Phùng Khánh(ngoài cùng bên trái) và gia đình. . Ảnh: Ảnh tư liệu của NĐX |
Từ đó không thể nào quên những giây phút lạ lùng giữa những cuốn hút của dòng văn, con mắt của chính mình đã hơn một lần choàng tỉnh nhận ra “của báu trong nhà tìm kiếm mãi” đang được một người ngoài cuộc nâng niu, rồi có một người trong cuộc trang trọng trao lại cho mình. Bỗng như một liên cảm, tuy chỉ văn kỳ thanh mà đã thấy tri âm chị Phùng Khánh bất kiến kỳ hình (trích điếu văn Thái Kim Lan đưa tiễn Ni sư Trí Hải).
Tác phẩm dịch được giới thiệu với tựa đề Câu chuyện của dòng sông lần đầu tiên vào năm 1965, do NXB Lá Bối ấn hành. Trước năm 1975 Câu chuyện của dòng sông ít nhất đã được tái bản ba lần: NXB Lá Bối vào các năm 1965 và 1966; NXB An Tiêm vào năm 1967. Bìa và trang đầu của cuốn sách có ghi bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng.
Theo lời của Chủ nhiệm NXB An Tiêm, anh Thanh Tuệ, khi tái bản vào những lần sau, tác phẩm này đã được đổi thành Câu chuyện dòng sông vì nó gãy gọn và đẹp hơn (theo ý của Chủ nhiệm Lá Bối chứ không phải của dịch giả, nhưng dịch giả đồng thuận).
Phùng Khánh (1938 – 2003) tên đầy đủ là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh; Phùng Thăng là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng (em ruột Phùng Khánh). Thân phụ của hai dịch giả này là cụ Nguyễn Phước Ưng Thiều, cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh
Phùng Khánh thời sinh viên. |
Phùng Thăng là bạn cùng lớp đệ nhất C tại trường Quốc học của tôi. Phùng Thăng hay bím tóc thành hai con rít, dáng cao gầy thanh thoát trong tà áo dài, gương mặt đẹp thanh tú như một tiên cô, rất ít nói, học rất giỏi, nhất là môn triết và văn chương.
Tôi còn nhớ là đã giật mình khi nghe bài luận văn về triết học Đông phương của chị, và đã thầm nghĩ, “người ni thật là trí tuệ và tài hoa”. Chị Phùng Thăng tỏ ra rất thông hiểu triết học Ấn Độ làm cho kẻ thời ấy còn háo thắng theo phong trào triết học Tây phương là tôi ngạc nhiên và nể vì.
Mãi về sau, trở về với triết học Đông phương và Phật giáo, tôi mới biết mình đã thua xa các chị về kiến thức Đông phương. Các chị đã thức thời đi trước.
Từ 1965, khi đi du học, tôi không được gặp lại chị Phùng Thăng. Nhưng ni sư Trí Hải (chị Phùng Khánh xuất gia năm 1964, nay được xưng tụng là cố ni sư trưởng) thì tôi đã được gặp lại khá nhiều lần trong những lần về Việt Nam, ngoài chuyện Phật sự từ thiện, một phần qua Câu chuyện dòng sông. Tôi xin ghi lại những lời của dịch giả về chuyện này.
Ni sư Trí Hải. |
Cuối năm 2001, trong Dự án tuyển tập văn học Đức - Việt do quỹ W. P. Schmitz-Stiftung tài trợ, chúng tôi quyết định chọn tác phẩm dịch Câu chuyện dòng sông, nguyên tác Siddhartha của H. Hesse.
Suốt năm 2002 tôi có nhiều dịp liên lạc với ni sư Trí Hải. Lần đầu khi nghe tôi ngỏ ý xin in lại tác phẩm này ni sư cười rất tươi và với giọng nói rõ ràng, thanh sắc: Ui chao, quyển sách nớ người ta in biết bao nhiêu lần rồi, sau bảy lăm họ in xung quanh mình mà chẳng có ai đến hỏi hay gửi cho mình một cuốn. Hình như chỉ có anh chi đó ở Huế (có lẽ là Ðặng Ngọc Phú Hòa) có gửi chút tiền vô cúng Thiền viện Tuệ Uyển.
Khi nghe tôi dè dặt thưa rằng cần hiệu đính vài chỗ trong bản dịch ni sư đã mau mắn nói rằng: “Chị Kim Lan cứ bổ túc đi. Bây giờ thì Câu chuyện dòng sông là của thiên hạ rồi! Nhưng bổ túc từ bản tiếng Ðức th ì tốt lắm. Tôi tiếc không đọc được nguyên bản tiếng Ðức. Tôi cũng có học tiếng Ðức mà chỉ hiểu sơ sơ! Chị đọc được chắc là hay hơn bản tiếng Anh nhiều, thế thì hạnh phúc lắm”.
Tôi hiểu câu nói của ni sư “Câu chuyệng dòng sông là của thiên hạ„ trong ý từ bi rộng mở của một vị sư; còn người trần như tôi thì biết rằng, tác phẩm này đã ghi dấu ấn sâu đậm cho cả những thế hệ 60, 70 chúng tôi; và bỗng cảm thấy hoài cổ cái thời hoành tráng “trở về con đường nội tâm” mà Siddhartha đã đi qua.
Và quên sao được chị em Phùng Khánh, Phùng Thăng nổi tiếng giỏi ngoại ngữ một thời ở Huế, ngay cả tiếng Ðức mà chúng tôi theo học thời ấy ở chi nhánh Viện Goethe tại Huế bên cạnh Trung tâm văn hóa Pháp ở đường Lê Lợi?
