Cầu hiền

Cầu hiền
TP - Sáng ra anh Cả (Nguyễn Lương Bằng), anh Cần (Vũ Kỳ) và anh giúp việc Bác đi “xuất hành” khiêng xe. Bác Hồ dậy sớm như thường lệ. Bác “đi mấy đường nhu quyền”, “hạ tấn”, “trung bình tấn”…

Anh Vũ Kỳ khi nhắc lại kỷ niệm này, mắt anh đọng lệ:

“Chúng tôi khiêng được xe lên và đưa xe về nơi gửi nhờ. Đúng 9 giờ sáng, gia chủ rất thành tâm mời chúng tôi ăn cỗ Tết.

Lời mời thịnh tình năm mới, chúng tôi không dám từ chối. Ngồi ăn trước mâm cỗ thịnh soạn, chúng tôi thầm nhớ Bác ở nhà… Bác đang viết cho xong cuốn “Vấn đề du kích”.

Chiều mồng Một Tết, mấy anh đi chúc Tết bà con trong xóm được bà con mời ăn cỗ Tết. Anh Trần Đăng Ninh và tôi ăn cơm nguội, Bác ăn cơm nóng, độn sắn với mấy miếng thịt nạc rim và bát canh rau cải. Bác rất thích ăn canh rau cải, dưa cải muối.

Tôi nói vui, Bác ơi, ăn canh rau cải phải đi giải nhiều ạ. Bác cười, bảo: “Chú không nhớ trong ca dao có câu “Không canh nào lành bằng canh rau cải – Chẳng đạo ngãi nào bền bằng đạo ngãi vợ chồng”.

Tối mùng Một Tết, mưa đậm hạt, gió lọt qua phên, rét thấu xương. Bác nhiều kinh nghiệm chống rét từ cái thời Bác ở Pắc Bó, chiến khu Tân Trào… Bác cho nhóm lửa giữa nhà. Bác, anh Cả (Nguyễn Lương Bằng), anh Râu Xồm (Trần Đăng Ninh) và anh em trong tổ giúp việc Bác quây quần bên bếp như đêm lửa trại.

Đêm sắp vào khuya, anh Ninh ra cổng ngoài đón anh Nhân (Trường Chinh), anh Văn (Võ Nguyên Giáp). Hai anh quần xắn quá gối, chân bê bết bùn. Thì ra hai anh đi xuất hành chúc Tết Bác, và bàn định công việc khẩn cấp… Xe ô tô sa lầy ở lối vào đầu xã Cần Kiệm.

Bác Hồ, anh Nhân, anh Văn, anh Cả và anh Ninh ngồi họp quanh bếp lửa hồng. Cả tổ giúp việc Bác đội mưa rét đi cứu xe. Khi khênh được xe lên thì chuông chùa Tây Phương ngân vang trong đêm khuya về sáng. Anh Nhân, anh Văn chào Bác ra về.

Bác tiễn hai anh ra cửa. Bác bá vai hai anh dừng chân bên thềm lập loè ánh lửa. Tiếng Người ân cần: “Ngồi bên bếp lửa ấm ra đi ngay dễ bị ngộ lạnh, phải dừng lại mấy phút cho quen dần cái rét rồi hai chú hãy đi…”.

Hội đồng Chính phủ lại họp phiên đầu năm, tối ngày 2 tháng 2 năm 1947 (12 tháng Giêng Âm lịch) tại địa điểm họp tất niên năm cũ, Bác Hồ chủ tọa. Mở đầu phiên họp, Người đề nghị đang còn hơi hướng Tết Đinh Hợi, vị nào có thơ xuân, câu đối Tết xin đọc làm “đà” cho “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, Thống nhất độc lập nhất định thành công” (hai câu thơ chúc Tết của Bác). Cụ Bùi Bằng Đoàn đứng lên giới thiệu: “…

Tôi được biết ngài Bộ trưởng Phan Anh có câu đối từ kỳ họp tất niên Hội đồng Chính phủ về…”. Bộ trưởng Phan Anh đọc câu đối thứ nhất xong, ông đọc tiếp câu thứ hai:

- Cha ông hương khói lạnh, con cháu cỗ bàn suông, khắp ba kỳ còn nếm nỗi gian truân, buổi Tết nhất càng căm quân cướp nước.

- Tổ quốc bờ cõi yên, non sông Nam – Bắc hợp, mấy mươi triệu đồng bào thề quyết thắng, bước vinh quang sẽ hẹn lúc về nhà.

Nhiều vị đứng lên bắt tay tán thưởng Bộ trưởng Phan Anh. Bác Hồ ứng khẩu một câu “Kiều lẩy”:

“Rằng hay quả thật là hay.

Khẩn trương kháng chiến, hẹn ngày bình sau”

Cụ Tôn Đức Thắng ghé tai Cụ Bùi Bằng Đoàn: “Ông Cụ thánh thật. Cụ sống xa đất nước những 30 năm mà hầu như Cụ không phai nhạt một thứ gì là của Việt Nam”. Cụ Bùi cười mãn ý với Cụ Tôn: “Cụ Hồ thuộc về thiên nhân, tuệ giác”.

