Cầu hiền

Cầu hiền
TP - "Nước nhà cần phải được kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức..." - Trích thư của Hồ Chủ tịch gửi các địa phương chiêu mộ người hiền tài.
Cầu hiền ảnh 1
Bác Hồ quy tụ quanh mình nhiều hiền tài

Đại hội đại biểu Quốc dân Việt Nam tại Tân Trào, Thủ đô Cách mạng từ ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945. Cụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch ủy ban Dân tộc giải phóng.

Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước. Hồ Chủ Tịch từ Tân Trào, Thủ đô Cách mạng về Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 1945, nguyên tại nhà 48 phố Hàng Ngang.

Ngày 26, Người mở phiên họp Thường vụ Trung ương, phiên họp lịch sử với những quyết sách của bước ngoặt lịch sử - “Thành lập ngay một Chính phủ lâm thời gồm những bậc danh tiếng tiêu biểu đủ các giới đồng bào trong cả nước.

Phải ra Bản Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở trung tâm Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân, ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời thì cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa”.

Sau buổi lễ trọng đại Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9, Hồ Chủ tịch họp Hội đồng Chính phủ, ban bố những quốc sách: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm và tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết…

Thông qua sắc lệnh Tổng tuyển cử tự do trong cả nước bầu Quốc hội. Và Người ký sắc lệnh số 34/SL20-9-1945, lập ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đệ trình Quốc hội.

Phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 14/11/1945, Hồ Chủ tịch trịnh trọng tuyên bố:

Đất nước ta lúc này cần kiến thiết:

- Kiến thiết ngoại giao.
- Kiến thiết kinh tế.
- Kiến thiết quân sự.
- Kiến thiết giáo dục

Muốn vậy, mời các người tài đức ra giúp nước nhà. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.

Hồ Chủ tịch đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban cố vấn 10 người cho Chủ tịch nước, mà Người mới nhắm được 6 vị, đệ trình với Hội đồng Chính phủ:

1.Cụ Bùi Bằng Đoàn
2.Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện
3.Giáo sĩ Lê Hữu Từ.
4.Cụ Ngô Tử Hạ.
5.Cụ Bùi Kỷ.
6.Cụ Lê Tại

Còn thiếu 4 vị nữa, Người xin được bổ khuyết tiếp.

Hồ Chủ tịch trao đổi thân tình với người Bí thư thân tín Vũ Đình Huỳnh: Ngót trăm năm nước mất, các bậc hiền năng, tài đức, vì nước quên thân đã ngã xuống mất mát quá nhiều!

Thật phúc ấm tổ tiên cho chúng ta, đông đảo anh chị em tài đức dồi dào sức khỏe đều dấn thân vào công việc nước lúc mới vực dậy còn muôn vàn gian khó, trăm lớp bủa vây.

Các bậc chí sĩ, hiền sĩ như Cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng), Cụ Tố (Nguyễn Văn Tố), Cụ Phan (Phan Kế Toại), Cụ Bảng (Phó Bảng Bùi Kỷ), Cụ Vi (Vi Văn Định)… đều ghé vai vào quốc sự…

Nhưng Cụ Bùi (Bùi Bằng Đoàn) một bậc đại thần “triều ẩn lập thân hành thiện” Cụ vẫn còn do dự! Ông Vũ Đình Huỳnh bâng khuâng: - Thưa Bác, ngài Vĩnh Thụy rời bệ ngọc ngai vàng, nguyện “làm dân một nước tự do”, hưởng ứng ngay lời mời của Bác, giám mục Lê Hữu Từ, linh mục Phạm Bá Trực…

Chắc là còn có một điều gì ngoài lý do sức khỏe để Cụ Bùi (Bùi Bằng Đoàn) còn lưỡng lự trước một việc trọng đại này.

Bác Hồ nhìn người Bí thư tín nghĩa, nói: “Tôi tin lần này chú yết kiến Cụ Bùi và trao tay Cụ Lời tâm tri này của tôi, Cụ sẽ vui lòng ra giúp nước”. Trước hôm ông Vũ Đình Huỳnh đến Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Đông gặp Cụ Bùi trao thư Hồ Chủ tịch, ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp cho công bố trên các báo văn bản: “Tìm người tài đức” của Chủ tịch nước:

Nước nhà cần phải được kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở.

Hẹn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ.

Chủ tịch Chính phủ Việt Nam

Hồ Chí Minh

***

Tại tư thất ở quê nhà Liên Bạt, Cụ Bùi Bằng Đoàn tiếp nhận Lời tâm tri của Cụ Hồ Chí Minh từ tay người Bí thư của Chủ tịch nước. Cụ Bùi hai tay nâng phong thư hình chữ nhật, giấy phẩm điều với ba chữ Nho đá thảo, màu huyền: Ký Bùi Công.

Cụ mở phong bì, hai mắt sau cặp kính lão sáng ngời, lấp lánh ánh tâm đăng trên hàng chữ Nho của Hồ Chủ tịch: “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh”. Cụ Bùi mở bức thư của Cụ Hồ gửi lần trước, giọng nói của Cụ ấm áp trầm tâm: … - Ngài Bí thư về thưa lại với Hồ Chủ tịch, tôi xin ứng mệnh ngay Lời tâm tri của Người.

Cụ Bùi trao bức thư Hồ Chủ tịch sang tay ông Vũ Đình Huỳnh – “Ngài Bí thư coi, Hồ Chủ tịch viết cho tôi có hơn năm mươi từ (chính xác là 52 chữ) mà trọng nhiệm lớn lao tôi e mình không làm tròn trọng nhiệm mà Hồ Chủ tịch phó thác.

Bởi cái “nghịch phong sử phàm” của tôi!… Có cái nhục nào bằng cái nhục vong quốc nô! Tôi ra làm quan từ thuở ngoài hai mươi tuổi của cái thời nước mất, ngoại bang đô hộ; hơn ba mươi năm ở ghế quan trường dưới ba đời vua “An Nam”.

Nay nhờ có Hồ Chủ tịch lãnh đạo, dân ta đã rửa được cái nhục vong quốc, nước Nam ta đã có độc lập, nhân dân ta có tự do, ai nấy đều hả lòng hả dạ.

Tôi đã tàn niên, được Hồ Chủ tịch vời ra không phải để làm quan mà “để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc”.

 Ông Vũ Đình Huỳnh càng thấm thía lời của Bác Hồ giản dị mà hàm súc với bao ý nghĩa lớn lao khiến Cụ Bùi nhấn đi nhấn lại “hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc”.

Ông Vũ Đình Huỳnh thưa với Cụ Bùi: “Hồ Chủ tịch đã từng nói với chúng tôi rằng: “Cụ là bậc đại thần “triều ẩn lập thân hành thiện” ạ… - Cụ Bùi nở nụ cười sáng cả gương mặt hiền từ, Cụ nhấn từng tiếng: “Thính vũ thanh cảm ứng nghinh thu” (Tạm dịch: Dòng thu sen tạ lắng mưa rơi).

(Còn nữa)

Nhà văn Sơn Tùng
(50 năm 1955 - 2005 nhớ giỗ cụ Bùi Bằng Đoàn,
Hoài niệm của một người cháu)

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.