đạt loại khá, giỏi). Ấy vậy mà cũng số thí sinh này làm chủ lực tham dự kỳ thi đại học thì chỉ có khoảng hơn 400.000 vượt qua mức điểm sàn (13-14,5 điểm), hơn nửa triệu còn lại đạt mức dưới điểm sàn.

Đáng chú ý, con số thống kê của nhiều trường ĐH cho thấy, có hàng ngàn thí sinh chỉ đạt từ 0-1 điểm môn toán hay môn sử. Có trường với hơn 2.000 thí sinh dự thi mà trên 1.000 bị từ 0-1 điểm môn toán.

Rất tiếc, không thấy Bộ GD&ĐT công bố các con số thống kê tổng hợp về phổ điểm của tất cả các trường ĐH trên cả nước. Việc so sánh những con số thống kê này với kết quả thi tốt nghiệp THPT ắt sẽ nói lên nhiều điều, dẫu mục đích và mức độ của hai kỳ thi có khác nhau.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua phản ánh đúng thực lực học sinh, chắc chắn số lượng bài thi bị điểm liệt không thể cao như vậy.

Đề thi ĐH dẫu có khó hơn song vẫn ở mức độ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, do vậy kết quả giữa hai kỳ thi cách nhau có 1 tháng này quả là khó lý giải.

Cuối tuần qua, vụ tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại trường dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) đã có kết quả xử lý cuối cùng : 42 cán bộ, giáo viên chính thức bị kỷ luật.

Dù muốn hay không, vụ việc này cùng với hiện tượng đầy rẫy điểm 0, điểm liệt trong kỳ thi đại học, buộc dư luận một lần nữa đặt dấu hỏi lớn về kỳ thi tốt nghiệp THPT đang có tỷ lệ đỗ cao không tưởng trong suốt nhiều năm liền.

Hơn lúc nào hết, vấn đề chất lượng giáo dục đang là đòi hỏi cấp thiết, sau Nam Định, Đà Nẵng, nay đến lượt Quảng Nam vừa chính thức “nói không” với bằng đại học tại chức.

Lâu nay, không chính thức tuyên bố, song nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng đã âm thầm nói không với bằng tốt nghiệp của không ít các trường đại học dân lập chất lượng kém.

Sau hai kỳ thi, lại thấy lộ ra nhiều vấn đề bất cập của giáo dục nước nhà, từ nghịch lý trên, thử hỏi Bộ GD&ĐT có nên tiếp tục duy trì song hành cả hai kỳ thi tốn kém này nữa không ?

Theo Báo giấy