Sau cuộc họp, lần này Cụ Bùi, Cụ Tôn cùng về một xe suôn sẻ. Mấy tuần đầu kháng chiến cơ quan Ban Thường trực Quốc hội, ủy ban Mặt trận cùng ở Liên Bạt. Các Cụ Bùi, Cụ Tôn, Cụ Vi Văn Định… cùng ở đây. Hồ Chủ tịch không về Cần Kiệm mà về Sài Sơn, anh Trần Đăng Ninh đã vận động vị sư trụ trì chùa Thầy từ hôm trước.

Bố trí nơi Bác ở mãi trên tầng núi lưng chừng, chùa Một Mái. Bác làm việc trong một cái vòm đá Sài Sơn. Anh Cần vẫn ở gần Bác. Chùa có sân rất rộng, vắng vẻ. Bác nhờ anh Văn (Võ Nguyên Giáp) và anh Cần (Vũ Kỳ) giúp Bác tập đi xe đạp để đến lúc cần thì dùng đến nó, chủ động, gọn nhẹ và nhanh.

Mấy hôm liền hai anh giúp Bác đi xe đạp. Ngay thời điểm này, anh Văn báo cáo với Bác cho rút các đơn vị trong Thủ đô Hà Nội. Đúng ngày 22/2/1947, các đơn vị tập kết ở Thượng Hội, huyện Đan Phượng, Hà Đông toàn vẹn. Vị Tổng chỉ huy – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đến thăm hỏi, tuyên dương công trạng các chiến sĩ và đặt tên Trung đoàn Thủ đô từ đây.

Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Thủ đô Hà Nội vẹn toàn. Chiến sự lan rộng, ác liệt. Các cơ quan Trung ương lần lượt lên chiến khu Việt Bắc. Bác Hồ cũng đã đến Tuyên Quang ở châu Tự Do, làng Xảo. Ban Thường trực Quốc hội, Cụ Bùi và các cụ phó, trưởng ban ở tại làng Thanh La.

Khi chuyển chỗ ở, Bác Hồ về Định Hóa, cơ quan Cụ Bùi cũng chuyển theo. Ông Hoàng Hữu Nam báo cáo với Bác về công việc vận chuyển các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận… đều vào khu “ATK”.

Hồ Chủ tịch rất lo các cụ tuổi cao, lại lâm vào cuộc sống nơi lửa đạn, chốn ngàn sâu! Để Bác đỡ phần lo lắng, ông Hoàng Hữu Nam báo cáo cụ thể nơi ăn ở của các cụ: Thời gian đầu mới lên ngàn phải thu xếp các cụ ở trong nhà dân, được ấm cúng. Cụ Bùi Bằng Đoàn, Cụ Nguyễn Văn Tố, Cụ Tôn Đức Thắng, Cụ Vi Văn Định, Cụ Phan Kế Toại ở tại nhà các ông Nguyễn Văn Lá, Nông Đình Lăng, xã Điểm Mặc (huyện Định Hóa, Thái Nguyên).

Ngày 19/4/1947, Hội đồng Chính phủ họp. Qua bốn tháng, các cơ quan đoàn thể rút ra khỏi Thủ đô Hà Nội, đến bây giờ mới quy tụ vào “an toàn khu” (ATK).

Mới sáu giờ chiều, ở rừng nên trời đã tối hẳn. Cuộc họp bàn định các vấn đề lớn: bảo vệ căn cứ địa, giữ bí mật các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến lâu dài, vấn đề đối ngoại, vấn đề tăng gia sản xuất trong thời chiến, vấn đề giáo dục, văn hóa văn nghệ…

Cuộc họp dài gần một đêm trắng. Khi các đại biểu lần lượt ra về, Bác Hồ, Cụ Bùi, Cụ Tố, Cụ Tôn, Cụ Phan còn ngồi lại chuyện trò thăm hỏi. Cụ Bùi chống tay lên hai đầu gối ôm đầu như một sự mệt mỏi. Bác Hồ nhận ra sự không bình thường ấy, ngồi sát vào Cụ Bùi lo hỏi khẽ khàng:

- Thưa Cụ, Cụ có làm sao không?

- Xin Chủ tịch bình tâm. Cái đau này đã thành đau kinh niên. Một lần tôi bị ngã, đầu bị chấn thương nhẹ…

Các cụ cùng ghé lại, lo lắng cho cụ Bùi! Bác Hồ cho gọi bác sĩ và giao cho ông Bảy (Phan Mỹ) cùng đưa Cụ Bùi về…

Từ ngày ấy, Bác Hồ rất áy náy về sức khỏe Cụ Bùi và Bác thường cho thầy thuốc riêng của Người tới thăm theo dõi tình hình sức khỏe Cụ Bùi.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".