Câu chuyện bảo tồn

Lăng Ngô Quyền trước đây.
Lăng Ngô Quyền trước đây.
TP - Viện Bảo tồn Di tích tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Học viên phải có tối thiểu 3 năm làm bảo tồn. Anh em nói vui: “Phá 3 năm mới được đi học”.

Giá trị của di tích mang tính ước lệ cao. Viên gạch cũ, cái bát vỡ trong mắt người thường là đồ bỏ. Quẳng cho mấy ông chuyên gia lắm khi đủ cho chục hội thảo. Thực tế chỉ cần một bản gia phả bọn trộm bỏ lại trong mộ cổ chúa Trịnh, người ta phục dựng được cả khu di tích cấp tỉnh.

Viện trưởng Lê Thành Vinh bắt đầu một buổi học bằng câu hỏi: “Anh chị đánh giá thế nào việc phục dựng màu sắc cầu Hiền Lương?”.

Cầu Hiền Lương là di tích quốc gia đặc biệt, nơi đây từng diễn ra các cuộc chiến âm thanh, màu sắc. Phân nửa học viện phê phán việc sơn xanh đỏ phân đôi hai nửa cầu gợi nhớ quá khứ đau buồn, chia cách của dân tộc. Số còn lại phản biện rằng cao trào lịch sử trên cầu Hiền Lương chính ở cuộc chiến màu sắc, phải phục dựng như thế mới gợi tò mò thúc đẩy người dân tìm hiểu lịch sử.

Những cuộc tranh luận kiểu này, chín người mười ý. Cũng như liền sau mỗi kết quả trùng tu là hàng loạt ý kiến kêu ca.

Điển hình là vụ tu bổ lăng Ngô Quyền hồi tháng ba. Các giai đoạn dự án được tiến hành lớp lang,thẩm định đàng hoàng. Vậy mà vẫn thảm họa. Người ta dựng tấm bình phong kì dị chắn trước mặt lăng, bị chê thì sửa lại, chê nữa thì đập đi. Rất tùy tiện. Tuy nhiên, báo chí mới chỉ tập trung vào điểm này, quên mất việc nhà thầu đã thay đổi toàn bộ kiến trúc của lăng.

Xa hơn là cổng đình Kim Liên xây mới sai lệch hẳn ý nghĩa, cổng thành nhà Mạc thì bị biến thành lò gạch...

Tất nhiên bảo tồn cốt để giữ cái hồn của di tích chứ không cấm làm mới. “Phá ít nhiều còn hơn để di tích sập” – vẫn lời học viên vui tính. Đa phần họ kinh qua nhiều dự án, khẳng định rằng “di tích chỉ cần hạ giải (tháo rời cấu kiện kiến trúc để tu bổ) đã không còn như xưa”. Nội điều này cũng lại gây tranh cãi.

Câu hỏi đặt ra: Làm mới ở mức độ nào? Sao không mô phỏng hẳn phiên bản to đẹp hoành tráng để con cháu đời sau tự hào như một số công trình tín ngưỡng hiện nay? Không phải không có lý khi con người vẫn thích cái mới. Đổ bao tiền của  mà vẫn cũ kỹ ọp ẹp dễ bị mắng, bị nghi rút lõi công trình.

Làm tu bổ di tích cần kiến thức sâu rộng,đầu tư kỹ càng. Tu bổ sai từ khái niệm văn hóa sẽ biến thành phá hoại. Tới lúc đó, cái bị mất biết đâu cũng chỉ mang tính ước lệ mà thôi.

MỚI - NÓNG