Câu chuyện đẫm nước mắt của người phụ nữ đẻ thuê cho chồng

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Sau 7 năm trời đằng đẵng, chịu bao đau đớn, mệt nhọc, tôi đã được bế đứa con trên tay. Những tưởng sinh con để giữ gìn hạnh phúc gia đình, kết nối tình nghĩa vợ chồng nhưng giờ đây tôi thấy mình giống vú em, đi đẻ thuê cho chồng. 

Nỗi niềm hiếm muộn

3 năm sau đám cưới tôi vẫn không thể sinh con, gia đình hai bên đều sốt ruột. Mỗi lần gặp tôi, mẹ chồng đều cau có, “mát mẻ” chuyện mấy con gà trong chuồng nuôi tốn cơm mà không biết đẻ rồi đem gậy đánh gà. Tôi chỉ biết lén quay đi gạt nước mắt. Chồng tôi thấy bố mẹ, anh em giục đông giục tây, bạn bè cưới sau đã có con bồng con bế nên cũng sốt ruột, bắt đầu cáu kỉnh. Tôi nghe lời mẹ chồng đi cắt thuốc bắc uống. 

Mỗi ngày một thang, 3 bát nước đắng, ròng rã suốt 1 năm trời. Tôi tăng đến 20kg, người phù thũng, chướng căng, bụng cũng lớn thêm 25cm nhưng không phải vì có thai. Không còn sức uống thuốc, tôi lén mẹ chồng đi khám hiếm muộn. Kết quả khiến tôi đau đớn. Buồng trứng của tôi có dị tật nên không có trứng khỏe, khả năng thụ thai rất thấp. 

Tử cung cũng bị hẹp nên có mang thai thì cũng dễ sảy. Buồn chán, tôi đổ bệnh hai tuần. Khỏe lại, tôi vẫn phải nén đau, nói chuyện với chồng, dự định sẽ chia tay. Nhưng chồng tôi giờ phút đó lại ôm tôi vào lòng, nỉ non sẽ yêu thương tôi mãi mãi. Nếu tôi muốn thì anh ấy sẽ cùng tôi đi thụ tinh nhân tạo để cho tôi được làm mẹ. 

Lúc đó, trong lòng tôi tràn đầy tình yêu, sự biết ơn và ngưỡng mộ đối với sự bao dung, vị tha của chồng. Cho dù mẹ chồng tôi phản đối, tôi vẫn cùng chồng đi khám để làm thụ tinh nhân tạo. Nào ngờ, tinh dịch đồ của chồng tôi cũng không như ý muốn. 

Bác sĩ bảo kể cả có lấy vợ khác, anh ấy cũng khó có con được bằng phương pháp tự nhiên. Chồng tôi đã cười bảo “trời sinh một cặp” khiến tôi vừa thương chồng, vừa cảm động. Tôi xin trứng của người khác kết hợp với tinh trùng của chồng để làm thụ tinh nhân tạo. Nhưng trớ trêu, cái thai hỏng ngay tháng đầu.

Từ “đẻ thuê” đến “vú em”

Chồng tôi còn đi với tôi đến khoa hiếm muộn thêm 2 lần nữa, sau đó anh ấy khuyên tôi bỏ cuộc. Nhưng tôi không đành lòng, quyết theo bằng được. Cứ thụ thai rồi lại sảy. Tôi bỏ cả việc để chầu chực ở các phòng khám, trong khi chồng tôi càng ngày càng thiếu kiên nhẫn. Anh ấy chỉ bỏ lại một hộp đựng “con giống” rồi mặc kệ tôi. 

Có khi tôi mất con một mình trong viện, về đến nhà cũng thấy tối đen, chồng đi nhậu đến nửa đêm. Có khi tôi đang cô đơn ngồi tê lặng trong phòng chờ ở bệnh viện thì thấy trên facebook, chồng tôi đang ngồi chém gió với bạn bè. Những lúc quá mệt mỏi, tôi muốn được chồng an ủi thì nhận được câu trả lời ráo hoảnh: “Em muốn có con thì tự chịu. Anh có cần đâu”. 

Suốt 7 năm ròng rã, cô đơn, đau đớn, cuối cùng tôi cũng được bồng đứa con trên tay. Thấy chồng, bố mẹ chồng hết sức vui mừng, tôi cũng vơi đi nỗi tủi cực. Nhưng khi tôi đang quay cuồng trong đống tã lót, thức khuya dậy sớm chăm con thì chồng tôi vẫn đi sớm về khuya. Ngoại trừ bế con, anh ấy hầu như không chạm tay vào tôi.

 Cũng không khó khăn khi tôi tìm thấy những dòng chữ yêu đương quấn quýt giữa chồng và một cô gái khác trên điện thoại. Chồng tôi không phủ nhận. Anh ấy cho biết đã quá mệt mỏi khi chung sống với tôi. Cô gái hiện tại cho anh ấy niềm vui sống thật sự, chứ không phải vẻ mặt mệt mỏi, thân thể ốm yếu hết sảy thai lại dưỡng thai của tôi. 

Nếu không chịu được thì tôi có thể ly hôn. Con trai là của anh ta, không có tí máu mủ gì với tôi nên tôi đừng hòng mang đi. Cũng đừng nghĩ vô công rồi nghề như tôi khi ra tòa có thể tranh chấp được với anh ấy. Tôi lại rơi xuống hố sâu tuyệt vọng. Không thể rời bỏ đứa con tôi đã “đẻ thuê”, tôi đành tiếp tục sống kiếp “vú em”. Chồng tôi sau đó cũng công khai chuyện bồ bịch, thi thoảng còn bế con trai tôi đi chơi với bồ. 

Tôi đã vượt quá ngưỡng đau, vẫn cần mẫn sống, chăm sóc con tỉ mỉ. Tôi chỉ hy vọng đến một ngày nào đó, khi đứa con đã lớn, nó sẽ thấu hiểu được tình cảm mà tôi đã gửi gắm cho nó trong hành trình cay đắng của mình. Tôi tin nó đã nằm trong bụng tôi nên nó sẽ hiểu.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi (Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản T.Ư), không ít người chồng đã không đủ cảm thông, chia sẻ với vợ trong quá trình chữa trị vô sinh. Có người đe dọa vợ nếu không thành công thì sẽ ly dị. Có người để mặc vợ cô đơn một mình trong quá trình làm các hỗ trợ sinh sản. Trong khi đó, gia đình chồng cũng gièm pha, hắt hủi. Điều đó gây nên những chấn thương tâm lý rất lớn cho phụ nữ hiếm muộn. Thậm chí có chị đã phải điều trị tâm thần do những áp lực sinh con từ phía chồng. 
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư và Đại học Y Hà Nội trên 14.000 cặp vợ chồng thì tỷ lệ vô sinh chung tại Việt Nam là 7%, trong đó nguyên nhân do vợ và chồng chia tỷ lệ 50/50. 

Theo Theo ANTĐ
MỚI - NÓNG