Lần thứ ba gặp cố ni sư, tôi đến để trao cho ni sư món tiền nhuận bút dịch thuật tác phẩm Siddhartha, ni sư lại cười và bảo: Ui chao, chị Kim Lan biết không, đây là số tiền dịch thuật lần đầu tiên cho quyển sách này, mà e cũng là lần đầu tiên trong đời dịch thuật của tui. Tiền ni để in kinh dạy học cho các em. Thì cũng tại chị biết tui chị mới đến gặp và xin phép, chớ thiên hạ biết mình ở mô mà tìm đến, phải không! Thôi, miễn người đọc vui là được rồi!
Người đọc vui là được! Nghe sao bình dị mà bao la. Ni sư có tâm từ bi quảng đại và tài hoa cái thế. Bởi vì ngoài tác phẩm dịch đầu tay, tác giả Phùng Khánh và về sau, dưới Phật hiệu Thích nữ Trí Hải, đã để lại cho hậu thế những tinh hoa tư tưởng độ sinh quý báu.
Ngoài những hoạt động giáo dục, hoằng pháp - Nguyên Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, nguyên thư viện trưởng và Giám đốc An sinh xã hội Đại học Vạn Hạnh, nguyên giảng sư Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Trụ trì Tịnh thất Tuệ Uyển Vạn Hạnh, Liên Hoa, Diệu Không- Ni trưởng còn dành nhiều thì giờ cho việc phiên dịch, biên soạn và in ấn kinh điển để giúp tăng ni, Phật tử có thêm tài liệu nghiên cứu học tập.
Đặc biệt nổi tiếng là những bản dịch: Câu chuyện dòng sông, Bắt trẻ đồng xanh, Triết học Phật giáo, Gandhi tự truyện, Câu chuyện triết học, Thanh tịnh đạo luận, Thắng Man, Tạng thư Sống Chết, Giải thoát trong lòng tay. Ni trưởng còn trước tác một số tác phẩm khác mà quan trọng nhất là các bản Toát yếu Trung Bộ Kinh (ba tập) và những bài giảng về Phật học cho ni chúng và Phật tử.
Mùa thu năm 2002, một năm trước ngày mất của ni trưởng, tác phẩm Câu chuyện dòng sông do Phùng Khánh (và Phùng Thăng) dịch được tái bản trong tuyển tập văn học Ðức Việt, nhưng chưa được hiệu đính vì thời gian gấp rút cho việc kịp in ấn.
Sách in song ngữ với lời giới thiệu tác giả Hermann Hesse và lời bạt về tác phẩm do giáo sư Winko và tôi đảm nhiệm, NXB Đà Nẵng ấn hành. Sách in ra phần nhiều được gửi tặng cho Viện Goethe ở Hà Nội, các thư viện đại học và các trường cao đẳng Phật học tại Việt Nam, đã rất hợp với ý của dịch giả tiên phong Phùng Khánh.
Tôi còn nhớ nụ cười tươi của ni sư khi nhìn thấy tác phẩm dịch của mình đã mấy mươi năm lênh đênh ngoài tầm tay, như người mẹ khoan dung tìm thấy đứa con. Quả thực không sai khi thi sĩ Bùi Giáng nhiều lần gọi cô là mẹ, mẫu hậu, mẹ của nhà thơ và của muôn loài: Mẹ còn nhớ nữa con chăng. Mẫu thân Phùng Khánh con hằng chẳng quên… Mẫu thân Phùng Khánh tuyệt vời/ Chiều xuân thơ mộng dưới trời bước đi. (Thơ Điên).
Trong muôn một, chính nhà thơ nổi tiếng ngông cuồng này là người cảm nhận sâu xa nhất ý nghĩa “từ bi văn chương” mà dịch giả Phùng Khánh đã đem lại cho nhiều thế hệ trẻ. Với Câu chuyện dòng sông, Bắt trẻ đồng xanh, “Phùng Khánh thảnh thơi, nhẹ nhàng bắt trẻ đồng xanh với cái tâm không phân biệt. Nhưng ai chị cũng bắt, cũng cứu. Bồ Tát mà còn phân biệt thì đâu còn Bồ Tát nữa. Đối với chị ai cũng là trẻ đồng xanh, cần bắt trước khi họ rơi khỏi vách đá. Chúng sanh vô biên thề nguyện độ” - Quán Như* đã viết như thế.
Thi sĩ Bùi Giáng cảm nhận mình là “con” trong sự che chở bao la của tâm văn học ấy: Mẹ về bảo nhỏ con thôi, đừng đeo đai nghiệp suốt đời lầm than (BG-Thích Phùng Khánh ca) - Chữ “con” của thi sĩ là hình ảnh đẹp nhất về làn sóng “động tâm” đại từ bi của dịch giả Phùng Khánh trong cuộc đời và trong văn chương. Đọc văn dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng ta bắt gặp được ý nghĩa dịch là sinh, là sáng tạo thêm một làn vẻ đẹp của tư tưởng và văn chương.
Cho nên xin mượn “tình” thơ dại - mẹ con - của Bùi Giáng để kết thúc bài viết này:
Con thương Phùng Khánh vô ngần
Phùng Thăng thân mẫu cũng gần như nhiên
Nguyệt rừng lộng lẫy man nhiên
Trăng ngàn thơ dại ngậm nghiêng nghiêng vành
Huế, Lập Xuân Tân Mão
Dịch giả Phùng Khánh, tức ni sư Trí Hải đã để lại cho đời những bản dịch có giá trị: Câu chuyện dòng sông, Bắt trẻ đồng xanh, Triết học Phật giáo, Gandhi tự truyện, Câu chuyện triết học, Thanh tịnh đạo luận, Thắng Man, Tạng thư Sống Chết, Giải thoát trong lòng tay. |